Lý giải ca bệnh “không mạch, không huyết áp”

02-04-2014 05:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Dư luận đang rất quan tâm về trường hợp một người đàn ông ở Quảng Nam “không mạch, không huyết áp” vẫn sống khỏe tới tuổi 75, gần đây mới có những cơn đau tức ngực hành hạ.

LTS: Dư luận đang rất quan tâm về trường hợp một người đàn ông ở Quảng Nam “không mạch, không huyết áp” vẫn sống khỏe tới tuổi 75, gần đây mới có những cơn đau tức ngực hành hạ. Vậy hiện tượng đó là biểu hiện của bệnh gì, hướng xử trí và điều trị ra sao? Xin giới thiệu bài viết của ThS.BS. Nguyễn Hoàng Hà, Trưởng khoa Ngoại Tim mạch - Bệnh viện ĐKQT Vinmec lý giải về hiện tượng bệnh lý này.

Bệnh Takayasu - một trong những nguyên nhân làm mất mạch

Bệnh Takayasu là một bệnh viêm mạch máu mạn tính có nguyên nhân chưa xác định. Bệnh do bác sĩ chuyên khoa mắt người Nhật tên là Mikito Takayasu phát hiện năm 1908. Bệnh Takayasu còn được gọi là bệnh không có mạch (vô mạch - pulseless). Bệnh gặp ở nữ nhiều hơn nam, tuổi khởi phát từ 10 - 40 tuổi, hay gặp nhất trên các bệnh nhân người châu Á. Mỗi năm ở Nhật Bản có khoảng 150 bệnh nhân mới.

Hình ảnh phim chụp CT mạch máu của bệnh nhân Takayasu.

Hình ảnh phim chụp CT mạch máu của bệnh nhân Takayasu.

Bệnh viêm mạch máu Takayasu ảnh hưởng đến động mạch chủ và các động mạch lớn xuất phát từ động mạch chủ. Vị trí khởi phát hay gặp là động mạch dưới đòn bên trái. Quá trình viêm thường ảnh hưởng đến tất cả các lớp thành động mạch (cơ chế viêm có thể là cơ chế miễn dịch bệnh lý). Hậu quả thường gặp là làm dày hẹp và tắc mạch, trong một số trường hợp động mạch bị giãn gây phình động mạch.

Người bệnh có dấu hiệu đau cách hồi khi vận động (chân hoặc tay), nghỉ thì hết đau. Mạch yếu hoặc không bắt được ở một hoặc cả hai tay. Chênh lệch huyết áp tối đa giữa hai tay trên 10mmHg. Có tiếng thổi ở động mạch dưới đòn hoặc động mạch chủ bụng. Trên phim chụp mạch máu có hẹp hoặc tắc động mạch toàn bộ động mạch chủ, các nhánh của động mạch chủ hoặc các động mạch lớn ở chi trên và chi dưới. Các thương tổn này không liên quan đến xơ vữa động mạch, thoái hóa dạng xơ chun hoặc các nguyên nhân khác.

... Và không đo được huyết áp

Trong giai đoạn khởi đầu, bệnh nhân có thể chỉ có các triệu chứng mệt mỏi, sụt cân và sốt nhẹ. Trong giai đoạn sau sẽ xuất hiện các triệu chứng của hẹp tắc hoặc phình các động mạch liên quan. Các triệu chứng có thể gặp là: ngất do “ăn cắp máu của động mạch dưới đòn”; loét và thiểu dưỡng, đau khớp và đau cơ; khó thở, ho ra máu hoặc suy tim (hiếm gặp); chóng mặt, đau đầu, ngất, co giật... do hẹp tắc động mạch cảnh và động mạch đốt sống; đau ngực (do thương tổn động mạch vành) hoặc đau bụng do thiếu máu động mạch mạc treo.

Thăm khám có thể phát hiện

Giảm huyết áp một hoặc hai bên tay là khá thường gặp; chênh lệch huyết áp hai tay (thường trên 10mmHg).

Không bắt được mạch ở tay và chân là khá thường gặp, có thể nghe thấy tiếng thổi ở vùng động mạch dưới đòn, động mạch cánh tay, động mạch cảnh và các động mạch ở bụng.

BN Lê Văn Khi được đưa ra BV Tâm Trí Đà Nẵng để điều trị miễn phí căn bệnh “không mạch, không huyết áp”.

BN Lê Văn Khi được đưa ra BV Tâm Trí Đà Nẵng để điều trị miễn phí căn bệnh “không mạch, không huyết áp”.

Các dấu hiệu khác như: hở van động mạch chủ, viêm bao hoạt dịch khớp gối, khớp bàn tay.

Tăng huyết áp cũng gặp trên 50% số bệnh nhân do hậu quả của hẹp động mạch thận. Tuy nhiên, do hẹp tắc và giảm sự giãn nở của các động mạch nên trong nhiều trường hợp không đo được huyết áp ở hai tay. Trong trường hợp này phải dùng máy đo huyết áp có bao bản rộng hơn để đo ở đùi hoặc ước tính qua huyết áp động mạch trung tâm võng mạc (Ophthalmodynamometry).

Các xét nghiệm thường thể hiện tình trạng viêm nhưng không đặc hiệu. Phương pháp thăm dò hình ảnh như: chụp cộng hưởng từ, chụp cắt lớp vi tính và chụp mạch máu có bơm thuốc cản quang rất có giá trị chẩn đoán vị trí tổn thương.

Chữa trị thế nào?

Điều trị bệnh chủ yếu là nội khoa, chỉ phẫu thuật khi đã có biến chứng (tắc mạch, phình mạch).

Thuốc điều trị chính là glucocorticoide. Trong những trường hợp kháng trị với corticoide (khoảng 50%) nên dùng các thuốc khác như methotrexate, azathioprine...

Khi bị hẹp động mạch nhiều gây triệu chứng hoặc tắc mạch: ưu tiên điều trị bằng phẫu thuật nội mạch. Một số trường hợp vẫn cần phẫu thuật mở.

Hở van động mạch chủ do bệnh Takayasu có thể phải thay van động mạch chủ hoặc thay cả van và gốc động mạch chủ (phẫu thuật Bentall). Khoảng 10% bệnh nhân sau thay van không giữ lại được ở vị trí vòng van động mạch chủ do van nhân tạo bị bung ra (hậu quả của quá trình viêm) phải phẫu thuật lại.

Khuyến cáo: Nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị sớm

Takayasu là một bệnh mạn tính tiến triển. Có những đợt thuyên giảm xen kẽ với những đợt nặng lên. Khi được phát hiện và điều trị, tiên lượng gần khá khả quan với tỷ lệ còn sống sau 5 năm đến 80 - 90%. Tiên lượng xa sau 15 năm còn sống khoảng 50%. Tuy nhiên, nếu bệnh không được phát hiện và điều trị, biến chứng sẽ xuất hiện sớm hơn và có thể tử vong sớm. Các biến chứng nguy hiểm là: tắc mạch, tăng huyết áp không kiểm soát được, suy tim...

ThS.BS. Nguyễn Hoàng Hà

 

 


Ý kiến của bạn