Lý do hơn 122.000 thí sinh trúng tuyển đại học không xác nhận nhập học

29-08-2024 14:23 | Xã hội
google news

SKĐS - Theo chuyên gia, có nhiều lý do khiến hơn 122.000 thí sinh không chọn đăng ký vào đại học hay từ chối xác nhận nhập học.

Thí sinh trúng tuyển đại học từ chối xác nhận nhập học không phải hiện tượng lạ

Sau khi kết thúc thời gian đăng ký nhập học trực tuyến đợt 1 trên Hệ thống tuyển sinh chung, Bộ GD&ĐT thống kê, năm 2024 có 551.479 thí sinh xác nhận học/673.586 thí sinh trúng tuyển, đạt 81,87%. Như vậy, có 122.107 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học, chiếm tỉ lệ 18,13%. So với năm 2023, số lượng thí sinh trúng tuyển và tỷ lệ thí sinh nhập học đều tăng. Cụ thể, năm 2023 có 615.470 thí sinh trúng tuyển và 494.488 thí sinh xác nhận nhập học, đạt 80,34%.

Tỷ lệ nhập học là chỉ số ghi nhận số lượng sinh viên chọn theo học ở các trường đại học. Nhìn từ số liệu tuyển sinh ba năm gần đây (2022 -2024) cho thấy, nhiều thí sinh dù có trong danh sách trúng tuyển nhưng vẫn không chọn nhập học, mỗi năm có khoảng trên 100 nghìn thí sinh không xác nhận nhập học đợt 1.

Theo PGS. Đỗ Văn Dũng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, trong số hơn 122.000 thí sinh từ chối nhập học đại học sẽ được phân ra do nhiều nguyên nhân.

Nguyên nhân thứ nhất, những thí sinh có điểm cao nhưng bỏ học đại học trong nước vì đã nộp hồ sơ đi học nước ngoài. Do vậy việc đăng ký nguyện vọng trên hệ thống là phương án dự phòng và nếu các em không đi nước ngoài học mới lựa chọn trong nước. Số lượng này chiếm khoảng 20.000- 30.000 thí sinh/năm.

Lý do hơn 122.000 thí sinh trúng tuyển đại học không xác nhận nhập học- Ảnh 1.

Thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Nguyên nhân thứ hai do kinh tế gia đình thí sinh khó khăn, trong khi các trường đại học thực hiện tự chủ. Thí sinh có đăng ký xét tuyển nhưng bị chùng lại bởi học phí cao, gia đình không đủ điều kiện kinh tế. Một bộ phận thí sinh không đăng ký để xét tuyển bổ sung vào trường đại học địa phương gần nhà hoặc trường có học phí thấp hơn.

Nguyên nhân thứ ba là thí sinh đi học nghề gần nhà, thời gian học ngắn, ra trường có thể làm việc, sau đó sẽ học liên thông lên đại học.

Nguyên nhân thứ tư là thí sinh đi xuất khẩu lao động và con số này hiện nay khá nhiều. Phần còn lại là thí sinh trúng tuyển vào những ngành không ưa thích hoặc triển vọng nghề nghiệp thấp.

TS. Trịnh Thanh Huyền - Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế (Học viện Tài chính) cho rằng, việc nhiều thí sinh dù đã trúng tuyển đại học nhưng không xác nhận nhập học không phải là hiện tượng lạ.

Về nguyên nhân, theo TS. Trịnh Thanh Huyền, có thể một số em đang chờ suất học bổng để đi du học nước ngoài. Thời điểm các em đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học chưa nhận được giấy báo trúng tuyển nên vẫn xét tuyển. Bên cạnh đó, hiện nay một số trường quốc tế tuyển sinh độc lập, nên thí sinh khi đỗ trường công lập, lại thay đổi định hướng sang môi trường quốc tế.

Ngoài ra, một số em kết quả trúng tuyển vào các trường chưa đúng với nguyện vọng mong muốn. "Nhiều em khi đăng ký xét tuyển kỳ vọng trúng nguyện vọng 1, 2 nhưng chưa đủ điểm. Khi hệ thống xét các nguyện vọng tiếp theo, dù trúng tuyển nhưng các em không mong muốn theo học, tìm cơ hội xét tuyển bổ sung đợt 2. Hay cũng có em quyết định ôn thi lại...".

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cho rằng, một bộ phận thí sinh từ chối nhập học có thể do trúng tuyển ngành chưa thực sự yêu thích. Trong khi đó, không ít thí sinh đăng ký xét tuyển đại học cho có, thực chất các em đã đi du học.

Nhiều thí sinh sơ suất chưa xác nhận nhập học, Bộ GD&ĐT mở lại hệ thống

Bộ GD&ĐT cho biết, qua thông tin phản ánh của các cơ sở đào tạo và thí sinh, hiện có một số thí sinh khi nhập học trực tiếp tại trường mới phát hiện ra sơ suất chưa thực hiện việc xác nhận nhập học trên Hệ thống.

Để tạo điều kiện cho thí sinh, Bộ GD&ĐT thông báo tiếp tục mở Hệ thống để thí sinh hoàn thành thủ tục xác nhận nhập học đến trước 17 giờ ngày 31/8. Bên cạnh đó, từ thời điểm này đến tháng 12, thí sinh có nhu cầu xét tuyển các đợt bổ sung của cơ sở đào tạo cần tìm hiểu thông tin ở trường để tìm ra sự lựa chọn phù hợp với mình nhất.

Theo quy định, đối với thí sinh chưa trúng tuyển hoặc đã trúng tuyển nhưng chưa xác nhận nhập học vào bất cứ nơi nào có thể đăng ký xét tuyển các đợt bổ sung theo kế hoạch và hướng dẫn của cơ sở đào tạo.

Lưu ý khi xét tuyển bổ sung, TS. Võ Thanh Hải khuyên, thí sinh xét tuyển bổ sung cần lưu ý những quy định riêng của từng trường. Mỗi trường có thời hạn xét tuyển bổ sung khác nhau, kết quả xét tuyển cũng do từng trường thực hiện và thường trong khoảng thời gian rất ngắn. Thí sinh cần theo dõi thông tin cụ thể từng trường.

‘Ngã rẽ’ nào cho thí sinh không may trượt nguyện vọng đại học?‘Ngã rẽ’ nào cho thí sinh không may trượt nguyện vọng đại học?

SKĐS - Năm nay, điểm chuẩn các trường đại học tăng khiến nhiều thí sinh điểm cao vẫn trượt nguyện vọng 1 ngành học và trường học yêu thích. Các chuyên gia cho rằng ngay cả khi không đỗ đại học, thí sinh vẫn có nhiều cơ hội khác không kém hấp dẫn.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn