Các loại insulin điều trị đái tháo đường thường gặp
Insulin là một hormon được sử dụng hằng ngày để điều trị đái tháo đường phụ thuộc insulin. Thuốc có tác dụng làm giảm đường huyết do tế bào beta của tuyến tụy tiết ra. Trên vỏ lọ thuốc insulin đều có ký hiệu số lượng/nồng độ insulin là IU (international unite). Đây là đơn vị quốc tế chuẩn hóa.
Theo đó, 1 IU insulin thường làm giảm được 10 - 15g đường ăn vào. Nếu muốn ăn thêm chất bột đường cần phải tính lượng ăn thêm đó để tăng số đơn vị insulin tác dụng nhanh tương ứng.
Dựa vào nguồn gốc insulin được chia làm 3 loại:
- Insulin có nguồn gốc động vật (insulin lợn, insulin bò): Được chiết xuất từ tụy lợn hoặc bò. Nhược điểm của loại insulin này là hay gây dị ứng. Hơn nữa, hiệu quả hạ đường huyết không bằng insulin người nên ở một số nước trên thế giới đã ngừng sử dụng.
- Insulin "người": Được sản xuất bằng công nghệ sinh học cao cấp như insulin actrapid, insulatard, insunova R... Ưu điểm của loại insulin này là ít gây dị ứng, hiệu quả hạ đường huyết tốt, thường dùng trước khi ăn. Tuy nhiên có giá thành đắt, không phải bệnh nhân nào cũng có thể đáp ứng.
- Các đồng phân insulin (insulin analog): Glargin (lantus), lispro, aspart. Ưu điểm của thuốc là ít gây dị ứng, hiệu quả hạ đường huyết tốt, phù hợp với sinh lý người, có thể dùng trước bữa ăn hoặc làm insulin nền. Nhưng cũng như insulin "người", có giá thành khá đắt.
Dựa vào thời gian tác dụng insulin được chia thành:
- Insulin tác dụng rất nhanh: Là đồng phân insulin, tác dụng sau tiêm dưới da 5 -10 phút. Đỉnh tác dụng sau 1 giờ và hết tác dụng sau 3 - 4 giờ. Thuốc thường được sử dụng trước các bữa ăn.
- Insulin tác dụng nhanh: Có màu trong, dùng để tiêm dưới da, hoặc truyền tĩnh mạch. Nếu được tiêm dưới da, insulin này bắt đầu có tác dụng sau 30 phút, đỉnh tác dụng sau 2 giờ và kéo dài 4 - 6 giờ.
Insulin tác dụng nhanh nên ưu điểm thời gian tác dụng ngắn và mạnh để làm giảm đường huyết sau ăn. Nhược điểm là thời gian tác dụng ngắn nên phải tiêm nhiều mũi trong ngày.
- Insulin bán chậm: Ở dạng nhũ dịch, chỉ tiêm dưới da. Sau tiêm 1 giờ insulin bắt đầu có tác dụng, đạt đỉnh tác dụng sau 8 - 10 giờ và tác dụng kéo dài 12 - 20 giờ.
- Insulin pha trộn sẵn: Là loại insulin trộn lẫn giữa 2 loại insulin tác dụng nhanh và insulin tác dụng trung gian theo một tỷ lệ nhất định.
Loại trộn sẵn có ưu điểm cùng lúc có 2 tác dụng ngay làm giảm đường huyết sau ăn do insulin tác dụng nhanh và tác dụng kéo dài do insulin tác dụng trung gian đảm nhận.
- Insulin tác dụng kéo dài như: Insulin glargin là loại đồng phân insulin có tác dụng kéo dài 24 giờ, hấp thu ổn định, gần như không có đỉnh tác dụng, do đó được sử dụng làm insulin nền tốt hơn, ít gây hạ đường huyết.
Cách sử dụng insulin và dụng cụ tiêm đúng
Một người bệnh có thể phải dùng nhiều loại insulin trong một ngày. Do đó cần biết rõ mình đang tiêm loại insulin nào, loại xi-lanh nào để tránh tiêm nhầm.
Cần phân biệt dạng thuốc và dụng cụ tiêm:
- Dạng lọ insulin dùng bơm tiêm insulin (xi-lanh): Nồng độ insulin dựa theo số đơn vị trong 1ml. Loại 40 đơn vị insulin/1ml đựng trong 1 lọ 10ml (400 đơn vị insulin/lọ). Loại 100 đơn vị insulin/1ml đựng trong 1 lọ 10ml (1000 đơn vị insulin/lọ).
Nếu dùng loại insulin 100 đơn vị/1ml thì sử dụng loại bơm tiêm 0.3ml (có 30 vạch trên bơm tiêm); 0.5ml (có 50 vạch trên bơm tiêm). Ở các bơm tiêm này, 1 vạch trên bơm tiêm tương ứng với 1 đơn vị insulin.
Nếu dùng loại insulin 40 đơn vị/1ml thì sử dụng loại bơm tiêm 1ml (có 80 vạch trên thân bơm tiêm, 2 vạch tương đương với 1 đơn vị insulin) hoặc dùng loại 1ml có 40 vạch trên thân bơm tiêm (1 vạch tương đương với một đơn vị insulin). Bơm tiêm 40 đơn vị thường có nắp đỏ.
- Dạng bút tiêm insulin: 1ml có 100 đơn vị insulin đóng trong ống 3 ml (300 đơn vị insulin/ống). Vì vậy nên hỏi ý kiến bác sĩ khi dùng để mua đúng loại bơm tiêm phù hợp với lọ thuốc insulin để không tiêm sai liều thuốc chỉ định.
Lưu ý khi sử dụng insulin
Khi sử dụng insulin, bệnh nhân cần chú ý:
Không tập luyện trước khi ăn và chỉ tập luyện sau khi ăn theo hướng dẫn của bác sĩ. Cũng không luyện tập trước khi đi ngủ bởi vì có thể là điều kiện thuận lợi gây hạ đường huyết trong đêm, nhất là đối với bệnh nhân có nhiều bệnh phối hợp.
Kiểm tra đường huyết trước, trong và sau khi tập luyện. Nếu đường huyết tăng cao hoặc hạ thấp ngoài mức an toàn, hãy liên hệ ngay với bác sĩ.
Tuân thủ sử dụng insulin theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Insulin chỉ định cho tất cả bệnh nhân đái tháo đường type 1, còn với bệnh nhân đái tháo đường type 2 chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Tuyệt đối không sử dụng sai liều hoặc tự ý dùng thuốc hoặc bỏ thuốc.
Cần bảo quản insulin trong ngăn mát tủ lạnh, nhưng không được bảo quản đông. Tránh để insulin ở nơi có nhiệt độ cao và tránh nơi có ánh sáng quá mạnh vì nguy cơ làm hỏng insulin.
Ngoài insulin, bệnh nhân có thể phải sử dụng thêm một số thuốc khác, đặc biệt đối với bệnh nhân có mắc các bệnh lý khác kèm theo như tăng huyết áp, tăng lipid máu, bệnh thận... Việc sử dụng thuốc phải tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc hoặc dùng thuốc đông y, thuốc nam theo mách bảo mà chưa có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
Kết hợp chế độ ăn và luyện tập là phương pháp điều trị không thể thiếu của bệnh đái tháo đường nhằm duy trì nồng độ đường huyết ở mức an toàn.
Kiểm tra nồng độ đường huyết hàng ngày bằng xét nghiệm glucose mao mạch. Bệnh nhân cần ghi lại quá trình tự theo dõi nồng độ đường huyết hằng ngày trong một cuốn sổ để bác sĩ đánh giá ở lần khám bệnh tiếp theo.
Trong quá trình tự theo dõi, nếu có bất kỳ điều gì bất thường xảy ra, bệnh nhân cần liên hệ ngay với bác sĩ càng sớm càng tốt để xác định nguyên nhân cũng như có phương thức xử trí phù hợp.
Mời độc giả xem thêm video:
Đái tháo đường: Nhận biết bệnh sớm qua những dấu hiệu nào? I SKĐS