Theo đó, các dòng máy bay Su-34, Su-35 và Su-57 sẽ đều được gia tăng sản lượng trong năm nay. Để đạt mục tiêu này, Nga đang đầu tư vào đào tạo nhân lực, hiện đại hóa cơ sở sản xuất nhằm loại bỏ các điểm nghẽn và nâng cao tốc độ sản xuất.

Hoạt động sản xuất Su-35 tại nhà máy sản xuất máy bay ở thành phố Komsomolsk-on-Amur. (Nguồn: Military Watch Magazine)
Điều này đặc biệt gây chú ý vì trước đó, Su-35 được cho là sẽ dần bị loại khỏi dây chuyền sản xuất từ năm 2030. Nguyên nhân là do Su-34 có chi phí thấp hơn nhưng khả năng mang vũ khí tốt hơn, trong khi Su-57, thế hệ chiến đấu cơ tàng hình tiên tiến nhất của Nga, lại vượt trội ở mọi mặt.
Tuy nhiên, quyết định mở rộng sản xuất Su-35 vẫn được đưa ra và dường như xuất phát từ 2 lý do chính.
Nhu cầu gia tăng từ quân đội Nga
Trong bối cảnh chi tiêu quốc phòng tăng cao và căng thẳng leo thang với NATO, không quân Nga tiếp tục mở rộng lực lượng máy bay chiến đấu. Su-35 đã chứng minh được hiệu suất vượt trội trong xung đột tại Ukraine kể từ tháng 2/2022.
Đặc biệt, vào tháng 3/2022, một chiếc Su-35 được cho là đã bắn hạ 4 chiếc Su-27 của Ukraine trong một trận không chiến gần Zhytomir mà không chịu tổn thất nào. Ngoài ra, Su-35 cũng đã loại bỏ nhiều mục tiêu khác như MiG-29, Su-24M, Su-25, trực thăng Mi-8 và nhiều máy bay không người lái.
Nhờ thành tích này, Nga đã mở rộng sử dụng Su-35 trong huấn luyện tấn công từ tháng 9/2022. Dù vậy, Su-35 vẫn bị hạn chế về khả năng tác chiến ngoài tầm nhìn so với MiG-31BM do hệ thống radar chưa mạnh bằng.
Việc Nga phát triển một hệ thống radar tiên tiến hơn, có thể dựa trên công nghệ AESA của Su-57, đang được đồn đoán. Nếu điều này thành sự thật, Su-35 không chỉ giúp Nga nhanh chóng thay thế các máy bay đời cũ như MiG-29 mà còn giúp xây dựng các đơn vị tác chiến mới với sức mạnh đáng gờm.
Nhu cầu xuất khẩu đang tăng cao
Ngoài nhu cầu trong nước, nhu cầu xuất khẩu Su-35 cũng tăng đáng kể trong 2 năm qua. Algeria là một trong những khách hàng mới nhất của dòng máy bay này, ngày 13/3, lô Su-35 đầu tiên đã được giao cho không quân nước này.
Dù số lượng đặt mua chưa được công bố chính thức, nhiều nguồn tin dự đoán Algeria sẽ mua khoảng 20 chiếc Su-35. Tuy nhiên, quốc gia này cũng đang hướng đến các chiến đấu cơ Su-57 tiên tiến hơn, dự kiến sẽ được bàn giao trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Iran cũng là một khách hàng tiềm năng. Từ giữa năm 2022, đã có thông tin Iran đặt mua Su-35. Tháng 1, Tướng Ali Shadmani, chỉ huy cấp cao của Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đã xác nhận đơn hàng này. Dự kiến, Iran có thể mua tới 64 chiếc hoặc nhiều hơn, đưa Su-35 trở thành một lựa chọn chủ lực trong lực lượng không quân nước này.
Ngoài Iran và Algeria, Indonesia và CHDCND Triều Tiên cũng được đồn đoán có thể trở thành khách hàng của Su-35, đặc biệt trong bối cảnh tình hình địa chính trị tại khu vực Đông Á đang biến động.
Đối với Nga, việc mở rộng xuất khẩu Su-35 là điều quan trọng để duy trì hiệu quả kinh tế của chương trình sản xuất, nhất là khi không quân Nga đồng thời đang mua sắm và vận hành 4 loại chiến đấu cơ khác nhau.