Thời gian gần đây, nhiều người dân sinh sống gần Cảng thuỷ Nội địa Hồng Vân (huyện Thường Tín – Hà Nội) hết sức lo lắng về sự cố sụt sạt nghiêm trọng tuyến kè Xâm Thị đoạn qua cảng xảy ra vào rạng sáng 13/1/2022. Đây là tuyến kè có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ bờ bãi sông Hồng và Cảng Hồng Vân nhằm phòng, tránh những nguy cơ khó lường, đặc biệt là khi vào mùa mưa bão.
Theo ghi nhận tại Cảng thuỷ Nội địa Hồng Vân, khu vực tiếp giáp về phía hạ lưu cầu cảng số 2 xảy ra sự cố sụt lún. Mức độ sụt lún sâu khoảng từ 2 đến 3,5m so với mặt bằng cầu cảng số 2. Chiều dài sụt lún khoảng 40m, chiều rộng 25m tính từ mép ngoài cầu cảng số 2 trở vào bờ. Cầu cảng số 2 bị nghiêng có khả năng xảy ra sụt, đổ gây mất an toán. Vị trí sự cố xảy ra trong vũng nước cảng. Vụ sạt sụt tại Cảng thuỷ Nội địa gây chìm đắm 1 tàu chở cát là tang vật vụ án do cơ quan công an đưa về neo đậu tại đây.
Nói về nguyên nhân xảy ra sự cố sạt lở nghiêm trọng tại kè Xâm Thị, ông Hoàng Huy Minh - Phó giám đốc Công ty Cảng Hồng Vân cho biết: "Sự việc sập cầu cảng không phải do hoạt động về nạo vét. Một phần nguyên nhân do nền đất yếu, chân cầu cảng bị sụt rỗng vì xây từ năm 1979. Vào những ngày cuối năm, mùa nước rút sóng kéo theo đất, cát và phù sa làm mòn hết chân cảng. Chưa kể các tàu hút cát vi phạm cũng được cơ quan công an buộc vào chân cầu, sức nước kết hợp với tàu to lên hàng nghìn tấn, cong hết cả thép chân cầu. Mà chỉ cần mất chân thì cầu sẽ sập ngay".
Liên quan đến văn bản của Hạt quản lý đê Thường Tín khẳng định từ ngày 23/12 phát hiện có tàu nạo vét, duy tu không có giấy phép, ông Minh nói: "Hạt ra văn bản gây bất lợi cho doanh nghiệp vô cùng. Hạt nói nạo vét, nhưng chúng tôi ghi nhận lại chỉ là các tàu đi vào cảng hoặc khảo sát luồng lạch để chào giá. Khúc sông của cảng lúc nào cũng có vài chục tàu. Chúng tôi chưa hoàn thiện hết thủ tục, làm sao dám nạo vét (?)".
Liên quan đến cấp phép, hồ sơ thủ tục nạo vét, Phó giám đốc Công ty Cảng Hồng Vân thông tin: "Hiện công ty chưa làm, vì lúc được chấp thuận là cuối tháng 12 rồi, nên để sau Tết hoàn thiện".
Về việc Hạt quản lý đê và cơ quan chức năng huyện Thường Tín lập biên bản vi phạm hành chính, ông Minh cho hay: "Công ty không ký vào biên bản, vì Hạt đưa ra kết luận chưa thuyết phục. Thiệt hại kè, Hạt đưa ra ý kiến như thế mang yếu tố chủ quan. Chúng tôi thấy chân cầu không có kè, cầu cảng có kè tàu sao đậu được".
Trong khi đó, đại diện Hạt quản lý đê Thường Tín cho biết - toàn bộ hồ sơ và hình ảnh liên quan đến vụ việc đã được gửi lên Chi cục Phòng chống thiên tai Hà Nội. Về vấn đề thiệt hại kè, hiện huyện Thường Tín đã thành lập tổ điều tra, trong đó có cả Hạt trong tuần này sẽ xác định nguyên nhân.
Theo báo cáo của Hạt quản lý đê Thường Tín, công ty Cảng Hồng Vân nạo vét, duy tu vùng nước Cảng Hồng Vân không có giấy phép của cơ quan thẩm quyền, quá trình thi công gây sạt lở kè Xâm Thị.
Cụ thể, Hạt quản lý đê Thường Tín qua kiểm tra, phát hiện Công ty Hồng Vân đang thực hiện nạo vét, duy tu vùng nước Cảng Hồng Vân, tương ứng từ K89+000 đến K89+500 đê hữu Hồng, nằm trong phạm vi bảo vệ kè Xâm Thị không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.
Việc nạo vét duy tu vùng nước Cảng Hồng Vân được Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, thuộc Bộ GTVT chấp thuận tại văn bản số 2817 ngày 1/12/2021.
Tuy nhiên, Chi cục PCTT Hà Nội xác định, phạm vi nạo vét duy tu vùng nước Cảng Hồng Vân nêu trên nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều. Cụ thể, chiều dài dọc sông 500m từ Km156+500 đến Km157+000 tương ứng từ K89+000 đến K89+500 đê hữu Hồng (đê cấp I), chiều rộng 40m tính từ mép ngoài cầu cảng trở ra sông có một phần là chân kè (lăng thể đá hộc hộ chân), phần còn lại nằm hoàn toàn trong hành lang bảo vệ kè Xâm Thị.
Ngày 14/1/2022, Hạt quản lý đê Thường Tín kiểm tra, phát hiện sự cố sạt lở mặt, mái cơ kè Xâm Thị đoạn từ K89+320 đến K89+383 để hữu Hồng, cách chân để thượng lưu khoảng 94m, chiều dài cung sạt 63m, chiều rộng 25m, chiều sâu khoảng từ 10m-12m.
Ngày 24/1/2022, Hạt quản lý đê Thường Tín kiểm tra tình hình sạt lở kè Xâm Thị thì phát hiện Công ty Hồng Vân dùng máy xúc đổ đá hộc vào vị trí sạt lở khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Báo Sức khỏe & Đời sống sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!
WHO khuyến nghị rút ngắn thời gian cách ly ở những nước gia tăng ca mắc COVID-19