Hội chứng XYY là bất thường về nhiễm sắc thể giới tính trong đó bé trai sinh ra có hai nhiễm sắc thể Y và một nhiễm sắc thể X. Những bé trai mắc hội chứng XYY có xu hướng cao và gặp khó khăn về ngôn ngữ. Chỉ số thông minh (IQ) có xu hướng thấp hơn một chút so với các thành viên khác trong gia đình. Có thể phát triển các khuyết tật về học tập, rối loạn thiếu chú ý/tăng động và các rối loạn hành vi nhẹ.

Hội chứng XYY còn được gọi là Hội chứng Jacob và Hội chứng YY là một rối loạn nhiễm sắc thể hiếm gặp ảnh hưởng đến 1:1000 nam giới.
1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với người mắc hội chứng XYY
Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng đối với người mắc hội chứng XYY, giúp họ duy trì sức khỏe tốt và giảm thiểu các triệu chứng có thể phát sinh. Dưới đây là một số khía cạnh quan trọng:
Duy trì cân nặng hợp lý: Người mắc hội chứng XYY thường có xu hướng phát triển chiều cao nhanh và có thể tăng cân nhanh hơn so với người bình thường. Vì vậy, việc kiểm soát cân nặng là rất quan trọng để tránh tình trạng thừa cân hoặc béo phì, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như tim mạch, đái tháo đường.
Cung cấp đủ dưỡng chất: Đảm bảo cung cấp đủ vitamin, khoáng chất cần thiết cho sự phát triển và hoạt động của cơ thể. Đặc biệt chú ý đến các dưỡng chất quan trọng như canxi, vitamin D (cho sự phát triển xương), và các vitamin nhóm B (cho chức năng thần kinh).
Hỗ trợ phát triển thể chất và tinh thần: Chế độ ăn cân bằng giúp hỗ trợ sự phát triển thể chất và tinh thần, đặc biệt là trong giai đoạn dậy thì.
Đối với những người mắc hội chứng XYY có thể có các vấn đề về hành vi hoặc học tập, chế độ ăn lành mạnh có thể giúp cải thiện sự tập trung và giảm các triệu chứng.
2. Lưu ý về chế độ ăn cân bằng
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chế độ ăn cân bằng là nền tảng của một cuộc sống khỏe mạnh, đòi hỏi sự đa dạng trong việc lựa chọn thực phẩm. Lượng calo tiêu thụ và tiêu hao cần được cân bằng để duy trì cân nặng hợp lý và an toàn thực phẩm cũng là một yếu tố không thể bỏ qua. Chế độ ăn cân bằng theo WHO là sự kết hợp hài hòa giữa các nhóm thực phẩm, hướng tới một lối sống lành mạnh và bền vững.
Rau và trái cây: Tăng cường tiêu thụ rau và trái cây tươi để cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ.
Ngũ cốc nguyên hạt: Chọn ngũ cốc nguyên hạt thay vì ngũ cốc tinh chế để cung cấp năng lượng và chất xơ.
Protein nạc: Bao gồm các nguồn protein nạc như thịt gà không da, cá, đậu, đậu phụ...
Chất béo lành mạnh: Chọn chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa, có trong dầu ô liu, quả bơ và các loại hạt. Thực phẩm giàu omega-3 (cá béo, hạt lanh, hạt chia) có thể hỗ trợ chức năng não, cải thiện các triệu chứng của ADHD và rối loạn phổ tự kỷ.
Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn: Tránh xa thực phẩm chế biến sẵn, đồ ngọt, đồ uống có đường, vì chúng có thể góp phần tăng cân và các vấn đề sức khỏe khác. Tránh các thực phẩm gây dị ứng hoặc kích thích hen suyễn.
Những người mắc hội chứng XYY có các vấn đề về cơ bắp hoặc vận động, cần chú ý đến việc cung cấp đủ protein để hỗ trợ sự phát triển và phục hồi cơ bắp. Nếu có các vấn đề về tâm lý nên bổ sung các thực phẩm có khả năng giúp cải thiện tâm trạng. Một số trường hợp bị co giật có thể sử dụng chế độ ăn Ketogenic nhưng cần sự chỉ định và theo dõi sát sao của bác sĩ.

Chế độ ăn cân bằng là sự kết hợp hài hòa giữa các nhóm thực phẩm.
3. Vitamin, khoáng chất nào cần thiết nhất cho người mắc hội chứng XYY?
Không có vitamin, khoáng chất cụ thể nào được xác định là quan trọng nhất dành riêng cho hội chứng XYY nhưng có một số khoáng chất đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sức khỏe tổng thể và giảm thiểu các triệu chứng tiềm ẩn ở người mắc hội chứng này:
Canxi:
Rất quan trọng cho sự phát triển và duy trì xương chắc khỏe, đặc biệt là trong giai đoạn tăng trưởng nhanh ở tuổi dậy thì vì người mắc hội chứng XYY thường có chiều cao vượt trội. Thiếu canxi có thể dẫn đến các vấn đề về xương khớp, đặc biệt là khi kết hợp với các vấn đề về vận động có thể xảy ra ở một số người mắc hội chứng XYY.
Vitamin D:
Giúp cơ thể hấp thụ canxi hiệu quả hơn. Thiếu vitamin D có thể làm tăng nguy cơ loãng xương và các vấn đề về xương khác.
Ngoài ra, vitamin, các khoáng chất khác cũng rất quan trọng đối với sức khỏe tổng thể, bao gồm:
Sắt: Cần thiết cho việc sản xuất hồng cầu và vận chuyển oxy trong cơ thể.
Kẽm: Đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch, sự phát triển tế bào và chức năng sinh sản. Thực phẩm giàu kẽm (hàu, thịt bò, hạt bí) và selen (cá ngừ, trứng)...
Magie: Giúp cho việc duy trì chức năng thần kinh, cơ bắp và tim mạch.
Vitamin nhóm B: Có trong rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt cũng quan trọng cho chức năng thần kinh.
Thực phẩm giàu vitamin C và E: Như cam, ớt chuông, các loại hạt có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch và giảm viêm. Vitamin E cũng quan trọng cho sức khỏe sinh sản.
Tuy nhiên, việc bổ sung vitamin, khoáng chất cần được thực hiện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng, vì việc dư thừa một số khoáng chất có thể gây hại cho sức khỏe. Thực tế chế độ ăn uống cân bằng và đa dạng, bao gồm nhiều loại thực phẩm giàu khoáng chất, là cách tốt nhất để đảm bảo cơ thể nhận được đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.
Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo chứ không thay thế tư vấn của chuyên gia y tế. Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ ăn phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe cụ thể.
Xem thêm: