Nhưng các nhà khoa học cho rằng có một yếu tố lớn tác động đến bệnh này là di truyền. Để điều trị hiệu quả, ngoài dùng thuốc thì đòi hỏi người mẹ phải lưu ý chăm sóc đặc biệt cho bé, từ việc ăn uống đến môi trường xung quanh.
Trẻ nào dễ mắc bệnh?
Nguyên nhân gây bệnh chàm sữa đến nay vẫn chưa được xác định một cách chắc chắn. Tuy nhiên, bệnh thường gặp ở trẻ có cơ địa dễ dị ứng. Với trẻ có cha mẹ mắc bệnh hen suyễn, mề đay, dị ứng da, dị ứng thời tiết... thì con cũng dễ mắc bệnh. Chính vì thế, bệnh có liên quan đến sự phối hợp của 2 yếu tố: Cơ địa dị ứng và chất gây dị ứng. Các chất gây dị ứng trong môi trường thường gặp như: bọ chét, nấm mốc, bụi... thường có trong chăn, gối, nệm, khăn trải giường, thảm. Ngoài ra, lông chó, lông mèo, gián cũng có thể gây dị ứng...
Bệnh cũng có liên quan đến những rối loạn về tiêu hóa, thức ăn (sữa, trứng...), cách cho bú, nhiễm trùng...
Những lưu ý khi dùng thuốc điều trị
Chàm sữa là một bệnh rất dễ tái phát, do đó, mục đích điều trị là nhằm làm bình thường hóa làn da, kéo dài thời gian lành bệnh, hạn chế tái phát chứ không điều trị dứt điểm hẳn được bệnh. Khi trẻ đang ở giai đoạn bị chàm sữa (nhất là giai đoạn cấp), nên được bác sĩ khám và tư vấn điều trị tại nhà, không nên nhập viện vì môi trường bệnh viện có thể làm cho bé bị nhiễm trùng thêm.
Khi trẻ bị chàm sữa cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Sử dụng thuốc
Khi tổn thương đang nổi đỏ hoặc chảy dịch thì có thể bôi các loại thuốc dạng dung dịch màu mang tính sát trùng nhẹ như milian, eosin... Dung dịch milian có chứa thành phần là xanh methylen - đây là chất có tính sát khuẩn tại chỗ, được chỉ định để điều trị nhiễm vi khuẩn, virut ngoài da cũng như chống bội nhiễm, trong đó có điều trị chàm. Tuy nhiên, không nên lạm dụng thuốc hoặc dùng kéo dài, nhất là đối với trẻ nhỏ vì dễ gây tác dụng phụ bất lợi cho trẻ như buồn nôn, đau đầu. Mà ở trẻ nhỏ khi gặp tác dụng này thường bị cha mẹ bỏ qua vì trẻ không biết kêu đau, còn triệu chứng nôn dễ bị nhầm lẫn với các nguyên nhân khác.
Đối với eosine có thể được sử dụng như một cách sát khuẩn ngoài da, tuy nhiên, thuốc chỉ được sử dụng với tổn thương nhẹ, vết thương chưa ăn sâu.
Khi tổn thương da khô, đỏ, tróc vẩy thì có thể bôi các loại kem chứa corticosteroid nồng độ thấp như eumovat trong thời gian ngắn (7 - 10 ngày). Khi tổn thương da khô, dày sừng nhiều thì có thể dùng các loại mỡ chứa corticosteroid hoặc phối hợp chất tiêu sừng như salicylic acid. Tuy nhiên, để sử dụng kem bôi hoặc thuốc mỡ có chứa corticoid này, nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa nhi hoặc chuyên khoa da liễu để sử dụng thuốc và cách bôi phù hợp và an toàn cho bé. Tránh tự ý mua thuốc bôi cho trẻ. Thực tế, đã có một số bà mẹ tự ý ra nhà thuốc mua thuốc bôi nhiều loại, trong đó có corticosteroid, bôi lâu ngày thuốc gây những tác dụng phụ khiến trẻ bị nhiễm nấm, teo da, mất màu da. Ngoài ra, corticosteroid còn có thể khiến chàm lan rộng, nặng thêm và nhiễm trùng, nếu dùng thuốc kéo dài có thể gây suy yếu tuyến thượng thận...
Lưu ý đặc biệt
Không nên đắp lá, thuốc theo dân gian vì sẽ làm bệnh nặng thêm; không nên tiêm chủng ngừa cho bé, nhất là tiêm chủng đậu mùa vì có thể dẫn đến bệnh mụn mủ dạng thủy đậu. Lúc này, trẻ có biểu hiện sốt cao, sẩn, mụn nước, bóng nước, cuối cùng thành mụn mủ lõm ở giữa, quanh mụn mủ có quầng viêm đỏ, khi lành để lại sẹo làm mặt rỗ.
Không dùng kháng sinh liều cao để điều trị chàm sữa, trừ khi bội nhiễm nhưng phải hết sức thận trọng vì dễ gây sốc phản vệ do dùng thuốc. Tốt nhất khi trẻ có dấu hiệu bội nhiễm (tổn thương sâu, có chảy dịch mủ, trẻ quấy khóc...) và cần phải dùng kháng sinh thì cần tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa một cách chặt chẽ.
Chế độ chăm sóc
Kể cả khi đã dùng thuốc đúng, các triệu chứng của bệnh đã giảm và da của trẻ đã trở nên bình thường nhưng chàm sữa là một bệnh rất dễ tái phát khi thời tiết, môi trường thay đổi hoặc khi ăn, uống những thức ăn lạ, dễ gây dị ứng... Do đó, trước hết, để hạn chế nguy cơ tái phát, trẻ cần được chăm sóc cẩn thận.
Không cho trẻ ăn những thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, thực phẩm lên men, trứng, đậu phộng...
Không nên cho trẻ tắm lâu trong nước xà phòng hay sữa tắm mà nên tắm bằng nước ấm để giúp đỡ ngứa, tránh vòng luẩn quẩn ngứa - gãi - ngứa rất dễ gây nhiễm khuẩn da.
Tránh mặc các loại quần áo bằng chất liệu len, sợi tổng hợp gây bí tắc da của trẻ. Nên cho trẻ mặc những loại quần áo mềm, làm bằng chất liệu bông để tránh làm tổn thương da.
Giữ môi trường xung quanh không quá nóng, quá lạnh hoặc thay đổi nhiệt độ quá nhanh; môi trường cần thoáng mát, không quá khô (chẳng hạn nếu trẻ ngủ trong phòng máy lạnh, nên để thêm một thau nước to nhằm cải thiện độ ẩm trong phòng).
Tránh để cơ thể trẻ đổ mồ hôi ẩm ướt, vệ sinh sạch sẽ cho trẻ thường xuyên.