Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, cơn đau kéo dài và dữ dội, đây là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề nguy hại tới sức khỏe. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng đau dạ dày?
Nguyên nhân đau dạ dày
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau dạ dày trong đó thường gặp nhất là các nguyên nhân sau:
- Do viêm loét dạ dày tá tràng. Tình trạng viêm loét dạ dày được gây ra bởi vi khuẩn Helicobacter Pylori hoặc dùng các thuốc giảm đau chống viêm Nonsteroid hoặc dùng Aspirin. Ngoài ra có thể gặp do các nguyên nhân hiếm gặp: bệnh Crohn, hội chứng Zollinger- Ellison…
- Do tình trạng viêm cấp tính niêm mạc dạ dày tá tràng. Bệnh xuất hiện đột ngột sau uống rượu bia nhiều, ăn gia vị cay nóng hoặc sau dùng thuốc giảm đau chống viêm Nonsteroid hoặc dùng Aspirin. Người ta ghi nhận uống rượu bia nhiều sẽ khiến lớp nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày bị phá huỷ, dẫn đến việc bị viêm loét, chảy máu dạ dày thậm chí là thủng dạ dày nếu không chữa trị kịp thời.
Ngoài ra, chế độ ăn uống bất hợp lý cũng gây ra tình trạng đau dạ dày. Những thói quen như ăn uống không đúng giờ, thực phẩm không sạch, ăn quá nhanh, nhai không kỹ, bỏ bữa, ăn đêm nhiều, ăn nhiều món cay chua nóng…. Cũng là những nguyên nhân quen thuộc gây ra căn bệnh đau dạ dày khó chịu cho người bệnh.
Bên cạnh đó đau dạ dày còn có nguyên nhân từ các bệnh lý nghiêm trọng hơn trong đó là do u ác tính tại thực quản dạ dày.
Hệ lụy khi bị đau dạ dày
Nếu không được xử lý kịp thời ở giai đoạn cấp tính thì bệnh lý dạ dày sẽ chuyển thành mạn tính dai dẳng. Hơn nữa bệnh viêm loét dạ dày tá tràng mạn tính còn gây ra những biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa (chảy máu đường tiêu hóa).
Khi đó người bệnh có thể nôn ra máu, đi ngoài ra máu nên cần được cấp cứu ngay lập tức để tránh tình trạng mất máu quá nhiều gây tử vong. Ngoài ra, đau dạ dày còn có thể dẫn đến tình trạng thủng dạ dày – tá tràng…
Vì vậy, khi có các triệu chứng điển hình của chứng đau dạ dày, cần liên hệ ngay với bác sĩ để được khám và điều trị sớm. Việc này sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều trị và tránh những biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe.
Chẩn đoán và điều trị sớm khi đau dạ dày
Để chẩn đoán đau dạ dày, bác sĩ sẽ xem lại tiền sử gia đình, thăm khám, đánh giá và có thể đề nghị một số xét nghiệm như: Nội soi tiêu hóa trên (thường gọi là nội soi dạ dày); xét nghiệm tìm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) và có thể làm sinh thiết, một thủ thuật để lấy mẫu mô nhỏ và gửi tới phòng xét nghiệm phân tích.
Về điều trị đau dạ dày phụ thuộc vào nguyên nhân của nó, và có thể bao gồm: Thuốc để giảm viêm, ngăn ngừa trào ngược axit hoặc điều trị loét hoặc nhiễm trùng. Nếu là ung thư dạ dày sớm có thể dùng nội soi cắt hớt niêm mạc dạ dày. Còn khi vào giai đoạn ung thư dạ dày tiến triển thì phải phẫu thuật.
Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của các bác sĩ, người bệnh cần cải thiện chế độ ăn, sinh hoạt khoa học. Nên tập thói quen ăn uống lành mạnh, khoa học: ăn chậm, nhai kĩ, ăn uống đúng giờ, tránh bỏ bữa nhất là bữa sáng, không nên ăn khuya (không ăn trễ hơn 8 giờ tối), không để quá đói hoặc ăn quá no, tránh ăn các thức ăn quá chua, quá cay, quá nóng, quá lạnh, quá ngọt, quá khô, hạn chế thức ăn nhanh, đồ hộp, nhiều dầu mỡ,…
Tránh các chất kích thích: rượu, bia, thuốc lá, trà, cà phê,… Hạn chế dùng các thuốc kháng sinh, kháng viêm, các thuốc giảm đau, khi dùng cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được sử dụng các thuốc thích hợp ít ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày hoặc thêm các loại thuốc hỗ trợ dạ dày… Tái khám đúng hẹn, khi đi khám cần mang theo sổ khám bệnh và các loại thuốc hiện đang dùng.
Ngoài ra, cần vận động phù hợp, tập thể dục đều đặn và hợp lí, khoảng 30 phút/ngày, 5 lần/tuần để có sức khỏe tốt, tâm trạng thoải mái. Nghỉ ngơi hợp lí, ngủ đủ. Để tâm trạng thoải mái, thư giãn, tránh căng thẳng, stress…
Đau dạ dày nếu không tuân thủ điều trị sẽ dẫn đến những biến chứng vô cùng nguy hiểm. Vì vậy, nên thay đổi thói quen sinh hoạt, thói quen ăn uống, tránh các yếu tố có hại cho dạ dày để phòng bệnh và điều trị bệnh tốt hơn, cải thiện triệu chứng và tránh các biến chứng có hại.
Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh đau dạ dày bao gồm:
- Người bệnh đau vùng giữa bụng dưới xương ức và trên rốn một ít (vùng thượng vị). Các cơn đau này thường có thể tức, đau rát bỏng hay đau âm ỉ và thường có liên quan đến buổi ăn như đau lúc đói, đau sau ăn no…
– Xuất hiện tình trạng đầy hơi, ậm ạch khó tiêu.
– Buồn nôn và nôn.
– Nôn ra máu hoặc đi tiêu phân đen, xuất hiện khi niêm mạc dạ dày đã bị tổn thương một cách nghiêm trọng
– Ợ hơi, ợ chua.
– Mất cảm giác ngon miệng.