Dự kiến bổ sung quy định ngưỡng đầu vào với ngành sức khỏe
Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ bổ sung quy định đối với ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (còn gọi là điểm sàn) từ điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT đối với khối ngành sư phạm, sức khỏe trong kỳ tuyển sinh năm 2025.
Theo đại diện ban soạn thảo dự thảo quy chế tuyển sinh trình độ đại học, trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2025, dự thảo đang được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi. Trên cơ sở những ý kiến đóng góp, ban soạn thảo quy chế dự kiến đề xuất lãnh đạo Bộ GD&ĐT một số điều chỉnh so với dự thảo đã công bố. Theo đó, ngưỡng đầu vào đối với ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề dự kiến được bổ sung quy định từ điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT. Còn trước đó, dự thảo quy định ngưỡng đầu vào với hai khối ngành này căn cứ vào kết quả học tập 3 năm học THPT.
Theo dự thảo đã công bố, quy định ngưỡng đầu vào với hai khối ngành này căn cứ vào kết quả học tập 3 năm học THPT. Tuy nhiên, với thí sinh tự do, các em không thể quay lại để cải thiện kết quả học tập THPT để đủ điều kiện tham gia xét tuyển hai khối ngành này. Việc dự kiến bổ sung quy định ngưỡng bảo đảm đầu vào đối với khối ngành sư phạm và khối ngành sức khỏe trong kỳ tuyển sinh năm 2025 nhằm tạo thêm thuận lợi cho thí sinh.
![Lưu ý khi xét tuyển vào khối ngành sức khoẻ- Ảnh 1. Lưu ý khi xét tuyển vào khối ngành sức khoẻ- Ảnh 1.](https://suckhoedoisong.qltns.mediacdn.vn/thumb_w/640/324455921873985536/2025/2/11/nganh-suc-khoe-21111a-1739270760323764521456.jpg)
Ảnh minh hoạ.
Với dự kiến điều chỉnh này, thí sinh có thể lựa chọn một trong hai căn cứ ngưỡng bảo đảm đầu vào từ điểm học tập THPT hoặc điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.
Các phương thức xét tuyển vào trường khối ngành sức khoẻ năm 2025
Theo TS. Võ Thanh Hải - Phó giám đốc thường trực Đại học Duy Tân, khối ngành khoa học sức khỏe luôn quan trọng do liên quan trực tiếp tới tính mạng con người. Chất lượng nguồn nhân lực ngành sức khỏe quyết định thể trạng và sức khỏe người dân. Vì thế, Bộ GD&ĐT đặt ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.
Năm 2024 trở về trước có 2 ngưỡng: Ngưỡng cho các phương thức không dùng điểm thi tốt nghiệp THPT và ngưỡng cho phương thức xét điểm thi THPT. Tuy nhiên năm nay chưa xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.
Đề án phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2023-2030 định hướng 2050, có một số mục tiêu tỷ lệ bác sĩ trên 1 vạn dân là 19 bác sĩ, dược sĩ là 4 và điều dưỡng là 33. Nhưng năm 2024 mới đạt 14 bác sĩ/vạn dân, thiếu 5 bác sĩ/vạn dân. Cả nước cần 632.510 nhân lực y tế nhưng hiện chỉ đạt 431.724, được đánh giá là thiếu cả số lượng lẫn chất lượng.
Hiện nay các bệnh viện công lập tỷ lệ 1,2-1,5 điều dưỡng/bác sĩ trong khi thế giới yêu cầu là 4 điều dưỡng/bác sĩ. Những thông tin trên cho thấy nhu cầu nhân lực trong khối ngành sức khỏe rất lớn. Chỉ tiêu khối ngành này 50.000-60.000, chiếm khoảng 10% tổng chỉ tiêu trong tổng số các ngành. Đây là nhóm ngành có tỷ lệ thí sinh nhập học cao trong tốp 5 nhóm ngành.
Năm 2024, trong các khối thi truyền thống, chỉ có khối B00 điểm trung bình giảm, tuy nhiên số thí sinh từ 25 trở lên chiếm tỷ lệ lớn, nên hầu hết thí sinh xét vào khối ngành sức khỏe luôn có học lực giỏi. Tỷ lệ chọi ngành Y khoa, Răng - Hàm - Mặt... chỉ 1/2, 1/3, 1/5 nhưng điểm trúng tuyển luôn cao bậc nhất do đa số thí sinh điểm cao mới đăng ký vào các ngành sức khỏe.
TS. Võ Thanh Hải thông tin, ĐH Duy Tân hiện đào tạo 6 ngành khoa học sức khỏe gồm Y đa khoa, Răng - Hàm - Mặt, Dược, Điều dưỡng, Kỹ thuật y sinh và Công nghệ sinh học. Trong đó, ngành Điều dưỡng nhiều chỉ tiêu nhất, khoảng 250 chỉ tiêu, Dược 200, Y đa khoa và Răng - Hàm - Mặt mỗi ngành 100 chỉ tiêu. Trường ứng dụng mô hình ảo để dạy học. 3 ngành được kiểm định là Y đa khoa, Dược, Điều dưỡng. Điểm chuẩn ngành Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm... thấp hơn Y đa khoa, Răng - Hàm - Mặt và Dược.
Trường Đại học Y Hà Nội năm 2025 giữ ổn định phương thức tuyển sinh, gồm: Xét tuyển thẳng; xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển kết hợp điểm thi tốt nghiệp với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế; xét tuyển dựa vào điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Trường dự kiến tuyển mới ngành Kỹ thuật hình ảnh y học và Công tác xã hội vì cho rằng nhu cầu nhân lực ở hai ngành này tăng cao.
Về tổ hợp xét tuyển, PGS.TS Lê Đình Tùng - Phó hiệu trưởng nhà trường thông tin, nhiều khả năng trường phải điều chỉnh nếu dự thảo quy chế tuyển sinh hiện tại của Bộ GD&ĐT được thông qua. Bởi Bộ dự kiến các trường phải quy đổi về một thang điểm chung giữa các tổ hợp, phương thức xét tuyển.
Trường Đại học Y Dược (Đại học Huế) dự kiến 3 phương thức xét tuyển trong năm 2025 gồm: Xét điểm thi tốt nghiệp THPT; xét kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT và chứng chỉ tiếng Anh; xét tuyển thẳng. Trong đó, phương thức xét tuyển kết hợp chỉ áp dụng với các ngành Y khoa, Răng - Hàm - Mặt, Dược học.
Tổng chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến gần 1.700 sinh viên trong năm 2025. Điểm mới đáng chú ý là Khối A02 (Toán, Vật lý, Sinh học) lần đầu được dùng để xét tuyển nhiều ngành như: Y học dự phòng, Y học cổ truyền, Điều dưỡng, Hộ sinh... Ngành Dược học lần đầu xét tuyển khối D07 (Toán, Hóa, tiếng Anh). Trường còn xét tuyển bằng khối B08 (Toán, Sinh học, Tiếng Anh) với 4 ngành Y khoa, Răng - Hàm - Mặt, Y học cổ truyền, Kỹ thuật hình ảnh y học.
Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng đã công bố phương án tuyển sinh dự kiến năm 2025, bao gồm: Xét điểm thi đánh giá năng lực; xét điểm thi đánh giá tư duy; xét chứng chỉ quốc tế hoặc kết hợp chứng chỉ với điểm thi tốt nghiệp THPT; tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT; xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Các tổ hợp xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT 2025 được giữ nguyên, gồm B00 (Toán, Hóa, Sinh), A00 (Toán, Lý, Hóa), B03 (Toán, Sinh, Văn). Trường bỏ tiêu chí phụ về điểm thi môn Ngoại ngữ.
Năm 2025, Trường Đại học Gia Định dự kiến mở thêm nhóm ngành sức khỏe như Răng -Hàm - Mặt, Điều dưỡng, Kỹ thuật phục hồi chức năng. Thí sinh có thể lựa chọn một trong ba phương thức tuyển sinh như: Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét kết quả học bạ THPT; xét kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM.
TS, Đặng Thị Ngọc Lan - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long cho biết, năm 2024 và sắp tới Trường Đại học Cửu Long tuyển 6 ngành khối sức khỏe gồm Y đa khoa, Dược, Điều dưỡng, Hộ sinh, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học. Ngoài ra, còn có Kỹ thuật y sinh. Tổng chỉ tiêu là 5.600, riêng khối sức khỏe chiếm 40% (2.200 chi tiêu). Học phí ngành Y đa khoa là 34 triệu đồng/học kỳ, Dược học 18,7 triệu đồng/học kỳ, các ngành còn lại 11,6-16 triệu đồng/học kỳ. Trường xét 2 phương thức gồm học bạ và điểm thi THPT, kèm ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD&ĐT.