Hà Nội

Lưu ý quan trọng khi tự làm test nhanh COVID-19 tại nhà

28-12-2021 21:16 | Y tế
google news

SKĐS - Để có kết quả chính xác, người tự làm test nhanh COVID-19 tại nhà cần phải lưu ý những gì?

Ngày 28/12, Bộ Y tế có công văn cho phép các địa phương, đơn vị dùng kết quả test nhanh kháng nguyên để xác định ca mắc COVID-19. 

Theo đó, ca bệnh nghi ngờ nếu có kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 được coi là ca bệnh COVID-19. Điều kiện cho việc khẳng định này là test nhanh do Bộ Y tế cấp phép; việc test do nhân viên y tế thực hiện hoặc người nghi nhiễm thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.

Theo ông Khổng Minh Tuấn - Phó giám đốc CDC Hà Nội, để có kết quả test nhanh chính xác, trước hết, cần lựa chọn mua đúng loại test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 đã được Bộ Y tế cấp phép. 

Ảnh chụp Màn hình 2021-12-28 lúc 20.31.42.png

16 loại test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 được Bộ Y tế cấp phép. Nguồn: Sở Y tế Hà Nội ngày 28/12.

Sau khi lựa chọn các loại test nhanh được cấp phép, người dân cần tuân thủ các bước theo đúng hướng dẫn kèm theo bộ test tùy nhà sản xuất, bao gồm: Lấy mẫu đúng, thao tác đúng và xử lý rác thải đúng.

Bộ sinh phẩm xét nghiệm kháng nguyên SARS-CoV-2 gồm 7 thành phần:

1. Que ngoáy dịch tỵ hầu (dịch mũi) vô trùng.

2. Ống nhựa đựng dung dịch đệm.

3. Nút màng lọc nhỏ giọt.

4. Khay thử

5. Giá đỡ ống chiết mẫu.

6. Hướng dẫn sử dụng.

7. Đồng hồ đếm thời gian.

Phó Giám đốc CDC Hà Nội cũng lưu ý tất cả thành phần bộ sinh phẩm được để ở nhiệt độ phòng từ 15 – 30 độ C trước khi xét nghiệm khoảng 30 phút. "Bộ sinh phẩm bị nhiễm ẩm có thể làm giảm độ ổn định của chất thử. Vì vậy, người dân cần sử dụng ngay khi mở khay thử ra khỏi giấy bạc".

 Ông Tuấn cũng lưu ý người dân không sử dụng sinh phẩm hết hạn và cần bảo quản sinh phẩm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

6 bước thực hiện test nhanh

1. Trước khi lấy mẫu: Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng test nhanh của nhà sản xuất. Người lấy mẫu thực hiện vệ sinh, sát khuẩn tay.

2. Chuẩn bị lấy mẫu:

Lấy khay thử ra khỏi túi đựng và sử dụng càng nhanh càng tốt trong vòng 1 giờ. Đặt khay thử trên bề mặt phẳng sạch nằm ngang. Lấy que ngoáy tỵ hầu ra khỏi túi và tiến hành thu thập mẫu xét nghiệm.

3. Lấy mẫu bệnh phẩm (Lưu ý: bệnh phẩm được lấy không đúng cách sẽ cho kết quả không chính xác)

a) Lấy mẫu dịch tỵ hầu (đối với các bộ kit test yêu cầu lấy mẫu dịch tỵ hầu)

Tư thế ngồi lấy mẫu: Ngồi yên, xì nhẹ dịch mũi vào khăn giấy, đầu nghiêng về phía sau một góc 70 độ. Đối với trẻ nhỏ: đặt ngồi trên đùi của cha/mẹ, lưng của trẻ đối diện với phía ngực cha/ mẹ. Cha/mẹ cần ôm trẻ giữ chặt cơ thể và tay trẻ. Yêu cầu cha/mẹ ngả đầu trẻ ra phía sau.

- Cầm que lấy mẫu đưa nhẹ nhàng vào mũi, vừa đẩy vừa xoay giúp que lấy mẫu đi dễ dàng vào sâu 1 khoảng bằng ½ độ dài từ cánh mũi đến dái tai cùng phía. 

- Giữ que lấy mẫu tại chỗ lấy mẫu trong vòng 5 giây để đảm bảo dịch thấm tối đa. Từ từ xoay và rút que lấy mẫu ra và cho vào ống đã chứa sẵn đệm chiết mẫu.

Lưu ý quan trọng khi tự làm test nhanh COVID-19 tại nhà - Ảnh 3.

Lấy mẫu dịch tỵ hầu

Lưu ý:  Nếu chưa đạt được độ sâu ½ bằng chiều dài từ cánh mũi đến dái tai cùng phía mà cảm thấy có lực cản rõ thì rút que lấy mẫu ra và thử lấy mũi bên kia. Khi cảm thấy que lấy mẫu chạm vào thành sau họng mũi thì dừng lại, xoay tròn rồi từ từ rút que lấy mẫu ra.

b) Lấy mẫu dịch mũi (đối với các bộ kit test yêu cầu lấy mẫu dịch mũi)

Lưu ý quan trọng khi tự làm test nhanh COVID-19 tại nhà - Ảnh 4.

Lấy mẫu dịch mũi

Tư thế người được lấy mẫu giống như lấy mẫu dịch tỵ hầu. 

- Cầm que lấy mẫu nhẹ nhàng đưa vào mũi sâu khoảng 2 cm, xoay que lấy mẫu vào thành mũi trong khoảng 3 giây. 

- Sau khi lấy xong 1 bên mũi thì dùng đúng que lấy mẫu này để lấy mẫu với bên mũi còn lại và thao tác như lỗ mũi thứ nhất. Nhẹ nhàng xoay và rút que mẫu ra rồi cho vào ống đã chứa sẵn đệm chiết mẫu.

4. Tách chiết mẫu:

- Nhúng đầu que lấy mẫu vào ống chiết. Xoay và miết đầu que vào thành và đáy ống 10 lần.

- Để đầu que ngâm trong dung dịch 1 phút. Bóp 2 thành ống ép vào đầu que. Từ từ xoay que và ép đầu que khi rút để thu dịch càng nhiều càng tốt. Đậy chặt ống bằng nắp nhỏ giọt. 

- Lắc mạnh ống theo chiều ngang 10 lần để trộn đều mẫu. Tránh để dung dịch chạm tới đầu lọc trong nắp nhỏ giọt. Nhỏ 3 giọt mẫu chiết từ ống vào ô nhận mẫu (S) của khay thử và bắt đầu đếm thời gian.

5. Đọc kết quả:

Tùy theo hướng dẫn của từng loại sinh phẩm thời gian đọc kết quả khác nhau. Thông thường thời gian đọc kết quả từ 15-30 phút. Không được đọc kết trước hoặc sau thời gian quy định của hướng dẫn sinh phẩm.

laymau_3.jpeg

Đọc kết quả test nhanh kháng nguyên

Kết quả Âm tính: Chỉ xuất hiện vạch chứng C (vạch đỏ).

Kết quả Dương tính: Xuất hiện cả vạch chứng C và vạch kết quả T.

Kết quả không có giá trị: Cả vạch chứng C và vạch kết quả T không xuất hiện hoặc chỉ xuất hiện vạch kết quả T.

Người dân cần lưu ý, nếu vạch chứng C không xuất hiện có thể do thiếu mẫu hoặc khay thử bị hỏng. Lúc này, phải thực hiện lại test thử xét nghiệm hoặc liên hệ với cơ quan y tế để được tư vấn hỗ trợ.

6. Thu gom và xử lý vật liệu xét nghiệm đã sử dụng:

Tất cả các vật liệu xét nghiệm đã qua sử dụng được xem như là chất thải lây nhiễm, cần thu gom và xử lý đúng quy định. Rác thải được thu gom vào túi màu vàng, buộc chặt miệng túi và cho vào một túi màu vàng khác, tiếp tục buộc chặt miệng túi. 

Các túi màu vàng đều phải dán nhãn "CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2", để nơi cố định và thông báo cho đơn vị chức năng tại địa phương thu gom, xử lý theo quy định đối với chất thải lây nhiễm. Không cho chung các vật liệu xét nghiệm đã qua sử dụng vào rác thải sinh hoạt thông thường.

Mời độc giả xem thêm video

Hướng dẫn tự lấy mẫu dịch tỵ hầu xét nghiệm COVID-19 tại nhà. Nguồn: CDC Hà Nội

Hà Nội thêm gần 2.000 ca mới, 70% F0 điều trị tại nhà Hà Nội thêm gần 2.000 ca mới, 70% F0 điều trị tại nhà

SKĐS - Ngày 28/12, Hà Nội ghi nhận thêm 1.920 ca COVID-19 mới, toàn TP hiện có gần 21.000 F0 đang điều trị, trong đó khoảng 70% ca dương tính điều trị tại nhà.


Võ Thu
Ý kiến của bạn