Nhiều công trình khoa học đã chứng minh các tác hại của giảm vận động; ở người cao tuổi khả năng vận động thể lực giảm dần do biến đổi sinh lý của cơ thể. Sự giảm hoạt động quá mức và bổ sung dinh dưỡng không hợp lý ở người cao tuổi sẽ làm giảm nhanh sức khỏe, dễ phát sinh bệnh tật và là một yếu tố rút ngắn tuổi thọ.
Đặc điểm sức khỏe người cao tuổi
Người cao tuổi có tình trạng thiếu ôxy tiềm tàng vì chức năng hô hấp giảm, tổ chức phổi kém đàn hồi, khả năng vận chuyển ôxy của hồng cầu hạn chế là nguyên nhân hàng đầu làm giảm hoạt động của các cơ quan, tăng lão hóa cơ thể.
Giảm lưu lượng máu trong cơ thể do hoạt động của tim mạch kém đàn hồi vì bị xơ cứng, sự cung cấp ôxy và máu cho các tổ chức thường không được đầy đủ.
Người cao tuổi hay bị các bệnh xương khớp như hở sụn, loãng xương, thoái hóa khớp, viêm khớp... gây đau đớn làm hạn chế vận động và trở ngại sinh hoạt.
Người cao tuổi dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết khí hậu thay đổi do khả năng thích nghi bị giảm như: bị cảm, nhiễm lạnh, mệt mỏi, bệnh mạn tính tái phát. Khi bị bệnh cấp tính thường nặng và để lại di chứng.
Người cao tuổi luyện tập thường xuyên rất tốt cho sức khỏe. Ảnh: PV |
Luyện tập đối với người cao tuổi
Tập luyện rất cần đối với mọi người, mọi lứa tuổi, tập luyện không bao giờ muộn cả. Người cao tuổi càng cần tập luyện hơn, có nhiều biện pháp hạn chế quá trình lão hóa như chế độ ăn uống, chế độ sinh hoạt, bảo đảm giấc ngủ, dùng thuốc... Nhưng luyện tập rất quan trọng, dễ thực hiện nhất, không tốn kém, không độc hại.
Tập luyện hợp lý góp phần hạn chế những hậu quả của giảm vận động, tăng lưu thông máu, tăng cung cấp ôxy cho tổ chức, phục hồi hoạt động của hệ xương, cơ, khớp, khôi phục hoạt động của các chức năng và khả năng thích nghi của cơ thể, mặt khác còn có tác dụng hạn chế một số rối loạn hoặc chứng bệnh mạn tính thường gặp ở người cao tuổi.
Luyện tập còn đem lại nguồn vui cho cuộc sống, thêm lạc quan yêu đời, tạo nên sự thoải mái về tinh thần. Sinh hoạt trong các câu lạc bộ của người cao tuổi có tác dụng động viên trao đổi kinh nghiệm, duy trì sự giao tiếp, hạn chế nỗi cô đơn, củng cố niềm tin là những yếu tố rất quan trọng đối với sức khỏe người cao tuổi.
Người cao tuổi tập luyện như thế nào?
Tập luyện cả tâm trí và thể lực, cho nên cần duy trì hoạt động trí não đúng mức, không nên nghỉ ngơi hoàn toàn, vì niềm vui cuộc sống được nâng lên bằng nhận thức, tiếp nhận thông tin mới, hiểu biết mới tạo nên niềm vui có cơ sở. Điều quan trọng là thoải mái, không căng thẳng, không quá mức.
Sinh hoạt điều độ, tránh mọi lao động thể lực, trí lực quá sức, ăn uống vừa phải. Không nhiều quá, no quá. Quan tâm đến giấc ngủ tối và trưa, uống đủ nước, không uống rượu thường xuyên hằng ngày. Không hút thuốc lá, không để cân nặng quá tiêu chuẩn quy định.
Quan tâm đến không khí gia đình, tạo nếp sống sinh hoạt, ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ, giờ giấc, thoáng mát, vui vẻ. Xây dựng gia đình đầm ấm, hạnh phúc giữa vợ chồng, cha con, ông cháu thành nơi nương tựa tin cậy của tuổi già.
Chọn phương pháp luyện tập nào đó có hiệu quả và phù hợp với sức khỏe và bệnh tật của bản thân, kiên trì luyện tập từ thấp đến cao, thường xuyên đều đặn hằng ngày, nắng ấm thì tập ngoài trời, mưa rét thì tập trong nhà cũng được.
Nên kết hợp các bài tập về vận động cơ - xương khớp với động tác tập thở một cách nhuần nhuyễn. Ví dụ như: vừa tập đi bộ, vừa tập thở, nhằm mục đích là đưa được nhiều dưỡng khí (khí O2) cho cơ thể hoạt động và thải ra được nhiều thán khí (khí CO2 - khí độc) ra khỏi cơ thể. Sau những bài tập biết kết hợp như thế thấy cơ thể thoải mái dễ chịu. Có nhiều hội viên người cao tuổi trong quá trình tập luyện đã biết kết hợp các động tác vận động cơ, xương khớp trong các bài tập dưỡng sinh, với động tác tập thở cho kết quả rất tốt.
BS. Nguyễn Đức Lê