Theo PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên - Trưởng bộ môn Nhi, Đại học Y dược TP.HCM, hỗ trợ oxy là một trong những liệu pháp quan trọng trong việc điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. Khi người mắc COVID-19 thiếu oxy cần được hỗ trợ bằng các liệu pháp oxy.
Với bệnh nhân mắc COVID-19 điều trị tại nhà, PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên cho biết, có nhiều trường hợp người mắc COVID-19 bị thiếu oxy nhưng không có biểu hiện lâm sàng, nhiều trường hợp tỷ lệ tổn thương phổi thấp, người bệnh sinh hoạt bình thường nhưng chỉ số oxy trong máu giảm -đây là sự khác biệt giữa COVID-19 và những bệnh lý gây thiếu oxy khác.
Theo BS Nguyên, khi đo chỉ số SpO2 tại nhà dưới 95%, người bệnh cần được hỗ trợ bằng liệu pháp oxy; nếu dưới 92% người bệnh đang thiếu oxy nặng.
Ngoài ra, cũng có thể dựa trên các biểu hiện lâm sàng như người bệnh có nhịp thở nhanh, nặng trên 30 lần/phút (nhiều trường hợp trên 20 lần cũng đã tính nhanh); có kèm biểu hiện khó thở, nói khó (nói từng câu ngắn) vã mồ hôi đo mạch trên 120 lần/phút, môi tím tái…
Có 2 dụng cụ có thể cung cấp oxy đó là các bình oxy và thiết bị tạo khí oxy với những ưu, nhược điểm khác nhau.
Với các bình tạo chứa khí oxy sẽ có dung tích từ 6-14 lít, khi sử dụng cần chú ý lượng khí có thể cung cấp (6-12 tiếng tùy theo dung tích chứa của bình; ví dụ bình 6 lít áp suất bơm khí đạt 150bar, có thể chứa khoảng 900 lít khí oxy với tốc độ sử dụng 2 lít/ phút thì có thể sử dụng từ 7-8 giờ; nếu dùng 5 lít/phút thì khoảng 3 giờ).
Bình oxy có khuyết điểm là cồng kềnh, nặng, dễ cháy nổ, nhanh hết oxy cần phải thay bình; ưu điểm có thể cung cấp được lưu lượng oxy cao trên 6 lít/phút khi cần thở mask để tránh việc cung cấp không đủ lưu lượng oxy, người bệnh hít ngược trở lại luồng khí vừa thở ra với hàm lượng CO2 cao thay vì hàm lượng oxy cần cung cấp.
Máy tạo oxy dù có sự thuận tiện tuy nhiên giá thành cao, gây ồn; dung lượng oxy có thể cung cấp thường ở mức từ 1-5 lít/phút, khi cần cung cấp lưu lượng oxy cao thiết bị sẽ không thể đáp ứng đủ.
Với những trường hợp bệnh nhân cần hỗ trợ của liệu pháp oxy, nếu thực hiện đúng, phù hợp sau 20-30 phút nồng độ SpO2 sẽ có thể lớn hơn 96%, người bệnh hồng hào, cảm thấy cơ thể khỏe hơn, ít đổ mồ hôi, không còn gắng sức.
Theo PGS. TS. BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, việc cho phép người bệnh COVID-19 được theo dõi điều trị tại nhà giúp mang lại tâm lý thoải mái cho người bệnh, tuy nhiên cần chú ý các biện pháp chăm sóc cho bản thân, tìm hiểu đầy đủ thông tin, nhận biết các các dấu hiệu chuyển nặng; Khi có dấu hiệu nặng nên đến bệnh viện ngay để có sự hỗ trợ tốt nhất; Biết sử dụng liệu pháp oxy, túi thuốc B trong những trường hợp chưa đến bệnh viện ngay được.
Mời xem thêm nội dung video đang được quan tâm:
6 biện pháp chuyên môn y tế để đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.