Không giống với Mỹ, nước chủ yếu bán các khí tài đắt đỏ, tối tân cho các nước bạn và đồng minh, Nga có xu hướng nhằm vào các thiết kế vũ khí Liên Xô đã được thử thách qua thời gian với giá bán tương đối rẻ.
Xuất khẩu vũ khí của Nga cho thế giới đang bùng nổ, phần lớn doanh thu nhằm tái đầu tư vào các phức hợp công nghiệp quốc phòng và các chương trình tái vũ trang đầy tham vọng (John Moore | Getty Images)
Trong một phát biểu tại một ủy ban chính phủ phụ trách vấn đề xuất khẩu vũ khí gần đây, Tổng thống Nga Putin cho biết, khẩu vũ khí của Nga đã ở mức 5,6 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, trong khi tổng các đơn hàng mà các nhà xuất khẩu vũ khí nhà nước đã vọt lên từ 35 tỷ USD hồi đầu năm lên 50 tỷ USD.
Người đứng đầu điện Kremlin cho rằng, cần củng cố sự hiện diện của Nga trên thị trường vũ khí toàn cầu, điều này giúp ngành công nghiệp quốc phòng hoạch định kế hoạch mở rộng và cải tiến sản xuất, tạo ra việc làm mới.
Các chuyên gia cho rằng, một vấn đề đối với số lượng các đơn hàng tăng mạnh là không có sự minh bạch công khai. Chuyên gia quân sự Alexander Golts trên tạp chí trực tuyến Yezhednevny Zhurnal cho biết: “Chúng tôi không biết bất cứ chi tiết nào về các thương vụ chính phủ thực hiện trong lĩnh vực này (công nghiệp quốc phòng)”. “Chúng có sinh lời hay không? Hay nó chỉ đủ để duy trì ngành công nghiệp quốc phòng?”.
Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Nga là nhà buôn bán vũ khí lớn thứ hai thế giới trong năm 2012, chiếm 26% thị trường thế giới so với Mỹ là 30%. Theo một số báo cáo, với đà tăng trưởng trong hai năm qua, doanh số vũ khí Nga có thể đã ở vị trí số 1.
Biên tập tin tức quân sự Viktor Litovkin cho hãng tin ITAR-Tass cho rằng, quá trình hiện đại hóa vũ khí Nga đang diễn ra mạnh mẽ, với số vốn nhà nước chi trả cho phần lớn những chi phí nhằm khôi phục nền tảng công nghiệp quốc phòng Liên Xô cũ.
Trong suốt thời kỳ thiếu vốn sau khi Liên Xô sụp đổ, xuất khẩu chiếm vai trò quan trọng nhằm duy trì các trung tâm công nghiệp quốc phòng.
“Hiện tại, ưu tiên hàng đầu là sản xuất trong nước, nhằm phục vụ lực lượng vũ trang Nga”. Nhưng doanh thu từ xuất khẩu vẫn có vai trò quan trọng nhằm kích thích tăng trưởng, và tạo doanh thu nhờ quy mô ở nhiều lĩnh vực sản xuất.
Khách hàng chính của Nga là Ấn Độ, nước hiện là nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất, sau đó là Trung Quốc, Venezuela và Algeria.
Không giống với Mỹ, nước chủ yếu bán các khí tài đắt đỏ, tối tân cho các nước bạn và đồng minh, Nga có xu hướng nhằm vào các thiết kế vũ khí Liên Xô đã được thử thách qua thời gian với giá bán tương đối rẻ.
Chuyên gia quân sự Golts cho rằng, “Có nhu cầu lớn đối với vũ khí Nga. Hầu hết các nước không định mua những vũ khí siêu hiện đại, đắt đỏ, quá phức tạp đối với họ”.
Nga vừa bán 5 tiêm kích tấn công Su-25 cho Irắc sau khi chính phủ Baghdad lý giải xong về sự chậm trễ và những thủ tục chuyển giao lô hàng tiêm kích F-16 Irắc đặt hàng Mỹ 3 năm trước.
“Họ (Irắc) cần các vũ khí phù hợp với kẻ thù đang phải chống chọi. Vì vậy Irắc có thể sử dụng các vũ khí hiệu quả và đủ hiện đại được trang bị trên những chiếc Su-25 của Nga để tiêu diệt các phần tử cực đoan từ phong trào jihad vốn không có hệ thống phòng không hiện đại”.
Một số chuyên gia cho rằng, các thế hệ mới nhất của vũ khí Nga đã sẵn sàng phục vụ xuất khẩu, và có tính năng tương đương vũ khí tối tân của Mỹ.
Những vũ khí này gồm hệ thống phòng không S-300 và S-400, tên lửa chiến thuật Iskander, xe tăng chiến đấu T-90 và hàng loạt các máy bay chiến đấu mới, trong đó có tiêm kích thế hệ thứ năm mà Moscow cho là đối thủ của F-22 Raptor Mỹ.