Lỵ amip không chỉ nguy hiểm ở ruột

18-04-2016 13:59 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Lỵ amip là tình trạng nhiễm trùng ở ruột già do Entamoeba histolyca. Đây là bệnh lây qua đường tiêu hóa.

Lỵ amip là tình trạng nhiễm trùng ở ruột già do Entamoeba histolyca. Đây là bệnh lây qua đường tiêu hóa. Amip theo thức ăn, nước uống vào miệng; khi đến ruột thì xâm nhập niêm mạc ruột, gây ra những vết loét nhỏ trong lòng ruột và biểu hiện bên ngoài bằng hội chứng lỵ. Ở Việt Nam, tỷ lệ người lành mang mầm bệnh có nơi lên đến 25%, trung bình 8%. Amip không chỉ gây bệnh lỵ (bệnh ở ruột) mà còn gây bệnh ngoài ruột và có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.

Bệnh lây truyền thế nào?

Lỵ amip phổ biến là lây gián tiếp, một người bệnh có thể thải qua phân vài triệu kén, có khi 300 triệu kén. Liều để nhiễm bệnh khoảng 1.000 kén, có khi chỉ 1 kén. Ngoài môi trường, kén sống rất lâu, trong phân lỏng 12 ngày, trong đất 10-20 ngày, trong nước 10-30 ngày. Nước dưới 50 độ, hóa chất chlor, iode nồng độ thấp không diệt được kén. Người nhiễm amip khi nuốt phải kén trong thức ăn bị nhiễm, nước uống không chín; ruồi, côn trùng trung gian truyền bệnh nguy hiểm. Thấy 3/4 ruồi trong nhà người bị lỵ amip có mang kén (kén có thể sống ở chân ruồi 48 giờ). Ngoài ra, lây trực tiếp từ người sang người do tay bẩn, kén có thể tồn tại 5 phút ở bàn tay, 45 phút dưới móng tay. Dán, chuột lang, khỉ, chó, lợn cũng mang kén amip nhưng ít khi truyền bệnh cho người. Bệnh còn lây qua đường tình dục ở những quần thể đồng tính luyến ái nam. Người bệnh sau khi nuốt kén một thời gian dài hay ngắn tùy vào một số điều kiện như: lao động quá sức, thay đổi tiết chế, suy giảm miễn dịch... mà có người trở thành người mang trùng hay bị bệnh nặng...

Bệnh lỵ amip gây viêm đại tràng, áp-xe gan, phổi, thận, viêm bàng quang, bệnh amip não, amip da, amip sinh dục-tiết niệu...

Biểu hiện khi bị lỵ amip

Amip gây bệnh bằng xâm nhập niêm mạc đại tràng, tạo các vết loét chảy máu, đồng thời kích thích đám rối thần kinh cảm giác và bài tiết chất nhầy gây co thắt và tăng nhu động ruột. Nếu loét nhiều lâm sàng nặng nề, nếu loét ít, bệnh chỉ gây tiêu chảy nhẹ. Nếu vết loét xơ hóa nằm cạnh nhau có thể gây biến dạng đại tràng dẫn đến viêm đại tràng mạn.

Thể cấp diễn: Khởi phát thường âm thầm, không sốt hay sốt nhẹ (nếu có bội nhiễm), toàn thân ít thay đổi, có thể tiêu chảy vài lần trong ngày, đau bụng mơ hồ... Thời kỳ toàn phát điển hình với hội chứng lỵ: đau bụng quặn, mót rặn. Tính chất phân: lúc đầu bệnh nhân có thể đi cầu phân lỏng về sau phân nhiều nhầy lẫn máu đỏ hay nâu, trung bình 10-12 lần/ngày, có khi phân thành khuôn, nhầy máu bám xung quanh và cuối cùng có vài giọt máu. Ở người già và trẻ suy dinh dưỡng, hội chứng lỵ không điển hình, có khi chỉ đi cầu máu. Bệnh có thể tự ổn định và tái phát khi gặp yếu tố thuận lợi. Điều cần chú ý là bệnh có xu hướng mạn tính nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, dễ gây di chứng viêm đại tràng mạn.

Bệnh lỵ amip thể tối cấp (ác tính): Gặp ở cơ thể suy giảm miễn dịch, hoặc suy kiệt với tổn thương hoại tử lan khắp đại tràng. Hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân nặng với sốt cao có khi hạ thân nhiệt, tổng trạng suy nhược, lơ mơ, mất nước, trụy tim mạch. Đau bụng dữ dội, nôn nhiều, đại tiện không tự chủ, hậu môn giãn rộng, đi cầu ra chất nước nhầy thối lẫn máu. Gan có thể to và đau, bụng trướng có phản ứng thành bụng nhẹ.

Thể mạn tính: Sau giai đoạn cấp tính hay bán cấp nếu không điều trị, bệnh trở thành mạn tính với nhiều đợt bệnh cách nhau. Lúc này chức năng đại tràng không còn bình thường nữa, triệu chứng bệnh giống như viêm đại tràng mạn. Đau bụng lâm râm liên tục và rối loạn tiêu hóa: thường là tiêu chảy xen kẽ táo bón, no hơi, ăn không tiêu đối với một số thức ăn như: rau sống, sữa... bệnh nhân suy nhược, biếng ăn, sụt cân.

Có thể gặp biến chứng nguy hiểm

Tại ruột: Thủng ruột gây viêm phúc mạc, có thể xảy ra ở thể trung bình hay thể nặng, bệnh nhân sốt cao, đau bụng dữ dội, co cứng thành bụng; xuất huyết tiêu hóa; u amip, tắc ruột, lồng ruột, xoắn ruột do u; viêm đại tràng hoại tử; sa trực tràng.

Ngoài ruột: Áp-xe gan, phổi, quanh thận do amip từ gan tới; tổn thương ngoại tâm mạc do vỡ mủ ap-xe gan vào màng tim; viêm ngoại tâm mạc phản ứng hay có mủ; viêm bàng quang; bệnh amip não, amip da; amip sinh dục - tiết niệu...

Điều trị có khó?

Tùy thể bệnh cấp tính hay mạn tính mà dùng thuốc thích hợp.

Với amip đại tràng cấp dùng metronidazole, cơn đau giảm sau 24-48 giờ, phân trở về bình thường sau 2-3 ngày, amip biến mất trong phân sau 3-6 ngày, tổn thương ở trực tràng thành sẹo sau 10-15 ngày. Cuối đợt kiểm tra phân nhiều lần, nếu chưa sạch kén thì phải điều trị thêm thuốc diệt để tránh tái phát hay chuyển sang mạn tính. Người mang kén trong phân không triệu chứng cũng cần điều trị bằng: diloxanide furoate, diidohydroxyquin, metronidazole, paramomycine.

Bệnh amip đại tràng mạn: Phải xét nghiệm xác định bệnh nhân còn mang amip hay không, bằng cách xét nghiệm phân nhiều lần sau khi uống thuốc tẩy và nội soi đại tràng tìm tổn thương. Nếu còn amip, cho thuốc diệt amip toàn diện. Thêm thuốc băng niêm mạc ruột.

Lời khuyên của thầy thuốc

Bệnh lỵ amip cũng như bệnh lỵ trực khuẩn đều có nguyên nhân từ thực phẩm nhiễm khuẩn và từ bàn tay bẩn, tuy nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa. Đơn giản là thực hiện vệ sinh ăn uống (ăn chín, uống sôi, bảo quản thức ăn tốt, tránh để lây nhiễm kén amip vào thức ăn, nước uống). Xử lý phân, tuyệt đối không dùng phân tươi bón rau quả. Khi dùng rau quả tươi phải rửa sạch, phải khử trùng hoặc xử lý bằng tia cực tím để diệt kén amip. Việc giữ gìn vệ sinh cá nhân như: rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, cắt ngắn móng tay, không phóng uế bừa bãi. Nếu bị bệnh, cần khám và điều trị triệt để theo đúng phác đồ của bác sĩ. Để bệnh không tái phát, cần xét nghiệm nhiều lần, nếu còn kén phải điều trị hết kén.


BS. Trần Quang Nhật
Ý kiến của bạn