Hà Nội

Lưu ý tác dụng phụ khi dùng thuốc trị mất ngủ

17-12-2023 06:58 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Khi bị mất ngủ sẽ rất mệt mỏi vào ngày hôm sau. Do đó người mất ngủ kéo dài thường tìm đến các phương pháp giúp ngủ ngon, trong đó có giải pháp dùng thuốc ngủ. Tuy nhiên việc dùng thuốc ngủ khá phức tạp...

1. Những nguy cơ khi bị mất ngủ

Mất ngủ là một rối loạn giấc ngủ phổ biến hiện nay. Người bị mất ngủ sẽ khó vào giấc, ngủ không sâu/khó duy trì giấc ngủ… Ngủ đủ giấc là rất quan trọng đối với cả sức khỏe thể chất và tinh thần. 

Khi mất ngủ, người bệnh sẽ gặp phải các nguy cơ:

- Tăng nguy cơ gặp tai nạn do lái xe trong trạng thái buồn ngủ; thiếu tập trung trong công việc.

- Suy giảm khả năng miễn dịch, tăng nguy cơ ung thư: Thiếu ngủ kéo dài có thể phá vỡ hệ thống miễn dịch đồng thời còn làm giảm hoạt động của các tế bào giết tự nhiên và làm tăng 36% nguy cơ ung thư đại trực tràng.

- Gây các rối loạn tâm lý, tâm thần: Thiếu ngủ một đêm sẽ khiến cơ thể ủ rũ và cáu kỉnh vào ngày hôm sau. Người mất ngủ mạn tính có thể dẫn đến các rối loạn tâm thần như trầm cảm hay lo âu. Thiếu ngủ cũng làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ.

- Tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường: Các nghiên cứu cho thấy những người thường ngủ ít hơn 5 giờ mỗi đêm làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường gấp 3 lần so với người ngủ đủ giấc.

- Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch: Thiếu ngủ kéo dài có liên quan đến tăng nhịp tim, tăng huyết áp và tăng nồng độ các chất liên quan đến quá trình viêm. Từ đó làm tăng gánh nặng cho tim và làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Lưu ý tác dụng phụ khi dùng thuốc trị mất ngủ- Ảnh 1.

Mất ngủ sẽ gây mệt mỏi, mất tập trung vào ngày hôm sau.

2. Các loại thuốc trị mất ngủ

Các nhóm thuốc ngủ thường gặp bao gồm:

- Nhóm benzodiazepines: Là loại thuốc an thần gây ngủ khá quen thuộc. Các hoạt chất thuốc thường dùng là diazepam, bromazepam, clonazepam... 

- Nhóm barbiturate: Là các thuốc phenobarbital (gardenal), pentobarbital (nembutal). Loại thuốc này hiện nay ít được dùng để an thần, gây ngủ do có nhiều tác dụng không mong muốn hơn.

- Thuốc ngủ "Z - drugs": Là các thuốc zolpidem (stilnox, ambien), eszopiclone (lunesta), zaleplon (sonata). Đây là loại thuốc được ưa dùng trong rối loạn giấc ngủ nhờ tác dụng gây ngủ êm dịu và ít khi xảy ra nhờn thuốc và hội chứng cai thuốc khi ngừng thuốc.

- Thuốc kháng histamine H1: Hai loại thuốc kháng histamine như promethazine và diphenhydramin có tác dụng an thần đáng kể nên có thể cải thiện tình trạng mất ngủ, khó ngủ, ngủ không sâu giấc và ngủ chập chờn. Chính vì thế trong một số trường hợp còn được dùng để điều trị chứng mất ngủ.

- Thuốc chống trầm cảm gây ngủ: Một số thuốc trong nhóm này như amitriptylin, sertraline....

Ngoài các thuốc tây y, thì một số sản phẩm từ thảo dược cũng có khả năng chữa mất ngủ như:

- Rotudin: Được chiết xuất từ lá vông nem chữa chứng mất ngủ. Lá vông nem có tác dụng gây ngủ, hạ huyết áp, hạ thân nhiệt, trấn tĩnh và ức chế hệ thần kinh trung ương. Mặc dù là sản phẩm chiết xuất từ lá vông nem, nhưng rotudin cũng là thuốc qua kê đơn.

- Cây lạc tiên: Sử dụng thảo dược này có thể giúp ngủ ngon, giảm tình trạng giấc ngủ đến muộn, ngủ không sâu giấc và thường xuyên thức giấc giữa đêm.

3. Thận trọng cần ghi nhớ khi dùng thuốc ngủ

- Ở liều dùng phù hợp, thuốc ngủ có thể mang lại lợi ích trên những người bị lo âu, căng thẳng hoặc rối loạn giấc ngủ kéo dài. Tuy nhiên, do thuốc ngủ có nhiều loại và dùng cho những chứng mất ngủ khác nhau, nên việc lựa chọn thuốc cho từng trường hợp cũng khác nhau. Do đó, người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc trị mất ngủ.

- Hầu hết các loại thuốc ngủ đều có những tác dụng phụ đáng kể, nên trước khi dùng thuốc, bệnh nhân cần đi khám tại chuyên khoa thần kinh hoặc tâm thần. Dựa vào các triệu chứng lâm sàng và các kết quả cận lâm sàng, bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi và hại của việc dùng thuốc rồi mới kê đơn.

Lưu ý tác dụng phụ khi dùng thuốc trị mất ngủ- Ảnh 2.

Hâu hết các thuốc ngủ đều gây ra tác dụng phụ khá nghiêm trọng, chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Các tác dụng phụ của thuốc có thể gặp như:

- Nhóm benzodiazepines: Gây cảm giác uể oải mệt mỏi vào ngày hôm sau, khả năng phối hợp kém; cảm giác hoang mang, lo lắng, chán nản; đau đầu, chóng mặt, gây vấn đề rối loạn thị lực…

Hơn nữa, đây là nhóm thuốc có thể gây nghiện, chỉ định sử dụng ngắn, không quá một tuần trong đợt điều trị. Bệnh nhân mất ngủ rất dễ lạm dụng thuốc và sử dụng lâu dài, có thể dẫn đến tình trạng nghiện thuốc. Khi đã nghiện thuốc, cần phải có quá trình cai thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu ngừng thuốc thuốc đột ngột có thể dẫn đến tình trạng run, chuột rút và co giật, thậm chí là đe dọa tính mạng. Các triệu chứng cai thuốc cũng khiến bệnh nhân rất khó chịu: Chán nản, vã mồ hôi, khó ngủ…

- Nhóm "Z-drugs": Thuốc ít tác dụng phụ hơn, tác dụng gây ngủ êm dịu và ít khi xảy ra nhờn thuốc và hội chứng cai khi ngừng thuốc. Nhưng thuốc vẫn gây ra một số triệu chứng khó chịu như: Choáng váng, khô miệng, táo bón… Thuốc vẫn có nguy cơ gây lệ thuộc thuốc do đó không nên tự sử dụng quá 4 tuần và chỉ sử dụng sau khi có sự đồng ý của bác sĩ chuyên khoa.

- Kháng histamine H1: Tác dụng phụ có thể gặp là mệt mỏi, choáng váng, giảm khả năng phối hợp và suy giảm hệ thần kinh trung ương. Ngoài ra thuốc cũng có thể gây táo bón, mờ mắt, khô miệng và đau đầu.

Trong quá trình dùng thuốc ngủ, tuyệt đối không được uống rượu vì nguy cơ tương tác thuốc - rượu và nguy cơ làm tăng tác dụng bất lợi của thuốc.

Mời độc giả xem thêm video:

Rối loạn tâm thần do mất ngủ, Những dấu hiệu cảnh báo I SKĐS

BS.Lê Anh Tiến
Ý kiến của bạn