Lỵ amip đường ruột: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và các biện pháp phòng ngừa

16-09-2024 07:14 | Tra cứu bệnh

Lỵ amip là tình trạng nhiễm trùng đường ruột xảy ra do sự xâm nhập của ký sinh trùng Entamoeba histolytica. Bệnh có thể dẫn đến tiêu chảy, buồn nôn, sốt và đau bụng cấp, nhiều trường hợp còn có triệu chứng không rõ ràng.

Ở Việt Nam, có đến 25% người bình thường mang mầm bệnh. Amip không chỉ gây bệnh lỵ ở ruột (lỵ amip đường ruột) mà còn gây bệnh ngoài ruột. Nhiễm amip ngoài ruột gồm có áp-xe gan, thường gặp áp-xe gan 1 ổ ở thùy phải, đôi khi có thể gặp tổn thương ở da). Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.

1. Nguyên nhân gây bệnh lỵ amip đường ruột

Nguyên nhân gây bệnh lỵ amip đường ruột là do sự xâm nhập của ký sinh trùng Entamoeba histolytica vào hệ tiêu hóa.

Lỵ amip đường ruột: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và các biện pháp phòng ngừa- Ảnh 1.

Triệu chứng điển hình của amip tại đường ruột là đi tiêu phân lỏng có máu.

Các con đường lây nhiễm lỵ amip đường ruột phải kể đến gồm:

  • Ăn thực phẩm, uống đồ uống nhiễm ký sinh trùng.
  • Chạm tay vào bề mặt chứa trứng ký sinh trùng sau đó đưa vào miệng.
  • Tiếp xúc với phân (dễ xảy ra nhất) khi: quan hệ tình dục qua đường hậu môn, sống hoặc đi du lịch đến nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo…

2. Triệu chứng của bệnh lỵ amip đường ruột

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) thì chỉ có khoảng 10- 20% những người nhiễm ký sinh trùng sẽ biểu hiện triệu chứng.

Lỵ amip đường ruột gây nên 3 thể bệnh khác nhau:

  • Thể bệnh không có triệu chứng
  • Thể bệnh cấp tính
  • Thể bệnh mạn tính

Hầu hết những người nhiễm ký sinh trùng không có triệu chứng, bệnh lỵ amip có thể gây tiêu ra máu, viêm đại tràng và phá hủy mô ruột. Sau đó người mắc bệnh sẽ lây truyền bệnh thông qua việc đi ngoài ra phân chứa các kén amip ra môi trường.

Nếu người bệnh xuất hiện triệu chứng, thường là 2 - 4 tuần sau khi ăn phải kén amip. Các triệu chứng lúc này thường nhẹ, bao gồm tiêu chảy và đau co thắt bụng.

Bệnh lỵ amip đường ruột xảy ra khi ký sinh trùng xâm nhập niêm mạc ruột. Lúc này, các triệu chứng của bạn sẽ nguy hiểm và rầm rộ hơn:

  • Sốt;
  • Tiêu chảy (những ngày đầu có thể là phân sệt, sau đó là phân lỏng nước);
  • Đi ngoài ra máu kèm chất nhầy;
  • Đau bụng dữ dội, co thắt hoặc đau âm ỉ dọc khung đại tràng;
  • Buồn nôn;
  • Sụt cân.

Các triệu chứng ở người trẻ thường nặng nề hơn người lớn tuổi. Nếu bệnh diễn tiến, có thể xuất hiện các triệu chứng của biến chứng bệnh như:

  • Đau bụng dữ dội;
  • Co cứng thành bụng;
  • Xuất huyết tiêu hóa;
  • U amip;
  • Tắc ruột;
  • Lồng ruột;
  • Áp-xe gan;
  • Thủng đại tràng,...

Tùy vào mức độ nặng của bệnh mà biểu hiện sẽ khác nhau.

3. Bệnh lỵ amip đường ruột có lây không?

Bệnh lỵ amip đường ruột là bệnh lây nhiễm. Ký sinh trùng Entamoeba histolytica chỉ sống ở người và lây truyền qua phân vi khuẩn. Bệnh có thể lây nhiễm trực tiếp và lây qua gián tiếp. Cụ thể như sau:

• Lỵ amip đường ruột lây trực tiếp: 

Thường xảy ra do sau khi tiếp xúc với các chất thải của người bệnh dính vào tay nhưng không vệ sinh sạch sẽ. Bào nang dính dưới móng tay, sau đó lại được đưa vào miệng cùng thức ăn.

• Lây gián tiếp:

Đây là con đường lây lan phổ biến của lỵ amip. Thể bào nang của amip tồn tại rất nhiều trong chất thải phân người mang bệnh, chúng có thể tồn tại tới 12 ngày trong phân, từ 10 – 20 ngày trong đất. Nếu không xử lý phân thải người bệnh đúng cách thì gián, ruồi muỗi, côn trùng sẽ mang theo mầm bệnh lây sang thức ăn, nước uống.

• Ngoài ra bệnh amip đường ruột có thể lây quan hệ tình dục miệng - hậu môn.

4. Các biện pháp điều trị bệnh lỵ amip đường ruột

Nguyên tắc trong việc điều trị lỵ amip cấp gồm: Điều trị diệt amip, điều trị triệu chứng và điều trị biến chứng nếu có.

Lỵ amip đường ruột: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và các biện pháp phòng ngừa- Ảnh 2.

Sử dụng nguồn nước kém vệ sinh là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh lỵ amip đường ruột.

Điều quan trọng trong việc dùng thuốc điều trị amip là cần phải tiêu diệt được hết nguyên nhân gây bệnh.

Người bệnh khi sử dụng với thuốc điều trị lỵ amip thì họ cần phải điều trị giảm đau, nhiễm khuẩn mắc kèm và khắc phục biến chứng xảy ra.

4.1. Điều trị  nguyên nhân lỵ amip đường ruột

Để có thể tiêu diệt amip ở thể hoạt động và thể kén trong các mô của người bệnh thì bác sĩ sẽ chỉ định dùng các loại thuốc như metronidazol, tinidazole, secnidazole hoặc flagentyl...

Trong trường hợp người bệnh bị nhiễm amip ở thể hoạt động thì cần phải tuân thủ chặt chẽ chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Ngoài ra, thuốc diệt amip trong lòng ruột được dùng nhiều nhất hiện nay gồm có Chiniofon và Intetrix. Hoặc đôi khi người bệnh cũng có thể sử dụng thuốc Diloxanide furoate như Diodohydroquin hoặc Emetin dehydro.

E.histolytica có thể dễ dàng bị tiêu diệt bằng các thuốc kháng sinh như: kháng sinh nhóm nitroimidazoles; emetin; …

Điều trị giảm đau và nhiễm khuẩn phối hợp;

Can thiệp phẫu thuật để giải quyết các biến chứng như: viêm ruột thừa, khâu lỗ thủng đại tràng, áp xe gan…

4.2. Điều trị triệu chứng

Khi bệnh nhân bị lỵ amip mà có biểu hiện triệu chứng đau nặng thì có thể được sử dụng thuốc giảm đau, giãn cơ trơn hoặc băng se niêm mạc. Lưu ý: liều lượng sử dụng cho trẻ em và người lớn sẽ do bác sĩ điều trị chỉ định cụ thể.

Nếu người bệnh bị viêm ruột thừa, thủng đại tràng thì cần phải phẫu thuật ngay lập tức.

Nếu bệnh nhân bị chảy máu đại tràng cần được điều trị càng sớm càng tốt.

Ngoài ra, người dân cần phải được giáo dục về an toàn vệ sinh khi ăn uống, thực hiện ăn chín uống sôi, rửa tay bằng xà phòng trước khi và sau khi đi vệ sinh để phòng ngừa lỵ amip

Đồng thời cần phải đảm bảo vệ sinh nguồn nước ăn, nước sinh hoạt và nguồn nước uống với nước thải để tránh tình trạng ô nhiễm nguồn nước.

4.3. Với điều trị lỵ amip đường ruột khi đã có biến chứng

Khi bệnh nhân bị lỵ amip đường ruột có biểu hiện đau nặng thì có thể được sử dụng thuốc giảm đau, giãn cơ trơn hoặc băng se niêm mạc. 

Lưu ý, liều lượng sử dụng cho trẻ em và người lớn sẽ do bác sĩ điều trị chỉ định cụ thể từng trường hợp.

Nếu người bệnh đã bị biến chứng viêm ruột thừa, thủng đại tràng thì cần phải phẫu thuật ngay lập tức.

Nếu bệnh nhân bị chảy máu đại tràng thì người bệnh nên tuân thủ chỉ định của bác sĩ, dùng thuốc đúng liều lượng theo hướng dẫn sẽ được bác sĩ chỉ định.

5. Cách phòng ngừa bệnh lỵ amip đường ruột

Để phòng ngừa nguy cơ nhiễm lỵ amip đường ruột cần thực hiện các biện pháp sau:

Lỵ amip đường ruột: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và các biện pháp phòng ngừa- Ảnh 3.

Ăn sạch uống sạch là cách phòng bệnh lỵ amip đường ruột

  • Ăn các thức ăn mới nấu chín, đậy kín thực phẩm không để ruồi nhặng đậu vào.
  • Chỉ uống nước sạch đã đun sôi, hoặc nước uống đóng chai có nguồn gốc đảm bảo. Tránh uống đồ uống có đá không rõ nguồn gốc.
  • Thực hiện vệ sinh tay sạch sẽ trước khi xử lý, chế biến thực phẩm, ăn uống và sau khi đi vệ sinh hoặc xử lý phân.
  • Rửa tay bằng xà phòng và nước, chà xát trong vòng ít nhất 20 giây, sau đó rửa lại với nước sạch, lau khô bằng khăn giấy dùng một lần hoặc máy sấy chuyên dụng.
  • Xử lý thực phẩm đúng chuẩn: Chọn nguyên liệu sạch, luôn giữ tay và dụng cụ chế biến sạch sẽ, tách biệt thực phẩm sống và chín, nấu kỹ trước khi ăn, bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ an toàn.
  • Sau khi chăm sóc người bệnh, cần rửa tay kỹ nhiều lần bằng xà phòng hoặc các dung dịch tẩy trùng như cloramin B.
  • Khi một người trong gia đình bị bệnh, cần đậy kín phân, xử lý kỹ tránh ruồi nhặng, gián, chuột làm lây bệnh cho người khác.
  • Cách ly người nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh không có triệu chứng với việc chế biến thực phẩm, chăm sóc trẻ em, người già, người suy giảm miễn dịch.
  • Các vùng mưa lũ ngập úng cần có biện pháp xử lý nguồn nước và môi trường khoa học, đúng quy trình để tránh làm bệnh có nguy cơ bùng phát.
  • Đặc biệt khi đã đi ngoài có lẫn máu, chất nhầy, cần đến ngay cơ sở y tế để khám. Không nên tự chữa bằng các bài thuốc dân gian vì bệnh có thể bị kéo dài, nặng lên và khó chữa hơn.

.


BSCKII. Hồ Hà
Ý kiến của bạn