1. Ăn rau quả tốt cho bệnh đái tháo đường như thế nào?
Việc tăng cường ăn rau quả trong chế độ ăn hàng ngày mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho người bệnh đái tháo đường, giúp kiểm soát đường huyết, duy trì cân nặng, tăng cường sức khỏe tổng thể và giảm nguy cơ biến chứng.
Theo ThS.BS Lê Trịnh Thủy Tiên, thành viên Hội Dinh dưỡng lâm sàng Việt Nam, các loại rau quả chứa nhiều chất xơ và các chất chống oxy hóa, do đó có tác dụng nâng cao sức khỏe, tăng cường khả năng miễn dịch và hỗ trợ phòng chống các bệnh mạn tính không lây.
Rau quả giàu chất xơ: Chất xơ trong rau quả giúp làm chậm quá trình hấp thụ đường vào máu, từ đó giúp kiểm soát đường huyết sau bữa ăn, tránh tình trạng đường huyết tăng đột ngột. Chất xơ cũng giúp tạo cảm giác no lâu, hỗ trợ kiểm soát cân nặng, một yếu tố quan trọng trong quản lý bệnh đái tháo đường.
Cung cấp vitamin và khoáng chất: Rau quả là nguồn cung cấp dồi dào các vitamin (như vitamin C, vitamin A, vitamin E, vitamin K), khoáng chất (như kali, magie)... Những chất này rất quan trọng cho sức khỏe tổng thể, giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ tế bào khỏi tổn thương và giảm nguy cơ các biến chứng của bệnh đái tháo đường.
Ít calo và chất béo: Rau quả thường có hàm lượng calo và chất béo thấp, giúp người bệnh duy trì cân nặng hợp lý và giảm nguy cơ các bệnh tim mạch, một biến chứng thường gặp ở người bệnh đái tháo đường.
Giúp ngăn ngừa táo bón: Chất xơ trong rau quả giúp duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh, ngăn ngừa táo bón, một vấn đề thường gặp ở người bệnh đái tháo đường.
Rau quả có chỉ số đường huyết (GI) thấp: Hầu hết rau quả tươi có chỉ số đường huyết thấp, nghĩa là chúng không làm tăng đường huyết nhanh chóng sau khi ăn. Điều này rất quan trọng đối với người bệnh đái tháo đường để duy trì mức đường huyết ổn định.

Ăn rau quả giúp kiểm soát đường huyết ở người bệnh đái tháo đường.
2. Lợi ích mới nổi của flavonoid trong hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường
Flavonoid là nhóm chất chống oxy hóa tự nhiên trong hầu hết các loại rau quả. Một số nghiên cứu đã mô tả các đặc tính chống oxy hóa, chống viêm, điều hòa lipid, gây độc tế bào, kháng khuẩn và chống ung thư liên quan đến hợp chất flavonoid.
Gần đây hơn, các nhà nghiên cứu đã báo cáo rằng flavonoid cũng có thể biểu hiện tác dụng chống đái tháo đường thông qua nhiều cơ chế khác nhau. Các cơ chế này bao gồm tăng cường độ nhạy insulin, kích thích tiết insulin, điều chỉnh hệ vi khuẩn đường ruột, ức chế hấp thu glucose và giảm tân tạo glucose. Flavonoid cũng có thể ảnh hưởng đến hormone đường ruột.
Một nghiên cứu đánh giá mới trên tạp chí Exploratory Research and Hypothesis in Medicine, tạp chí nghiên cứu trong lĩnh vực y sinh học đã tiết lộ cách flavonoid có thể điều chỉnh các hormone đường ruột như một biện pháp tự nhiên để kiểm soát tình trạng kháng insulin và làm chậm sự tiến triển của bệnh đái tháo đường.
Nghiên cứu nhấn mạnh, flavonoid có khả năng kiểm soát bệnh đái tháo đường type 2 bằng cách điều chỉnh hormone đường ruột. Do đó, việc bổ sung thêm flavonoid có lợi thông qua thực phẩm hoặc thuốc có thể giúp kiểm soát hoặc làm chậm sự tiến triển của bệnh đái tháo đường.
3. Cách ăn rau quả có lợi cho người bệnh đái tháo đường
Chế độ ăn càng đa dạng nhiều loại rau quả thì chúng ta càng nhận được nhiều chất dinh dưỡng có lợi, đặc biệt là vitamin, chất xơ và flavonoid.
Một số loại rau quả giàu flavonoid có lợi cho người bệnh đái tháo đường bao gồm:
- Quả mọng: việt quất, dâu tây, quả mâm xôi…
- Trái cây có múi: cam, chanh, bưởi…
- Táo
- Nho
- Lê
- Lựu
- Quả anh đào
- Hành tây
- Tỏi
- Bắp cải đỏ
- Ớt chuông
- Cải xoăn
- Bông cải xanh
- Đậu bắp…

Rau quả càng có nhiều màu sắc thì càng giàu flavonoid.
Rau quả càng có nhiều màu sắc thì càng giàu flavonoid. Do đó người bệnh đái tháo đường nên ăn đa dạng các loại rau quả có màu sắc khác nhau để hấp thụ được nhiều loại flavonoid khác nhau.
Nghiên cứu cũng cho thấy, flavonoid thường tập trung ở vỏ và phần bên ngoài của trái cây và rau quả nên cách tốt nhất là sử dụng các loại trái cây, rau quả được trồng an toàn và nên ăn ở dạng thô để nhận được lượng flavonoid cao nhất. Nên ăn cả quả thay vì chỉ uống nước ép để tận dụng tối đa chất xơ và flavonoid.
Việc ăn nguyên trái cây rất có lợi cho bệnh đái tháo đường. Ví dụ khi ăn cam nên ăn cả múi, ăn táo cả vỏ bởi chất xơ và flavonoid có nhiều trong vỏ, xác làm hấp thụ đường chậm, điều hòa đường ruột và có khả năng chống táo bón.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bệnh nhân đái tháo đường có nên kiêng hoa quả ngọt hay không?