Những phản ứng miễn dịch đầu tiên chống lại SARS-CoV-2
Trẻ em sản sinh lượng protein interferon và interleukin tiêu diệt mầm bệnh cao hơn trong phản ứng miễn dịch bấm sinh
Chuyên gia bệnh truyền nhiễm ở trẻ em tại ĐH Y Albert Einstein, BS. Betsy Herold và các đồng nghiệp của bà đã cố gắng đo trực tiếp phản ứng miễn dịch bẩm sinh ở trẻ em. Họ lấy dịch hầu họng từ người tới khoa cấp cứu, bao gồm 12 trẻ em với triệu chứng nhẹ và 27 người lớn (một vài người trong số này đã tử vong). Kết quả, trẻ em có lượng protein báo hiệu như interferon và interleukin cao hơn, và thể hiện gene cao hơn mã hóa những protein này. Những protein này kích hoạt hệ miễn dịch tiêu diệt virus.
Tế bào bạch huyết bẩm sinh
Theo nhà nghiên cứu mạch máu nhi khoa Lael Yonker (BVĐK Massachusetts ở Boston, Mỹ), một lượng lớn các tế bào miễn dịch có thể đóng vai trò quan trọng đối với trẻ em, chính là các tế bào bạch huyết bẩm sinh. Đây là nhân tố đầu tiên phát hiện tổn thương mô và bí mật báo hiệu protein, góp phần điều phối các phản ứng miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch thích nghi. Trong một nghiên cứu đăng tải vào ngày 4/7 trước khi được chính thức xuất bản, Yonker và các đồng nghiệp của bà nhận thấy rằng số lượng tế bào lympho bẩm sinh ở những người không nhiễm COVID-19 suy giảm theo tuổi và thấp hơn ở nam giới. Điều này phản ánh nguy cơ bệnh trở nặng cao hơn ở đối tượng nam giới người cao tuổi. Người lớn mắc COVID-19 nặng và trẻ em mắc COVID-19 có triệu chứng cũng suy giảm lượng tế bào này.
Tế bào bạch cầu trung tính
So với người lớn, trẻ em gần đây nhiễm SARS-CoV-2 cũng có lượng tế bào bạch cầu trung tính neutrophil kích hoạt cao hơn. Đây là loại tế bào ở tuyến đầu phản ứng miễn dịch với các tác nhân lạ xâm nhập từ bên ngoài. Tế bào bạch cầu trung tính tiêu hóa những phần tử virus trước khi chúng có cơ hội nhân lên, bà Melanie Neeland, một nhà miễn dịch học tại Viện Nghiên cứu Trẻ em Murdoch (MCRI) ở Melbourn (Australia), người đứng đầu công trình nghiên cứu cho biết. Tuy nhiên, những tế bào bạch cầu trung tính này cũng trở nên kém hiệu quả hơn cùng với tuổi tác.
MDA5- thụ thể nhận diện SARS-CoV-2 ở khoang mũi, kích hoạt sản sinh interferon tiêu diệt tác nhân gây bệnh
Các tế bào biểu mô nằm bên trong mũi có thể phối hợp phản ứng nhanh. Các nhà nghiên cứu nhận thấy trẻ em có biểu hiện gene mã hóa MDA5 cao hơn so với người lớn. MDA5 là thụ thể được biết tới để nhận diện SARS-CoV-2. Sau khi điểm mặt tác nhân virus xâm nhập, những tế bào này lập tức kích hoạt sản sinh ra interferon (interferon là nhóm các protein tự nhiên do tế bào miễn dịch sản sinh ra nhằm chống lại các tác nhân ngoại lai như virus, vi khuẩn, ký sinh trùng,....).
Đối với người lớn, phải mất tới 2 ngày để kích hoạt hệ thống phòng thủ chống lại virus so với mức ngay lập tức ở trẻ em, đồng tác giả nghiên cứu Roland Eils (nhà nghiên cứu về bộ gene tại Viện Sức khỏe Berlin, Đức) cho biết. "Chính sự khác biệt về thời gian tạo ra miễn dịch đã làm nên sự khác biệt trong phòng vệ chống lại sự tấn công của SARS-CoV-2 giữa người lớn và trẻ em".
Những nghiên cứu về rối loạn miễn dịch di truyền hiếm gặp cũng chỉ ra vai trò chủ đạo của miễn dịch bẩm sinh trong việc ngăn chặn mầm bệnh hô hấp như cúm.
Isabelle Meyts, nhà miễn dịch học trẻ em tại Đại học Leuven ở Bỉ, thường hay điều trị cho trẻ em bị rối loạn miễn dịch. Khi đại dịch lên đến đỉnh điểm, chuyên gia này lên kế hoạch để bảo vệ trẻ em. "Những bệnh nhân mà tôi cảm thấy lo ngại nhất thường là những người có khiếm khuyết về miễn dịch bẩm sinh.", BS. Meyts nói.
Linh cảm của bà tới nay đã được chứng minh là đúng. Trẻ em với những rối loạn ảnh hưởng tới phản ứng miễn dịch thích nghi, chẳng hạn như không sản sinh kháng thể hay sản sinh ra các tế bào B-cell, T-cell bị lỗi khó có thể đương đầu với SARS-CoV-2. Trong số các ca trở nặng do nhiễm COVID-19 có trẻ em bị khiếm khuyết phản ứng miễn dịch bẩm sinh.
Phản ứng bẩm sinh quá mức cũng có thể gây bất lợi. Chẳng hạn những người mắc hội chứng Down có nguy cơ trở nặng COVID-19 nhất nếu nhiễm bệnh, theo chuyên gia có thể do thừa nhiễm sắc thể nên những người này chứa một vài loại gene liên quan tới phản ứng interferon loại 1. Phản ứng miễn dịch bấm sinh quá mức hay thiếu đều không tốt, nó cần đúng thời điểm.
Trẻ em ít hình thành cục máu đông khi nhiễm COVID-19
Theo các nhà nghiên cứu, miễn dịch bẩm sinh chưa phải là toàn bộ câu chuyện, đặc biệt là mối liên kết qua lại với hệ miễn dịch thích nghi.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng nhiều năm phơi nhiễm với virus chủng corona khiến cho hệ miễn dịch của người lớn tiếp cận với SARS-CoV-2 theo cách giống như các virus khác, dẫn đến kết quả phản ứng kém hiệu quả hơn. Khái niệm này được gọi là lỗi kháng nguyên gốc. Ngược lại, trẻ em có thể sản sinh phản ứng mới và điều chỉnh phù hợp hơn với loại virus hoàn toàn mới.
Amy Chung, một nhà miễn dịch học tại Viện Truyền nhiễm và Miễn dịch Peter Doherty ở Melbourne, Australia đã nhận thấy một vài bằng chứng trong nghiên cứu về kháng thể trong máu của vài trăm trẻ em và người lớn, bao gồm 50 trẻ em nhiễm SARS-CoV-2. Bà và các đồng nghiêp nhận thấy rằng người lớn có nhiều kháng thể phản ứng chéo nhắm vào các bộ phận của virus SARS-CoV-2 tương tự như các phân mảnh của các chủng virus corona. Trong khi đó, trẻ em dường như sản sinh lượng kháng thể phổ rộng hơn chống lại tất cả các phần của virus SARS-CoV-2.
Các nhà nghiên cứu cũng tìm kiếm những nhân tố khác làm tình trạng bệnh nặng lên theo tuổi, chẳng hạn như khả năng kiểm soát viêm nhiễm và lành mô tổn thương. Trẻ em ít bị hình thành cục máu đông ở mạch máu, nên khả năng bảo vệ cao hơn trước COVID-19, nhà sinh hoá Vera Ignjatovic nghiên cứu về huyết học nhi khoa tại Viện nghiên cứu trẻ em Murdoch (Australia) cho biết.
Vẫn chưa có lời giải đối với nhiễm trùng đa hệ thống chiếm một tỷ lệ nhỏ ở trẻ em
Tất nhiên, không phải tất cả trẻ em khi nhiễm COVID-19 đều không có triệu chứng hay chỉ nhiễm nhẹ. Một số trẻ em, mà chủ yếu là các em có bệnh lý nền như bệnh tim mãn tính hay ung thư có triệu chứng viêm phổi nặng khi nhiễm COVID-19. Và ước tính cũng thay đổi đối với tình trạng bệnh COVID-19 kéo dài lâu, trong đó một số triệu chứng kéo dài tới hàng tháng hoặc lâu hơn.
Một bản báo cáo mới đây cho thấy tới 14% số người trẻ có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 xuất hiện đa triệu chứng tới 3 tháng sau chẩn đoán mắc, và một nhóm nhỏ bao gồm trẻ em khỏe mạnh. Khoảng 3/10.000 cá thể nhiễm COVID-19 ở độ tuổi dưới 21 gặp phải hội chứng nhiễm trùng đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C). Nhìn chung những đối tượng này đáp ứng tốt với lây nhiễm ban đầu, nhưng khoảng 1 tháng sau nhập viện với đa triệu chứng, từ suy tim cho tới đau bụng và viêm kết mạc, với tổn thương nhỏ ở phổi.
Michael Levin, một thầy thuốc nhi khoa và chuyên khoa bệnh truyền nhiễm tại ĐH Hoàng gia London (Anh) cho rằng hội chứng nhiễm trùng đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C) có thể là kết quả của phản ứng T-cell hoặc hoặc kháng thể quá mức trước lây nhiễm. Dù có hàng trăm báo cáo về đề tài này, "chính xác điểm khác biệt nào ở trẻ gây ra hội chứng nhiễm trùng đa hệ thống này so với các trẻ khác vẫn là điều bí ẩn", BS.Levin nói.
Khi đại dịch vẫn còn tiếp diễn, các nhà nghiên cứu lo ngại rằng virus có thể tiến hóa theo cách có thể phá vỡ phần nào đó hàng rào bảo vệ bẩm sinh ở trẻ em. Một vài nhà nghiên cứu nhận ra rằng biến thể Alpha (biến thể có nguồn gốc ở Anh) từng phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới, đã tiến hóa để cho phép nó có thể xuyên thủng phản ứng miễn dịch bẩm sinh của cơ thể. Các nhà nghiên cứu lo ngại điều tương tự ở biến thể Delta. Hiện giờ, số ca nhập viện ở trẻ em tăng lên ở những nơi mà biến thể Delta đang hoành hành.
"Hầu hết mọi loại virus tìm cách để lẩn tránh hệ miễn dịch bẩm sinh, và COVID-19 không phải là ngoại lệ ", BS.Herold nói. "Hiện giờ, trẻ em vẫn đang hưởng lợi thế nhờ hệ miễn dịch bẩm sinh, nhưng liệu kéo dài được bao lâu là điều chúng ta không thể biết".
Hướng dẫn sử dụng thuốc điều trị COVID-19 tại nhà