Lưu ý 'vàng' khi lựa chọn tổ hợp môn học vào lớp 10

14-07-2024 14:14 | Xã hội
google news

SKĐS - Sau nỗi lo chọn trường, phụ huynh và học sinh lớp 10 lại hoang mang với lựa chọn tổ hợp môn học - một lựa chọn mang tính quyết định nghề nghiệp tương lai.

Bắt buộc phải lựa chọn tổ hợp 4 môn khi vào lớp 10

Từ năm học 2022 - 2023, học sinh lớp 10 bắt đầu với chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản từ lớp 1 đến lớp 9; giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp từ lớp 10 đến lớp 12.

Để đáp ứng mục tiêu giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, lớp 10, học sinh sẽ phải học 8 môn bắt buộc bao gồm Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và Giáo dục địa phương.

Ngoài ra, các em phải lựa chọn 4 môn trong 9 môn học bao gồm: Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lý; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mỹ thuật. Đồng thời, lựa chọn các chuyên đề học tập khác nhau.

Lưu ý 'vàng' khi lựa chọn tổ hợp môn học vào lớp 10- Ảnh 1.

Phụ huynh ngóng con thi lớp 10 ở Hà Nội năm 2024.

Việc đăng ký lựa chọn môn học được thực hiện ngay từ khi bắt đầu vào lớp 10. Các môn lựa chọn là những môn học mà học sinh sẽ theo học suốt 3 năm THPT. Theo phương thức tuyển sinh vào cao đẳng, đại học mà các trường đang sử dụng, có thể sử dụng kết quả của các môn học lựa chọn để xét tuyển bằng xét tổ hợp các môn học, hoặc sử dụng kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển.

Như vậy, việc xác định 4 môn học lựa chọn phù hợp sẽ giúp học sinh tập trung vào thế mạnh và mục tiêu, đem lại hiệu quả cao, tiết kiệm thời gian, công sức để phát hiện và theo đuổi nghề nghiệp tương lai.

Lời khuyên của thầy cô khi lựa chọn tổ hợp môn học lớp 10

Nhằm giúp học sinh và phụ huynh trong việc định hướng và chuẩn bị tốt nhất cho năm học lớp 10, theo các thầy cô giáo, học sinh cần cân nhắc thật kỹ khi lựa chọn môn học lớp 10 bởi việc này có ý nghĩa rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến bước đường tương lai của học sinh.

Theo ThS. Dương Thị Thu Hà - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), để lựa chọn đúng thì đầu tiên phụ huynh và học sinh cần hiểu đúng về Chương trình GDPT 2018. "Khoá các em học sinh sinh năm 2009 là khoá cuối cùng của Chương trình GDPT 2006. Khi các em học sinh vào lớp 10 sẽ rất bỡ ngỡ. Có những điểm khác biệt các em cần lưu ý sau đây:

Về mục tiêu: Đối với Chương trình GDPT 2006 mục tiêu là phát triển toàn diện cho học sinh về trí tuệ, đạo đức, thẩm mỹ, sáng tạo… Mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 là học sinh vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Chương trình GDPT 2006 sẽ giáo dục cơ bản từ lớp 1 tới lớp 12 nhưng khi học Chương trình GDPT 2018 thì học sinh sẽ phải học 8 môn bắt buộc. Ngoài ra, các em phải lựa chọn 4 môn trong 9 môn học. Do vậy, tuỳ mỗi trường khác nhau sẽ dựa vào điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhà trường cũng như đội ngũ giáo viên, nhà trường sẽ xây dựng những từng loại hình để học sinh lựa chọn phù hợp.

Điểm khác biệt về sách giáo khoa: Sách giáo khoa Chương trình GDPT 2018 như là một tài liệu tham khảo của học sinh. Nhà trường sẽ công bố hệ thống sách giáo khoa của từng môn học.

Cuối cùng, khi lựa chọn tổ hợp môn học học sinh cần căn cứ nhiều yếu tố gồm năng lực, sở thích, dự định nghề nghiệp và đừng ngại ngần chia sẻ với thầy cô giáo cũng như bố mẹ để cùng đưa ra quyết định phù hợp nhất".

Thầy Lê Việt Dương - Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai) cho biết, qua 2 năm triển khai vừa qua, nhà trường đã xây dựng các tổ hợp môn học cho học sinh lớp 10 năm học 2024-2025. Căn cứ năng lực, dự định nghề nghiệp, học sinh có thể lựa chọn tổ hợp theo nhóm môn lựa chọn thiên về Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội.

"Điều học sinh cần lưu tâm trong việc chọn tổ hợp môn học là nắm rõ năng lực học tập, sở trường và định hướng nghề nghiệp. Trong thời gian tiếp nhận hồ sơ học sinh lớp 10 trúng tuyển, nhà trường bố trí nhiều phòng thông tin tư vấn cho cha mẹ học sinh và học sinh về cơ cấu chương trình học, trong đó có việc lựa chọn tổ hợp môn học theo định hướng nghề nghiệp. 

Đội ngũ phụ trách phòng tư vấn đều là lãnh đạo các tổ, nhóm có chuyên môn, kỹ năng tốt và tinh thần trách nhiệm, tận tình lắng nghe chia sẻ của học sinh, từ đó hiểu rõ thêm về năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp tương lai. Căn cứ số lượng nguyện vọng, nhà trường sẽ xếp học sinh vào các lớp theo thứ tự nguyện vọng, bảo đảm đáp ứng tốt nhất nguyện vọng của học sinh", thầy Lê Việt Dương cho biết.

Trước đó, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn các Sở GD&ĐT về việc chuyển đổi môn học tự chọn nhằm bảo đảm quyền lợi, nguyện vọng học tập của học sinh.

Theo quy định, việc lựa chọn môn học của học sinh cần giữ ổn định cho đến hết lớp 12. Tuy nhiên trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học tự chọn thì việc này được thực hiện vào cuối năm học. Hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm xem xét, quyết định cho học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học tự chọn phù hợp với khả năng tổ chức của trường. Với học sinh, khi chuyển đổi môn học, cần có bản cam kết tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của các môn học mới, có xác nhận đồng ý và cam kết của cha mẹ học sinh.

Nhiều nơi hạ điểm chuẩn lớp 10, xét tuyển bổ sung đợt 2Nhiều nơi hạ điểm chuẩn lớp 10, xét tuyển bổ sung đợt 2

SKĐS - Sau khi công bố điểm chuẩn chính thức, nhiều địa phương thông báo xét tuyển bổ sung đợt 2, hạ điểm chuẩn lớp 10 đối với một số trường THPT công lập.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn