Đã có ý kiến cho rằng một số biểu hiện gặp phải trên bệnh nhân sau khi sử dụng nhóm thuốc này như rối loạn cương dương, tăng cân, mệt mỏi và khó thở có thể chỉ do “bệnh nhân tưởng tượng” (brain trickery). Tuy nhiên, những dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng và phân tích gộp gợi ý rằng những biểu hiện trên xảy ra không phải do “bệnh nhân tưởng tượng” mà chính là tác dụng không mong muốn (TDKMM) của thuốc chẹn beta.
Tại Thụy Điển, tác giả Dahlöf (khoa Dược, Bệnh viện đại học Sahlgrenska) đã tiến hành hai nghiên cứu lâm sàng. Nghiên cứu LIFE năm 2002 theo dõi trên 9.000 bệnh nhân chia thành hai nhóm sử dụng atenolol hoặc losartan và nghiên cứu ASCOT năm 2005 theo dõi trên 20.000 bệnh nhân chia thành hai nhóm sử dụng atenolol hoặc amlodipin cho thấy tỷ lệ ghi nhận rối loạn cương dương, mệt mỏi, lạnh chi ở nhóm bệnh nhân sử dụng atenolol cao hơn rõ rệt so với nhóm bệnh nhân sử dụng losartan hay amlodipin tương ứng. Trong khi đó, một phân tích gộp của Ko và cộng sự năm 2002 tổng hợp kết quả từ 15 thử nghiệm lâm sàng cho thấy tỷ lệ ghi nhận mệt mỏi, rối loạn cương dương và trầm cảm ở nhóm bệnh nhân dùng thuốc chẹn beta không cao hơn so với nhóm bệnh nhân sử dụng giả dược. Tuy nhiên, phân tích sâu hơn cho thấy tỷ lệ bệnh nhân phải ngừng thuốc do mệt mỏi ở nhóm dùng thuốc chẹn beta cao hơn nhóm giả dược 2 lần và tỷ lệ bệnh nhân phải ngừng thuốc do rối loạn cương dương ở nhóm dùng thuốc chẹn beta cao hơn nhóm giả dược 5 lần.