Lưu ý khi tập luyện ở người bệnh chán ăn tâm thần

16-08-2024 16:30 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Người bệnh chán ăn tâm thần thường hạn chế lượng ăn vào so với nhu cầu và nhiều trường hợp do tập thể dục quá mức để kiểm soát trọng lượng. Vậy với những người bệnh này nên tập luyện như thế nào?

1. Vai trò của tập luyện với người bệnh chán ăn tâm thần

Chán ăn tâm thần là tình trạng rối loạn ăn uống đặc trưng bởi sự hạn chế một cách thái quá với thức ăn và có nỗi sợ mãnh liệt với việc tăng cân.

Do đó, họ hạn chế việc ăn vào so với nhu cầu, dẫn đến trọng lượng cơ thể thấp và nhiều người lựa chọn tập thể dục quá mức để kiểm soát trọng lượng.

Chính vì vậy, bên cạnh việc điều trị, người bệnh cần được bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn, theo dõi sát sao việc tập luyện để đạt được một số lợi ích của tập luyện như:

- Khôi phục lại sự mất cân bằng trong cả cơ thể và tâm trí.

- Nâng cao chất lượng cuộc sống.

- Giải tỏa chứng trầm cảm, lo âu, tức giận và giúp người bệnh đạt được sự bình tĩnh, thư giãn và thanh thản.

- Giảm táo bón, khó tiêu và các bệnh khác.

- Kiểm soát cảm xúc và làm giảm những suy nghĩ ám ảnh.

Lưu ý khi tập luyện ở người bệnh chán ăn tâm thần- Ảnh 1.

Người bệnh chán ăn tâm thần cần cân nhắc kỹ trước khi tập luyện.

2. Người bệnh chán ăn tâm thần cần lưu ý gì khi tập luyện?

Với người bệnh chán ăn tâm thần, nhiều trường hợp thực hiện tập thể dục quá mức với mục đích kiểm soát trọng lượng, tuy nhiên, điều này ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và kết quả điều trị. Do đó, cả người chăm sóc và người bệnh cần hiểu rõ biểu hiện và những tác hại của tập luyện quá mức để có cách thức tập luyện phù hợp.

Biểu hiện tập luyện quá mức:

  • Tập thể dục cản trở các hoạt động quan trọng trong cuộc sống và diễn ra trong những bối cảnh và thời điểm không phù hợp.
  • Duy trì chế độ tập thể dục cứng nhắc, quá mức bất chấp bệnh tật, biến chứng y khoa, chấn thương, mệt mỏi hoặc thời tiết.
  • Nếu không thể tập thể dục, người bệnh cảm thấy đau khổ, lo lắng, cáu kỉnh, tội lỗi hoặc trầm cảm.
  • Cảm thấy khó chịu khi nghỉ ngơi hoặc không hoạt động.
  • Tránh xa gia đình, bạn bè và các hoạt động xã hội để tập thể dục nhiều hơn.
  • Sử dụng bài tập như một cách để thanh lọc hoặc đốt cháy calo.
  • Thể tập thể dục một cách bí mật.
  • Người bệnh có thể liên tục cảm thấy như thể họ không nỗ lực đủ mạnh và không đủ nhanh khi tập thể dục…

Những tác hại của tập thể dục quá mức với chứng chán ăn tâm thần bao gồm:

- Tăng nguy cơ biến chứng y khoa: Tập thể dục quá mức (và thường là bất kỳ loại tập thể dục nào) ở những người mắc chứng chán ăn tâm thần có thể nguy hiểm như dẫn đến các vấn đề về tim, chấn thương, mất cân bằng điện giải, gãy xương, thậm chí đột tử. Cụ thể:

+ Các vấn đề về tim: Khi tập luyện, tim thường đập nhanh hơn để cung cấp máu cho cơ bắp. Ở những người mắc chứng chán ăn tâm thần thường có nhịp tim chậm, không thể thực hiện nhiệm vụ đập mạnh hơn và nhanh hơn trong khi tập luyện mà còn có thể khiến tim căng thẳng quá mức.

+ Chấn thương: Những người tập luyện quá mức thường tập luyện trong nhiều giờ, ép cơ thể phải làm việc quá sức trong mỗi buổi tập. Tuy nhiên, do người bệnh hạn chế bữa ăn nên họ có thể không có đủ chất dinh dưỡng cần thiết để phục hồi mô. Do đó, tình trạng cơ bị kéo, gân bị đau và dây chằng bị căng có thể trở nên tồi tệ hơn sau mỗi lần tập luyện.

+ Mất cân bằng điện giải: Mồ hôi của con người có chứa muối. Những nguyên tố này cần thiết cho quá trình giao tiếp giữa các tế bào và cơ thể không thể hoạt động bình thường khi các chất dự trữ bị cạn kiệt. Những người mắc chứng chán ăn tâm thần đã có vấn đề về điện giải do thói quen ăn uống, nhưng việc tập thể dục quá mức có thể làm tình trạng này trở nên tồi tệ hơn.

+ Gãy xương: Một số hình thức tập luyện khiến xương yếu của người bệnh chán ăn tâm thần có nguy cơ bị gãy như sử dụng máy tập tạ, chạy trên đường gồ ghề và chơi các môn thể thao đối kháng.

- Kết quả điều trị kém: Tập thể dục quá mức không chỉ có thể gây ra các biến chứng y khoa nghiêm trọng ở những người mắc chứng chán ăn thần kinh mà còn liên quan đến kết quả điều trị kém.

- Căng thẳng tâm lý lớn hơn: Tập thể dục quá mức ở người lớn mắc chứng chán ăn tâm thần có liên quan trực tiếp đến mức độ căng thẳng tâm lý cao hơn, bao gồm trầm cảm, lo lắng, ám ảnh cưỡng chế và ảnh hưởng tiêu cực mạn tính.

Hơn nữa, tập thể dục quá mức đã được chứng minh là làm tăng mối quan tâm về cân nặng và hình dạng cơ thể, nỗ lực để gầy, không hài lòng về cơ thể… cuối cùng, dẫn đến căng thẳng tâm lý và làm trầm trọng thêm các triệu chứng chán ăn tâm thần.

Mặc dù có một số lợi ích của việc tập luyện với người bệnh chán ăn tâm thần nhưng tập luyện cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và quá trình điều trị bệnh. Do đó, bản thân người bệnh và người nhà (hỗ trợ người bệnh) cần thực hiện theo đúng hướng dẫn của bác sĩ về cách thức, thời gian và cường độ tập luyện để tránh những hậu quả đáng tiếc.

3. Một số bài tập tham khảo cho người mắc chán ăn tâm thần

Tư thế trái núi (Tadasana)

Tác dụng: Cải thiện sự cân bằng của cơ thể và sức khỏe đường ruột đồng thời làm giảm các vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm, lo âu, mất phương hướng.

Cách thực hiện:

  • Đứng thẳng trên mặt đất, gót chân chạm vào nhau và hai bàn chân hơi tách ra.
  • Luôn giữ cho lòng bàn chân tiếp đất và hai tay duỗi thẳng ở hai bên.
  • Nhìn về phía trước và giữ nguyên tư thế này trong 5 phút. Nghỉ một phút và lặp lại ba lần.
tư thế núi

Tư thế trái núi.

Tư thế rắn hổ mang (Bhujangasana)

Tác dụng: Tư thế rắn hổ mang không chỉ giúp loại bỏ mỡ bụng mà còn chữa các rối loạn tiêu hóa như táo bón và đầy hơi. Tư thế này cũng cải thiện sự bình tĩnh về mặt tinh thần và dần dần giúp điều trị chán ăn tâm thần.

Cách thực hiện:

  • Nằm sấp và đặt đầu xuống đất, đặt hai tay ở hai bên ngực.
  • Từ từ, ấn lòng bàn tay và nâng cơ thể lên khỏi thân mình trong khi kéo căng cơ lưng và bụng.
  • Duỗi cánh tay và giữ cho bả vai ép vào lưng.
  • Nhìn chằm chằm vào một điểm trên trần nhà và giữ tư thế này trong khoảng 15-30 giây và thở ra khi bạn trở lại vị trí bắt đầu.
rắn hổ mang

Tư thế rắn hổ mang.

Tư thế cánh cung (Dhanurasana)

Tác dụng: Tư thế cánh cung giúp giảm các vấn đề về lưng, thúc đẩy tiêu hóa, điều trị táo bón, đau bụng và cũng làm giảm các triệu chứng ho và cảm lạnh.

Cách thực hiện:

  • Nằm sấp và nâng cả hai chân, thân mình về phía sau.
  • Duỗi thẳng cánh tay về phía sau và nắm lấy cả hai bàn chân bằng tay.
  • Giữ tư thế này càng lâu càng tốt và hít vào bình thường.
  • Trở lại tư thế ban đầu và lặp lại tư thế này 5-6 lần.
cánh cung

Tư thế cánh cung.

Tư thế cái cày (Halasana)

Tác dụng: Một trong những tư thế tốt nhất giúp giảm chứng rối loạn ăn uống và giải quyết các vấn đề về tiêu hóa.

Cách thực hiện:

  • Nằm ngửa, nâng cả hai chân lên cao.
  • Uốn cong cơ thể và cố gắng duỗi chân lên cao hơn đầu để chạm đất bằng các ngón chân.
  • Giữ tư thế này trong 10-15 giây, thư giãn trong một phút và lặp lại lần nữa.
cái cày

Tư thế cái cày.

Tư thế em bé

Tác dụng: Thư giãn, nghỉ ngơi, giảm căng thẳng, làm dịu tinh thần và cải thiện tiêu hóa.

Cách thực hiện:

  • Bắt đầu bằng tư thế ngồi quỳ xuống sàng, mông đặt lên gót chân.
  • Khi đã cảm thấy thoải mái, hãy mở rộng hông và đầu gối nhưng vẫn giữ hai ngón chân cái chạm nhau.
  • Gập người về phía trước, giữa hai đùi, hai tay đặt xuôi theo thân hoặc duỗi thẳng về phía trước, lòng bàn tay úp xuống sàn.
  • Giữ tư thế trong 30 giây.

Các hoạt động thể chất khác

Người bệnh chán ăn tâm thần có thể thực hiện một số hoạt động cường độ thấp khác như đi bộ nhẹ nhàng, đi dạo quanh khu nhà, làm vườn…

Người nhà cũng có thể cùng thực hiện các biện pháp này, trò chuyện, tâm sự… giúp người bệnh hướng suy nghĩ vào những vấn đề tích cực hơn.

Với người bệnh chán ăn tâm thần, trước khi thực hiện bất kỳ bài tập nào đều nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị cũng như những hướng dẫn cần thiết để việc tập luyện không làm trầm trọng thêm bệnh.

Mời bạn xem tiếp video:

Cải thiện tình trạng chán ăn ở người cao tuổi | SKĐS



Thanh Tú
Ý kiến của bạn