Lỵ amip cấp: Nguyên nhân, triệu chứng, lây truyền, phòng ngừa và điều trị

30-04-2025 09:00 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Bệnh lỵ amip là tình trạng bệnh lý tại đại tràng do đơn bào Entamoeba histolytica gây nên. Bệnh biểu hiện điển hình là hội chứng lỵ gồm đau quặn, mót rặn và đại tiện phân có máu. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp không triệu chứng, một số trường hợp có tiêu chảy nhẹ kéo dài.

Lỵ amip là bệnh lý thường gặp ở các nước có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, môi trường kém vệ sinh và điều kiện kinh tế xã hội còn hạn chế. Bệnh lỵ amip là tình trạng bệnh lý tại đại tràng do đơn bào Entamoeba histolytica gây nên. Bệnh biểu hiện điển hình là hội chứng lỵ gồm đau quặn, mót rặn và đại tiện phân có máu. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp không triệu chứng, một số trường hợp có tiêu chảy nhẹ kéo dài. Ngoài ra amip cũng gây một số bệnh lý ngoài ruột như ở gan, màng bụng, màng phổi, màng ngoài tim.

Amip thuộc nhóm động vật đơn bào, di chuyển bằng giả túc và có một nhân. Amip ký sinh trên người gồm có Entamoeba histolytica, E. dispar, E. hartmanni, E. polecki, E. coli, E. chattoni và E. gingivalis (ký sinh tại miệng). Trong số này chỉ có E. histolytica gây bệnh ở người.

1. Nguyên nhân gây bệnh lỵ amip cấp

- Thể hoạt động ăn hồng cầu (hay thể dưỡng bào)

Thể này tìm thấy trong phân trong giai đoạn cấp. Kích thước lớn, đường kính 30- 40 nm, sống trong vách đại tràng, tăng trưởng trong điều kiện kỵ khí, khi có bội nhiễm các vi khuẩn khác. Trên hình ảnh soi tươi thấy amip di động nhanh theo chiều nhất định. Nguyên sinh chất ngoại vi có màu trắng trong và nội nguyên sinh chất chứa nhiều hạt nhỏ mịn và hồng cầu. Các hồng cầu này có kích thước không đồng đều do đang bị tiêu hoá. Nhân có kích thước 5-6 micromet, nhiễm sắc đều và một nhân thế ở trung tâm.

Lỵ amip cấp: Nguyên nhân, triệu chứng, lây truyền, phòng ngừa và điều trị- Ảnh 1.

ThS.BS Phạm Thế Hùng - Trung tâm Tiêu hóa Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai.

Thể hoạt động khi được đào thải ra ngoài dễ chết và không tạo được bào nang.

- Thể hoạt động không ăn hồng cầu

Thể này tìm thấy trong phân ngoài giai đoạn cấp, kích thước 15-25nm, di chuyển chậm, không có sự phân biệt rõ giữa ngoại nguyên sinh chất với nội nguyên sinh chất, không chứa hồng cầu, nhân giống như nhân của thể ăn hồng cầu.

- Thể bào nang

Kích thước 10-14nm, có trong phân người mang trùng không triệu chứng hoặc có biểu hiện bệnh nhẹ. Bào nang còn non có một nhân, khi trưởng thành có 4 nhân và có một màng đôi bảo vệ chống lại các dịch tiêu hoá.

Bào nang bền vững trong những điều kiện không thuận lợi. Ở nơi khô có ánh nắng mặt trời, bào nang tồn tại được vài ngày, ở 50°C được 5 phút, ở chỗ ẩm thấp trong bóng mát, trong nước bào nang có thể tồn tại 1- 4 tuần. Bào nang có sức đề kháng với các hóa chất cao, với liều Clo hay Iod để diệt được bào nang thì nước không thể uống được, vì vậy diệt bào nang trong nước là vấn đề khó.

2. Triệu chứng của lỵ amip cấp

Triệu chứng thường gặp là hội chứng lỵ: đau bụng, mót rặn, phân nhày máu và không có biểu hiện sốt.

Đau bụng thường ở manh tràng vùng hố chậu phải nên dễ nhầm với viêm ruột thừa, hoặc dọc theo khung đại tràng nên dễ nhầm với loét dạ dày và đại tràng sigma. Mót rặn gây cảm giác muốn đi đại tiện liên tục. Đi ngoài phân nhày máu, đôi khi xen kẽ với phân lỏng, số lượng không nhiều, nhưng đi nhiều lần trong ngày.

  • Thể nhẹ: toàn trạng tốt, đi ngoài vài lần trong ngày, phân có nhầy máu
  • Thể trung bình: mệt mỏi, phân có máu, số lần đi 5 - 15 lần/ngày, phân có nhiều dưỡng bào, niêm mạc trực tràng có nhiều vết loét điển hình.
  • Thể nặng: ít gặp, gây tử vong cao, thường xảy ra trên cơ địa suy kiệt, người già, phản ứng thành bụng, đi ngoài không tự chủ, có thể truỵ tim mạch. Niêm mạc trực tràng trẻ nhỏ. Toàn trạng suy kiệt, mất nước và điện giải, đau bụng dữ dội, bụng chướng có tổn thương, hoại tử nặng, có nhiều vết loét xuất huyết, có thể có thủng ruột.
Lỵ amip cấp: Nguyên nhân, triệu chứng, lây truyền, phòng ngừa và điều trị- Ảnh 2.

Lỵ amip cấp có thể khiến người bệnh mót rặn gây cảm giác muốn đi đại tiện liên tục.

3. Lỵ amip cấp có lây không

Các nguồn lây của lỵ amip cấp bao gồm:

- Lây trực tiếp: thường do tay bẩn, bào nang dính dưới móng tay, từ đó được đưa vào miệng qua thức ăn.

- Lây gián tiếp: qua thức ăn, nước uống, rau quả tươi, hoặc do côn trùng trung gian như ruồi, nhặng, gián mang kén từ phân đến thức ăn.

Ổ chứa nguồn lây lỵ amip có thể có trong người bệnh mạn tính và người lành mang ký sinh trùng amip. Thời gian ủ bệnh có thể từ vài ngày đến vài năm, thông thường từ 2 - 4 tuần. Khi mang mầm bệnh, chúng ta có hoặc không có biểu hiện lâm sàng.

4. Phòng ngừa lỵ amip cấp

Bệnh lỵ amip cấp hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng các biện pháp sau:

  • Thực hiện an toàn vệ sinh ăn uống: Mỗi cá nhân phải thực hiện ăn chín, uống nước chín, rửa tay xà phòng trước khi ăn, dùng nước chín.
  • Điều trị người mang amip không có triệu chứng: Ở các nơi có bếp ăn tập thể như trường học, đơn vị quân đội … hoặc các nhà hàng ăn uống.
Lỵ amip cấp: Nguyên nhân, triệu chứng, lây truyền, phòng ngừa và điều trị- Ảnh 3.

Lỵ amip cấp có thể gây ra những biến chứng như thủng ruột, xuất huyết tiêu hóa, lồng ruột... nếu không được điều trị kịp thời.

5. Điều trị lỵ amip cấp

Điều trị lỵ amip cấp chủ yếu là điều trị nội khoa, một số loại thuốc được sử dụng trong điều trị lỵ amip cấp bao gồm:

Nhóm 5-nitroimidazole (diệt amip ở thành ruột và mô)

- Metronidazole:

Liều người lớn: 750 mg × 3 lần/ngày (uống hoặc truyền tĩnh mạch) × 7–10 ngày.

Liều trẻ em: 35–50 mg/kg/ngày (chia 3 lần) × 7–10 ngày.

- Tinidazole hoặc Ornidazole: Hiệu quả cao, thời gian điều trị ngắn hơn (2–3 ngày).

Thuốc diệt amip trong lòng ruột (để ngăn tái phát)

- Diloxanide furoate: 500 mg × 3 lần/ngày × 10 ngày (người lớn).

- Paromomycin: 25–30 mg/kg/ngày × 7 ngày.

Nếu người bệnh có các triệu chứng đi kèm hoặc biến chứng kèm theo các bác sĩ sẽ sử dụng thêm các phương pháp để khắc phục tình trạng này.

Chế độ ăn hỗ trợ phục hồi đường ruột cho người bệnh lỵ amip cấpChế độ ăn hỗ trợ phục hồi đường ruột cho người bệnh lỵ amip cấp

SKĐS - Con đường lây truyền chính lỵ amip cấp là thông qua ăn uống. Các triệu chứng chủ yếu liên quan đến tiêu hóa nên chế độ ăn uống đóng vai trò vô cùng quan trọng trong cả dự phòng và điều trị bệnh lỵ amip cấp.



ThS.BS Phạm Thế Hùng
Trung tâm Tiêu hóa Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai
Ý kiến của bạn