Phát biểu tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách sáng 28/8, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, về tên gọi hiện đang có 2 luồng ý kiến khác nhau đó là: Giữ tên gọi Luật Căn cước công dân (sửa đổi) hay Luật Căn cước. Đại biểu Nga nhất trí với việc đổi tên dự án luật thành Luật Căn cước.
Theo đại biểu, tên gọi Luật Căn cước phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng quy định trong dự thảo luật, gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, phù hợp với chính sách, mục tiêu, định hướng khi xây dựng luật. Việc bổ sung đối tượng áp dụng là cần thiết cho công tác quản lý con người, an ninh trật tự, mang tính nhân văn sâu sắc.
Đại biểu cho rằng, các đối tượng người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch tuy có số lượng không nhiều, nhưng đang hiện hữu, sinh sống, là một phần của cộng đồng, phần nhiều là những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, người nghèo, không nghề nghiệp, không nhà cửa… Nếu không có căn cước, không có gì chứng minh về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhận dạng, thì những người đó sẽ đứng bên lề xã hội, không được hưởng chế độ an sinh, dẫn đến nhiều hệ lụy xảy ra, tạo ra nhiều gánh nặng xã hội.
Chung ý kiến trên, ĐBQH Lò Thị Luyến – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên bày tỏ thống nhất tên luật là Luật Căn cước, bởi các đối tượng điều chỉnh trong dự thảo luật này gồm có người gốc Việt Nam sinh sống tại Việt Nam từ 6 tháng trở lên.
Đại biểu cho rằng, cần giải thích rõ về khái niệm "người gốc Việt Nam" trong phần giải thích từ ngữ. Tại khu vực biên giới, có những trường hợp không phải người gốc Việt, mà là cư dân của các nước lân cận sang, ta có nên cấp giấy chứng nhận, căn cước cho họ hay không? Đại biểu cho rằng vấn đề này cần nghiên cứu kỹ lưỡng.
Còn ĐBQH Hoàng Thị Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho rằng, vấn đề về thay đổi tên gọi của dự án Luật là nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm cho ý kiến tại phiên họp. Về quan điểm của mình, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy bày tỏ tán thành với việc đổi tên dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) thành dự án Luật Căn cước…
ĐBQH Nguyễn Thị Sửu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế cho rằng, nên đổi tên dự án luật thành Luật Căn cước. Tuy nhiên cần rà soát, phân tích, tích hợp các nội dung đã được nêu trong ưu điểm của phương án tên gọi Luật Căn cước công dân, đồng thời cần khắc phục những hạn chế của phương án đã chọn bằng chính những chế định, điểm, khoản, điều trong dự thảo luật. Đặc biệt là các hạn chế về thủ tục hành chính, lãng phí ngân sách, chi phí xã hội khi thay đổi các giấy tờ liên quan.
Tuy nhiên, ĐBQH Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam lại bày tỏ đồng tình với tên gọi là Luật Căn cước công dân.
Đại biểu cho rằng, Luật này phục vụ trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và đối tượng là công dân Việt Nam, và trong Hiến pháp cũng có nhiều điều khoản nhắc đến nhiều từ "công dân". Đối tượng công dân Việt Nam nằm trong quy định pháp luật của Việt Nam, còn những đối tượng chưa rõ quốc tịch, người gốc Việt còn liên quan đến quyền con người và đến các đối tượng khác.
Do đó, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị cần đánh giá toàn diện tên gọi của Luật này và cân nhắc kỹ hơn có nên đưa một bộ phận nhỏ vào trong Luật này hay không, cần xem xét có phù hợp và đồng bộ với các điều ước quốc tế và các yếu tố khác hay không?