Sau khi phẫu thuật, khi chức năng tuyến giáp không còn khả năng tổng hợp hormon phục vụ cho các hoạt động của cơ thể, người bệnh cần uống thuốc hormon tuyến giáp thay thế lâu dài, đôi khi suốt đời với điều kiện đúng liều và đúng cách...
1. Mục đích điều trị sau phẫu thuật tuyến giáp
Phẫu thuật tuyến giáp (một phần hoặc toàn bộ) khiến lượng hormon giáp suy giảm đột ngột, điều này sẽ kích thích vùng hạ đồi tăng bài tiết hormon TSH nhằm kích thích tăng bài tiết hormon tuyến giáp vào trong máu.
ThS.BS Hoàng Vũ, Khoa Phẫu thuật lồng ngực, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, việc sử dụng thuốc sẽ hỗ trợ giữ ổn định nồng độ TSH và tránh các biến chứng sau phẫu thuật.
Thuốc tuyến giáp được sử dụng phổ biến trên lâm sàng là levothyroxine. Hoạt chất này có tác dụng thay thế hormon giáp tự nhiên, qua đó giúp duy trì hoạt động trao đổi chất bình thường, đồng thời giảm nguy cơ bướu giáp tái phát. Việc sử dụng thuốc sau khi phẫu thuật tuyến giáp cần tuân thủ đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
Sau khi phẫu thuật, người bệnh cần uống thuốc hormon tuyến giáp thay thế lâu dài.
2. Lưu ý sử dụng thuốc hormon tuyến giáp sau khi phẫu thuật
Theo ThS.BS Hoàng Vũ, sử dụng thuốc sau khi phẫu thuật tuyến giáp cần lưu ý một số vấn đề sau để đảm bảo đạt được hiệu quả điều trị tối ưu:
2.1 Uống thuốc đúng liều
Liều dùng của thuốc hormon tuyến giáp có thể thay đổi liên tục theo nhu cầu và đáp ứng của mỗi người bệnh. Vì vậy, sau khi phẫu thuật, người bệnh cần tái khám định kỳ để theo dõi các chỉ số TSH, T3, T4, từ đó bác sĩ sẽ đưa ra điều chỉnh thích hợp.
Người bệnh không nên chủ quan, tự ý điều chỉnh liều thuốc, điều này có thể dẫn đến các tác dụng phụ như tim đập nhanh, loạn nhịp, tăng thèm ăn, run chân tay…
2.2 Lưu ý thời điểm uống thuốc
Levothyroxine hấp thụ tốt ở hồi tràng, hỗng tràng và một phần tá tràng. Thuốc hấp thụ tốt hơn khi đói và đạt nồng độ hấp thụ cực đại sau 2 giờ uống thuốc (có thể lâu hơn nếu uống đồng thời với các thuốc khác hoặc uống gần bữa ăn).
Vì vậy, người bệnh nên uống thuốc ít nhất 60 phút trước ăn sáng hoặc trước đi ngủ (ít nhất 3 giờ sau ăn tối) và cách ít nhất 4 giờ so với các loại thuốc khác, nếu có.
2.3 Các tác dụng không mong muốn có thể gặp
Người bệnh sử dụng levothyroxine cần chú ý đến các biểu hiện của cường giáp như sụt cân, hồi hộp, đánh trống ngực, dễ bị kích thích, vã mồ hôi, run rẩy, mất ngủ, không chịu được nóng... Nếu gặp các triệu chứng nêu trên cần thông báo ngay cho bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời.
2.4 Lưu ý tương tác thuốc
Một số loại thuốc được sử dụng rộng rãi như nhóm ức chế bơm proton (PPI), statin, sắt, calci, raloxifene và estrogen... có thể cản trở hấp thu levothyroxin, dẫn đến người bệnh đang kiểm soát tốt lại chuyển sang giai đoạn nhược giáp.
Vì vậy, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng để bác sĩ cân nhắc về tương tác thuốc cũng như các tác dụng phụ có thể gặp phải. Khi cần phải sử dụng, nên dùng cách giờ để hạn chế tương tác thuốc.
Việc sử dụng thuốc sau khi phẫu thuật tuyến giáp cần tuân theo đúng chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
3. Tự ý ngưng dùng thuốc hormon tuyến giáp gây tác hại gì?
Thuốc hormon tuyến giáp được sử dụng khi người bệnh cần bổ sung hormon tuyến giáp thay thế lâu dài. Khi ngưng thuốc hormon tuyến giáp đột ngột có thể gây ra các tác hại như:
- Ăn không ngon miệng, không đói
- Mệt mỏi, suy giảm trí nhớ
- Nhịp tim chậm, thậm chí dưới 60 nhịp/phút
- Kinh nguyệt không đều
- Giảm nhu cầu tình dục
- Tăng cân, béo phì…
Bổ sung thuốc hormon tuyến giáp là liệu pháp hormon thay thế khi cơ thể không tổng hợp được hormon tuyến giáp hoặc không tổng hợp đủ. Do đó, khi cần thiết phải dùng lâu dài, thậm chí suốt đời với liều lượng phù hợp, người bệnh không nên tự ngưng dùng thuốc khi gặp phải tác dụng phụ mà chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Ăn cá hay thịt tốt hơn | SKĐS