Trường ĐH Ngoại thương vừa công bố các phương thức xét tuyển đại học chính quy năm 2024. Năm nay, Trường ĐH Ngoại thương dự kiến tuyển sinh 4.130 chỉ tiêu theo 6 phương thức chính và mở thêm ngành đào tạo mới.
Phương thức 1: Xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT dành cho thí sinh tham gia/đoạt giải trong kì thi học sinh giỏi, khoa học kỹ thuật cấp quốc gia; đoạt giải nhất, nhì, ba cấp tỉnh ở lớp 11 và 12; thí sinh trường chuyên.
Phương thức này áp dụng chương trình tiêu chuẩn và các chương trình định hướng nghề nghiệp và phát triển quốc tế.
Phương thức 2: Xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và học bạ THPT hoặc điểm SAT, ACT, A-Level; áp dụng với các chương trình tiên tiến, chương trình chất lượng cao, chương trình định hướng nghề nghiệp và phát triển quốc tế.
Phương thức 3: Xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024, áp dụng với các chương trình tiên tiến, chương trình chất lượng cao, chương trình định hướng nghề nghiệp và phát triển quốc tế.
Phương thức 4: Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024, áp dụng cho chương trình tiêu chuẩn.
Phương thức 5: Xét tuyển dựa trên kết quả các kì thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức trong năm 2024.
Phương thức 6: Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT, áp dụng cho chương trình tiêu chuẩn.
Ngoài ra, năm nay, Trường ĐH Ngoại thương còn có phương thức xét tuyển đặc thù với chương trình định hướng phát triển quốc tế Kinh tế chính trị quốc tế (phương thức 7).
Đối với các phương thức xét tuyển 1, 2, 4, 7, ngoài các điều kiện nộp hồ sơ xét tuyển như năm ngoái, Trường ĐH Ngoại thương bổ sung yêu cầu thí sinh phải có tổng điểm các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của một trong các tổ hợp môn xét tuyển của trường (bao gồm cả điểm ưu tiên khu vực và đối tượng) đạt từ 24 điểm trở lên. Các năm trước, trường không đặt ra yêu cầu này.
Nhà trường lưu ý tại thời điểm đăng kí xét tuyển, thí sinh chưa cần nộp minh chứng về điều kiện về tốt nghiệp THPT năm 2024 và điều kiện về ngưỡng điểm thi tốt nghiệp tối thiểu. Thí sinh cần nộp minh chứng về 2 điều kiện này để được xác định trúng tuyển vào trường và thực hiện việc xác nhận nhập học và nhập học chính thức tại trường theo thời gian quy định. Như vậy, với các phương thức sử dụng điểm học bạ, thí sinh phải đạt tối thiểu 24 điểm thi tốt nghiệp THPT trở lên, theo tổ hợp xét tuyển.
Lý giải về việc nhà trường có điều chỉnh ở phương thức sử dụng điểm học bạ, thí sinh phải đạt tối thiểu 24 điểm thi tốt nghiệp THPT trở lên, theo tổ hợp xét tuyển, PGS.TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương cho biết, trên cơ sở nghiên cứu đặc điểm của giáo dục phổ thông, nhà trường đã cân nhắc các nhóm đối tượng phù hợp và tỷ lệ chỉ tiêu phù hợp cũng như các điều kiện cao để đảm bảo rằng trường có thể lựa chọn được nhóm thí sinh tốt nhất khi xét tuyển vào.
Theo PGS.TS Phạm Thu Hương, việc bổ sung thêm điều kiện cần về đảm bảo điểm sàn thi tốt nghiệp THPT trong xét tuyển chung của trường với hai lý do. Thứ nhất để thống nhất áp dụng điểm sàn thi THPT ở mức giỏi là 24 điểm cho các phương thức. Thứ hai, có thể sử dụng đối sánh kết quả thi tốt nghiệp THPT và kết quả học tập THPT như là một công cụ gián tiếp giúp các trường phổ thông chuẩn hoá công tác đánh giá học sinh.
"Chúng ta cũng không nên có tâm lý phủ nhận kết quả đánh giá trong cả một quá trình của giáo dục phổ thông mà nên tôn trọng, chấp nhận có cơ sở khoa học và đồng hành để giúp cho hệ thống giáo dục phổ thông ngày càng tốt hơn và tiệm cận với giáo dục quốc tế", PGS.TS Phạm Thu Hương nói.