Các phản ứng khác nhau của hệ thống miễn dịch đối với virus được quan sát thấy ở động vật thí nghiệm và con người đã khiến các nhà khoa học khó xác định giới hạn giữa các trường hợp nhẹ và nghiêm trọng của COVID-19.
Các nhà nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của Yale's Richard Flavell (Mỹ) đã quyết định thử nghiệm tình trạng mắc COVID-19 trên những con chuột đã được biến cải để có hệ thống miễn dịch giống người.
Kết quả, thí nghiệm trên những con chuột này đã tiết lộ rằng nguyên nhân gây ra COVID nghiêm trọng có thể nằm ở phản ứng viêm - kháng virus của con người.
Nhóm nghiên cứu, đứng đầu là nhà nghiên cứu Esen Sefik thuộc Viện Y tế Howard Hughes (HHMI), đã đưa virus SARS-CoV-2 lấy từ những bệnh nhân mắc bệnh nặng đưa vào đường mũi của những con chuột và sau đó theo dõi diễn biến của bệnh.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng có những con chuột bị nhiễm bệnh có các triệu chứng giống như những bệnh nhân bị bệnh nặng, chẳng hạn như tổn thương phổi, sụt cân và phản ứng miễn dịch viêm liên tục tăng cao làm tổn thương các mô.
Các nhà nghiên cứu đã điều trị những con chuột bằng kháng thể đơn dòng và phát hiện ra rằng các kháng thể này, nhắm mục tiêu cụ thể vào virus, có hiệu quả nếu được tiêm trước hoặc rất sớm sau khi nhiễm bệnh nhưng ít có tác dụng ngăn chặn các triệu chứng nếu được sử dụng trong các giai đoạn sau của bệnh nhiễm trùng.
Ngược lại, trong giai đoạn đầu của quá trình lây nhiễm, chất ức chế miễn dịch dexamethasone gây tử vong cho chuột khi nó ngăn chặn phản ứng miễn dịch ban đầu quan trọng để chống lại virus. Tuy nhiên, nó giúp loại bỏ nhiễm trùng trong các giai đoạn sau của bệnh bằng cách ức chế phản ứng viêm đã bắt đầu gây tổn thương các cơ quan.
Theo các nhà nghiên cứu trên, thử nghiệm trên "chuột được nhân hóa" cũng có thể tiết lộ manh mối về nguyên nhân và các phương pháp điều trị tiềm năng của cái gọi là COVID kéo dài và nghiêm trọng.
Nguy hiểm: Người mắc Omicron có nguy cơ tái nhiễm COVID-19 cao gấp 5 lần