Điểm đến hấp dẫn

Các vận động viên trong một giải chạy tại Hà Nội. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
Vận động viên người Ethiopia Tesfaye Tsegaye Keress khéo léo len qua gần 18.000 người tham dự để tiến sát vạch xuất phát của giải marathon tổ chức vào tháng 12/2024 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Keress chia sẻ với Al Jazeera rằng, nhờ vóc dáng nhỏ bé, anh có thể dễ dàng luồn lách giữa “biển vận động viên chạy bộ” để đến được vị trí chiến lược trước khi tiếng súng xuất phát vang lên. Keress (27 tuổi) vốn chỉ cao 1,62m và nặng khoảng 50 kg.
Keress đặt chân đến Thành phố Hồ Chí Minh mới chỉ vài ngày trước. Anh đi cùng với một vận động viên chạy bộ người Ethiopia khác có tên Dereje Alemu Miko. Trong khi Keress thi đấu ở cự ly 42,1 km thì Miko lại tham gia cự ly bán marathon 21 km.
Trong một cuộc thi với hàng nghìn vận động viên chạy bộ người địa phương, sự góp mặt của Keress và Miko ngay lập tức gây chú ý. Các phương tiện truyền thông địa phương muốn tìm hiểu thêm về những vận động viên đến từ Đông Phi này.
Về phần mình, Keress bộc bạch với Al Jazeera rằng tình yêu dành cho môn thể thao chạy bộ không phải là lý do duy nhất khiến họ đến Việt Nam.
Anh nói: “Chiến thắng là điều quan trọng”. Anh kể về gia đình gồm vợ và hai con trai sống ở Sendafa, vùng Oromia của Ethiopia, cách thủ đô Addis Ababa khoảng 38 km về phía Đông Bắc và chia sẻ: “Chúng tôi nuôi gà và 2 con bò để lấy sữa. Chúng tôi dự định mở rộng trang trại của mình bằng số tiền từ các cuộc đua marathon”. Để giành chiến thắng, anh không chỉ phải vượt qua một số vận động viên chạy đường dài giỏi nhất của Việt Nam mà còn phải đánh bại Edwin Kiptoo– vận động viên Kenya đã giành chiến thắng trong một loạt các giải chạy tại Việt Nam.
Trong thập niên qua, số lượng giải marathon tại Việt Nam tăng đáng kể, khi phong trào chạy bộ nở rộ và phát triển mạnh từ giữa những năm 2010. Dịch COVID-19 kéo theo một thời gian gián đoạn, nhưng sau đó sự phổ biến của môn chạy bộ đã trở lại mạnh mẽ hơn, với nhiều người tập trung vào việc giữ gìn sức khỏe. Vào năm 2023, có tổng cộng 41 giải marathon tiêu chuẩn, với khoảng 264.000 người tham gia, tại 27 tỉnh thành trên khắp Việt Nam.
Số lượng giải marathon cùng giải thưởng hấp dẫn dành cho người chiến thắng tại Việt Nam hiện đang thu hút các vận động viên có thành tích cao từ các quốc gia Đông Phi.
Các vận động viên Đông Phi từ lâu đã là “thế lực thống trị” lĩnh vực chạy bộ với những ngôi sao thế giới như Eliud Kipchoge của Kenya. Kipchoge được ghi nhận là người đầu tiên trong lịch sử chạy marathon cự ly 42 km trong vòng chưa đầy hai giờ vào năm 2019. Ngoài ra, còn có thể kể đến vận động viên người Ethiopia Haile Gebrselassie được mệnh danh là một trong những vận động viên chạy đường dài vĩ đại nhất trong lịch sử, với 27 kỷ lục thế giới.
Do đó, tuyển trạch viên thể thao từ khắp nơi đã tìm đến Kenya, Ethiopia và các nước Đông Phi để săn lùng tài năng. Việc tham gia các giải đấu trên khắp thế giới thường được môi giới bởi đại diện thể thao – họ tài trợ chi phí và hưởng phần trăm tiền thưởng nếu vận động viên thi đấu thành công. Ngoài tiền thưởng, những vận động viên chiến thắng còn có thể thu hút hợp đồng quảng cáo từ các thương hiệu lớn.
Cả Keress và Miko đều nằm trong đội do một nhà tài trợ Thái Lan quản lý, người này cũng điều hành một công ty chuyên về thực phẩm bổ sung năng lượng cho các vận động viên. Chạy marathon cũng phát triển ở Thái Lan, song song với thị trường đồ chạy bộ và các dịch vụ liên quan. Và khi những vận động viên như Keress và Miko giành chiến thắng trong các cuộc đua, các thương hiệu tài trợ và sản phẩm, dịch vụ của họ cũng nhận được giá trị quảng bá rất lớn.
Tình cảm nồng hậu của người dân Việt Nam

Vận động viên Edwin Kiptoo tại một giải chạy ở Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Hằng - TTXVN
Vận động viên marathon người Kenya Edwin Kiptoo chia sẻ: “Sự ủng hộ từ người dân Việt Nam khiến tôi cảm thấy như ở nhà”.
Lần đầu tiên đến Việt Nam thi dấu vào tháng 12/2023, Kiptoo đã không chuẩn bị nhiều và chỉ mang theo 150.000 đồng để tìm chỗ nghỉ đêm ở Thành phố Hồ Chí Minh trước khi tham gia cuộc thi. Nhưng số tiền này không đủ cho cả phòng nghỉ rẻ tiền nhất ở trung tâm thành phố. Điều may mắn là một vận động viên địa phương có tên Le Hoan mà Kiptoo tình cờ gặp gỡ trước đó, khi biết tình cảnh của Kiptoo đã mời anh đến nhà dùng bữa. Sau đó Hoan hỗ trợ chi phí chỗ ở giúp vận động viên người Kenya.
Đến ngày hôm sau, Kiptoo giành chiến thắng và muốn trả lại tiền cho Hoan nhưng anh từ chối. Kiptoo kể lại: “Sự hào phóng của anh ấy và gia đình thực sự khiến tôi ngạc nhiên”.
Kể từ đó, Kiptoo tham gia thêm nhiều giải marathon tại Việt Nam và giành chiến thắng. Anh nhanh chóng trở thành một vận động viên chạy bộ nổi tiếng tại Việt Nam. Bài đăng của anh trên Facebook nhận được hàng nghìn tương tác, chủ yếu là từ người hâm mộ Việt Nam.
Kiptoo trước đây là một giáo viên ở Eldoret (Kenya) với mức lương ít ỏi hầu như không đủ nuôi sống gia đình. Sau đó, COVID-19 ập đến và khiến tài chính của gia đình anh kiệt quệ. Đó là lúc Kiptoo bắt đầu chạy bộ một cách nghiêm túc để thoát khỏi cảnh nghèo đói. Thành công của anh ở Việt Nam không chỉ giúp anh nuôi sống gia đình mà còn mua được bất động sản ở Kenya.
Theo Al Jazeera, với dự báo môn chạy marathon sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tới tại Việt Nam, do đó, sức hấp dẫn của đất nước hình chữ S đối với các vận động viên Đông Phi khó có thể giảm sút trong thời gian tới.