Lưu ý sử dụng nước súc miệng hỗ trợ điều trị viêm amidan

23-07-2022 06:30 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Viêm amidan là tình trạng phổ biến với triệu chứng điển hình là đau họng. Việc súc miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng sát khuẩn có thể là một cách hiệu quả để giảm đau và giảm các triệu chứng của viêm amidan.

1. Súc miệng nước muối khi bị viêm amidan

Dung dịch nước muối là một hỗn hợp đơn giản của nước và muối ăn có thể là một giải pháp an toàn và hiệu quả điều trị tại nhà để giảm đau họng khi bị viêm amidan. Súc miệng bằng nước muối không chữa được viêm amidan nhưng có thể giúp giảm đau và kích ứng cổ họng bằng cách giảm viêm và ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn. 

Ngoài ra, súc miệng nước muối còn có thể làm loãng chất nhầy tích tụ trong đường hô hấp và khoang mũi.

Lưu ý khi sử dụng nước súc miệng điều trị viêm amidan - Ảnh 1.

Triệu chứng điển hình của viêm amidan là đau họng.

2. Nước súc miệng sát khuẩn

Nước súc miệng là dung dịch sử dụng tại khoang miệng để vệ sinh các bộ phận trong khoang miệng như răng, nướu, lưỡi, má trong, giảm hình thành mảng bám răng và các bệnh về răng nướu như nha chu, sâu răng… Nước súc miệng hiện nay thường có chứa các thành phần sát trùng phổ biến như chlorhexidine, cetylpyridinium...

Mặc dù cơ chế hoạt động không hoàn toàn rõ ràng, nhưng thực tế là nước súc miệng có chứa chlorhexidine làm giảm đáng kể số lượng vi khuẩn là một phát hiện có ý nghĩa về mặt lâm sàng. Việc giảm thiểu các vi khuẩn là điều cần thiết, vì những nguyên nhân này có thể dẫn đến tính chất tiết dịch của amidan dẫn đến các triệu chứng bao gồm chứng hôi miệng, chảy nước mắt và sốt.

3. Những điều cần lưu ý khi dùng nước súc miệng

Cần lưu ý, nước súc miệng là phương pháp điều trị tại chỗ không được nuốt và chỉ có tác dụng làm thuyên giảm các triệu chứng của bệnh chứ không có tác dụng trị khỏi dứt điểm viêm amidan. Bệnh có thể tái phát bất cứ lúc nào, đặc biệt là đối với trường hợp bệnh nặng, cần đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Lưu ý khi sử dụng nước súc miệng điều trị viêm amidan - Ảnh 2.

Nước súc miệng sát khuẩn làm giảm đáng kể số lượng vi khuẩn.

Sử dụng nước súc miệng chứa chlorhexidine lâu hơn 4 tuần có thể gây ra các tác dụng phụ bao gồm hình thành vôi răng, ố răng và rối loạn vị giác thoáng qua. 

Những người bị huyết áp cao hoặc những người mắc các bệnh lý khác cần hạn chế lượng natri nên trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng nước muối.

Với các sản phẩm nước súc miệng sát khuẩn cần tuân theo các giới hạn về độ tuổi, các giới hạn này khác nhau tùy thuộc vào loại hoạt chất. Làm theo hướng dẫn về liều lượng trên nhãn, vì có thể gây hại khi sử dụng không đúng cách. Tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ trước khi sử dụng.

Nếu các triệu chứng khó chịu kéo dài hơn 3 ngày, cần thăm khám bác sĩ để giải quyết nguyên nhân cơ bản triệt để.

4. Làm gì để ngăn ngừa viêm amidan tái phát?

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, bên cạnh thực hiện tốt việc vệ sinh và súc miệng bằng nước muối và dung dịch sát khuẩn để ngăn ngừa viêm amidan tái phát, cần thực hiện những điều sau:

Làm sạch và làm ẩm không khí: Tránh hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá và các chất gây kích ứng khác trong không khí, bao gồm các hóa chất. Sử dụng máy tạo độ ẩm để bổ sung độ ẩm cho không khí trong nhà sẽ giúp giảm kích ứng và khô cổ họng.

Chú ý đến chế độ dinh dưỡng: Nghỉ ngơi nhiều, tránh sử dụng giọng nói thường xuyên. Uống nhiều chất lỏng hơn, đặc biệt là khi khó dung nạp thức ăn rắn. Dinh dưỡng tốt rất quan trọng để phục hồi sau nhiễm trùng vì nó giúp duy trì chức năng hệ thống miễn dịch.

Tránh dùng chung đồ ăn và thức uống: Vi trùng có thể lây lan qua nước bọt, vì vậy không nên dùng chung đồ ăn, thức uống hoặc các đồ dùng cá nhân...

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

Bệnh viêm não virus vào mùa cao điểm, ghi nhận 3 trường hợp tử vong.

ThS. Nguyễn Lan Anh
Ý kiến của bạn