COVID-19 làm gián đoạn các hoạt động dự phòng y tế quan trọng, đáng chú ý nhất là tiêm phòng vắc-xin.Việc gián đoạn tiêm phòng xảy ra ở hầu hết các quốc gia đang là mối lo ngại của các chuyên gia dịch tễ, bởi sự trì hoãn này có thể làm bùng lên các dịch bệnh truyền nhiễm. Cùng với COVID-19, vấn nạn kép này có nguy cơ tạo nên những áp lực nặng nề cho nền y tế nước nhà.
Việc trì hoãn tiêm chủng phần lớn xuất phát từ việc người dân lo ngại tập trung đông người làm lây nhiễm dịch COVID-19, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều người chưa hiểu rõ tầm quan trọng của việc tiêm vắc-xin để ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Cùng tìm hiểu những lưu ý của việc tiêm vắc-xin phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong bối cảnh hiện nay dưới sự tư vấn của Bs. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I, TP.HCM:
Hỏi: Thưa bác sĩ, thực trạng tiêm chủng vắc-xin bị gián đoạn do COVID-19 sẽ gây ra bất lợi gì cho sức khỏe cộng đồng?
Bs. Trương Hữu Khanh: Theo TS.Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO:“Vắc-xin là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất trong lịch sử y tế công cộng, và hiện nay có nhiều trẻ em được tiêm chủng hơn bao giờ hết”,
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã làm gián đoạn tiến bộ khoa học này. Cụ thể, có ít nhất 30 chiến dịch tiêm vắc-xin sởi đã không được thực hiện hoặc có nguy cơ bị hủy, điều này có thể dẫn đến sự bùng phát bệnh sởi trong tương lai gần. Cũng theo một khảo sát do UNICEF, WHO và Gavi thực hiện với sự hợp tác của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, Viện Vắc-xin Sabin, Trường đại học Y tế công cộng Johns Hopkins Bloomberg vào tháng 6/2020 tại 82 quốc gia, cho thấy có 14 quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng dưới 80% vào năm 2019, và có sự gián đoạn trong dịch vụ tiêm chủng do COVID-19 tính đến tháng 5/2020.
Sự đình trệ này là dấu hiệu cảnh báo những nguy cơ y tế cộng đồng có thể diễn ra trong tương lai và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe toàn xã hội. Vì lẽ đó, chúng ta phải tiếp tục thực hiện các chương trình tiêm chủng trước khi cuộc sống của mọi người, nhất là trẻ em bị đe dọa nghiêm trọng.
Hỏi: Xin bác sĩ cho biết thêm về các giai đoạn quan trọng cần tiêm vắc-xin cho trẻ là khi nào?
Bs. Trương Hữu Khanh: Với mọi đứa trẻ, những cột mốc quan trọng cần tiêm chủng vắc-xin được chia cụ thể như sau:
● 12 tháng đầu đời: Đây là giai đoạn trẻ được tiêm hầu hết các mũi vắc xin cơ bản cần thiết.
● Năm tuổi thứ hai đến trước 4 tuổi: Hoàn tất các mũi tiêm cơ bản cần thiết và những mũi tiêm nhắc đầu tiên để củng cố miễn dịch với nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
● Tuổi tiền học đường (4 tuổi đến trước 7 tuổi): Đây là giai đoạn quan trọng nhưng một số bậc phụ huynh thường dễ bỏ qua. Học đường là môi trường tập trung nhiều trẻ nhỏ với tiếp xúc gần gũi, dễ dàng lây truyền bệnh. Việc tiêm nhắc trong giai đoạn này sẽ giúp củng cố sự bảo vệ cho trẻ trước khi bước vào môi trường mới. Nó cũng giúp giảm sự lây truyền bệnh cho những trẻ nhỏ chưa được bảo vệ bởi vắc xin.
Để hỗ trợ việc ghi nhớ lịch tiêm chủng cho trẻ hiện nay, bố mẹ có thể theo dõi thông qua kênh hỗ trợ từ Hội Bác sĩ gia đình TP.HCM. Các mốc thời gian được xác định cụ thể theo các giai đoạn trưởng thành của trẻ. Bố mẹ cũng đừng quên tham khảo ý kiến bác sĩ để có sự điều chỉnh lịch tiêm phù hợp với thể trạng của con.
Hỏi: Ngoài các mũi tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng, phụ huynh cần lưu ý những loại vắc-xin nào nữa?
Bs. Trương Hữu Khanh: Bên cạnh các mũi tiêm theo khuyến nghị của lịch tiêm chủng mở rộng do Bộ Y tế ban hành như vắc xin ngừa sởi, bạch hầu, ho gà, uốn ván, đến vắc-xin ngừa các bệnh gây ra do haemophilus influenzae týp b, bại liệt, viêm gan B, viêm não Nhật Bản..., bố mẹ cũng cần cân nhắc một số mũi tiêm phòng ngừa bệnh trong giai đoạn giao mùa như bệnh cúm mùa.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, cúm mùa có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi và các hệ lụy nguy hiểm khác. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm, có khoảng 290.000 đến 650.000 ca tử vong do Cúm mùa trên toàn cầu, với khoảng 10 triệu ca nhập viện liên quan đến Cúm mùa.
Chính vì lẽ đó, tiêm ngừa Cúm được coi là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa nhiễm bệnh và bảo vệ sức khỏe cá nhân tốt hơn giữa thời điểm dịch bệnh COVID-19 hiện nay.
Hỏi: Các bậc phụ huynh cần cần lưu ý gì trong việc tiêm vắc-xin cho trẻ trong thời điểm này?
Bs. Trương Hữu Khanh: Các bậc phụ huynh cần lưu ý một số điều sau khi đưa trẻ đi tiêm phòng trong mùa dịch:
● Đo nhiệt độ và đánh giá sức khỏe người đưa trẻ đi tiêm phòng.
● Khi đưa trẻ đi tiêm phòng, nên hạn chế di chuyển bằng các phương tiện giao thông công cộng, nếu được hãy ưu tiên sử dụng phương tiện cá nhân. Nên đeo khẩu trang cho trẻ trong suốt thời gian tiêm vắc xin.
● Sau khi tiêm, hãy cho bé lưu lại khu vực sạch sẽ của cơ sở tiêm chủng trong 30 phút.
● Tiếp tục theo dõi tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng. Các dấu hiệu cần theo dõi sau tiêm chủng bao gồm tinh thần, tình trạng ăn, ngủ, dấu hiệu về nhịp thở, nhiệt độ, phát ban, các biểu hiện tại chỗ tiêm để có thể phát hiện kịp thời các dấu hiệu bất thường về sức khỏe của trẻ. Quan sát trẻ thường xuyên và chú ý không chạm, đè vào chỗ tiêm; không đắp bất cứ vật gì lên vị trí tiêm…
● Sau khi tiêm vắc xin, trẻ có thể bị sốt, bố mẹ có thể dùng thuốc hạ sốt cho trẻ. Và lưu ý đưa trẻ tới bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất trong thời gian sớm nhất để theo dõi, điều trị nếu có những biểu hiện bất thường như: sốt cao (trên 39°C), co giật, quấy khóc kéo dài, khóc thét, bú kém, bỏ bú, phát ban, tím tái, khó thở, sưng đỏ lan rộng tại chỗ tiêm.
5 năm đầu đời là khoảng thời gian hoàn thiện việc xây dựng hệ miễn dịch ở trẻ. Vì vậy, tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch là cách tốt nhất để tăng cường đề kháng cho trẻ nhỏ. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, bố mẹ sẽ có những lo lắng thường trực, nhưng đừng vì vậy mà bỏ qua lịch tiêm vắc-xin quan trọng cho trẻ. Hãy tuân thủ khuyến cáo phòng dịch của Bộ Y tế và tổ chức Y tế thế giới WHO, cập nhật lịch tiêm và thực hiện đúng hướng dẫn bố mẹ nhé.