Trong và sau mưa, lũ, lụt... rất nhiều vi sinh vật gây bệnh từ đất, bụi, rác, chất thải... hòa vào dòng nước, làm ô nhiễm môi trường và lây lan bệnh tật, trong đó có bệnh về đường ruột như lỵ amip. Vậy có những thuốc nào dùng điều trị bệnh này và khi dùng thuốc cần chú ý điều gì?
Lỵ amip có nguy hiểm?
Lỵ amip do Entamoeba histolytica gây ra, lây truyền qua đường phân - miệng và thường gây nhiễm do ăn phải bào nang ở thực phẩm hoặc nước uống bị nhiễm.
Đặc trưng của bệnh lỵ amip là những triệu chứng tổn thương của đại tràng còn gọi là hội chứng lỵ, gồm 3 triệu chứng chủ yếu là: đau quặn bụng (đau bụng quặn từng cơn ở vùng hố chậu phải), mót rặn và đi ngoài “giả” (thường xuyên cảm giác mót rặn sau mỗi cơn đau quặn, đi ngoài phải rặn nhiều và nếu kéo dài có thể dẫn tới biến chứng trĩ hoặc sa niêm mạc trực tràng) và đi ngoài nhiều lần, phân nhầy máu... Nếu không được điều trị đặc hiệu lỵ amip cấp tính sẽ chuyển sang mạn tính (có thể kéo dài tới 10 năm hoặc lâu hơn nữa).
Lỵ amip có thể gây biến chứng viêm phúc mạc do thủng ruột, u amip (ameboma) đại tràng, polyp đại tràng, chảy máy ruột, sa niêm mạc trực tràng, viêm ruột thừa do amip (là biến chứng hiếm gặp nhưng nặng và nếu không được điều trị đặc hiệu thì tỷ lệ tử vong rất cao).
Bệnh lỵ amip lây qua đường tiêu hóa do thức ăn, nước uống nhiễm kén amip.
Nguyên tắc dùng thuốc
Tại vùng có bệnh lưu hành, tình trạng người mang bào nang không triệu chứng rất phổ biến. Tại vùng không có bệnh lưu hành, người mang bào nang không triệu chứng phải được điều trị bằng các thuốc diệt amip tại ruột để giảm nguy cơ lây truyền và dự phòng tình trạng amip thể cấp tính (xâm nhập).
Tất cả bệnh nhân lỵ amip xâm nhập, đầu tiên cần điều trị toàn thân với metronidazol, sau đó dùng một thuốc diệt amip đường ruột để loại trừ bất kỳ amip nào còn sống sót tại đại tràng. Diloxanide furoate được sử dụng rộng rãi nhất để diệt amip trong lòng ruột. Điều trị với diloxanide furoate được đánh giá có hiệu quả nếu trong bệnh phẩm phân không tìm thấy E. histolytica trong vòng 1 tháng. Vì vậy, cần theo dõi xét nghiệm nhiều lần bệnh phẩm (phân) để đánh giá đáp ứng điều trị.
Trong các trường hợp lỵ amip nặng, tetracyclin kết hợp với một thuốc diệt amip làm giảm nguy cơ bội nhiễm, thủng ruột và viêm phúc mạc.
Và những lưu ý khi dùng thuốc
Metronidazol: Là thuốc đại diện chống vi khuẩn và ký sinh trùng đơn bào, dùng trong điều trị bệnh amip thể cấp tính xâm nhập và thể kén.
Đối với bệnh amip cấp (xâm nhập), người lớn và trẻ em có thể dùng thuốc trong 5-10 ngày. Liều lượng theo chỉ định của bác sĩ hoặc theo tờ hướng dẫn sử dụng thuốc đi kèm. Sau đó điều trị bằng thuốc diệt amip tại ruột (như diloxanid). Nếu không thể dùng đường uống, có thể dùng đường truyền tĩnh mạch tới khi bệnh nhân có thể điều trị bằng đường uống cho đủ liều, sau đó điều trị bằng thuốc diệt amip tại ruột. Đối với dạng viên nén metronidazol, người bệnh cần phải nuốt với nước trong hoặc sau bữa ăn. Dạng hỗn dịch metronidazol phải uống 1 giờ trước bữa ăn.
Thuốc có thể gây tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, vị kim loại khó chịu, tưa lưỡi và rối loạn tiêu hóa... Đây là những bất lợi thường gặp nhất. Ngoài ra, ở một số người có thể thấy nhức đầu, ngủ gà, choáng váng, mất điều hòa vận động... Ngừng điều trị khi bị chóng mặt, lú lẫn, mất điều hòa.
Diloxanid: Là thuốc được chọn để điều trị amip Entamoeba histolytica đã chuyển sang thể kén và không có triệu chứng lâm sàng ở những vùng không có dịch bệnh lưu hành. Thuốc cũng được dùng sau khi đã điều trị bằng metronidazol để diệt amip thể hoạt động ở trong ruột.
Ðiều trị người bệnh mang kén amip không triệu chứng: Người lớn có thể dùng thuốc trong 10 ngày (liều lượng theo hướng dẫn sử dụng hoặc theo chỉ định của bác sĩ). Nếu cần, điều trị có thể kéo dài đến 20 ngày. Đối với trẻ em, uống liền 10 ngày. Nếu cần, có thể dùng thêm đợt khác.
Ðiều trị lỵ amip cấp: Cần dùng thuốc metronidazol trước, tiếp theo bằng diloxanid furoat, cách dùng như trên.
Khi dùng thuốc, đầy hơi là triệu chứng thường gặp nhất ở hầu hết người dùng. Ngoài ra, thuốc còn gây chán ăn, nôn, co cứng bụng, thậm chí là tiêu chảy...
Bên cạnh dùng thuốc trị amip nếu người bệnh đau bụng nhiều do co thắt đại tràng có thể điều trị kết hợp bằng các thuốc giảm đau, giãn cơ như atropin, papaverin... (tuy nhiên cần theo chỉ định của bác sĩ).
Để phòng lỵ amip, chủ yếu là vệ sinh ăn uống, tránh để lây nhiễm kén amip vào thức ăn, nước uống. Khi dùng rau quả tươi phải rửa sạch, khử khuẩn hoặc xử lý bằng tia cực tím để diệt kén amip. Những người mang kén amip cần được điều trị bằng metronidazol. Khi bị amip cấp tính cần điều trị đúng, dứt điểm, tránh bệnh thành mạn tính và gây biến chứng...