Hà Nội

Lưu ý khi tập luyện hỗ trợ nâng cao sức khỏe cho người bệnh ung thư âm hộ

03-11-2024 16:11 | Tra cứu bệnh

SKĐS – Việc tập luyện có ý nghĩa quan trọng đối với bệnh nhân ung thư âm hộ, giúp tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ cơ thể duy trì liệu trình điều trị liên tục và hiệu quả, cải thiện chất lượng cuộc sống.

1. Vai trò tập luyện với người bệnh ung thư âm hộ

Ung thư âm hộ thường gặp ở phụ nữ từ 35-55 tuổi liên quan dến nhiễm virus HPV và nhóm người lớn tuổi (55-85 tuổi) mãn kinh lâu năm, liên quan đến những rối loạn biểu mô do viêm nhiễm mãn tính, xơ teo âm hộ. 

Các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư âm hộ là do yếu tố nội tiết, suy giảm miễn dịch, nhiễm virus HPV ở các khối u vùng âm hộ… Nếu không được điều trị, ung thư âm hộ có thể đe dọa đến tính mạng.

Theo ThS.BS Lê Võ Minh Hương (Bệnh viện Từ Dũ), biểu hiện của ung thư âm hộ rất đa dạng, có thể chỉ một khối u hoặc vết loét trên âm hộ. Chúng thay đổi màu da hoặc nốt sưng ở bẹn, người bệnh có thể có cảm giác ngứa, rát hoặc viêm đau. Việc điều trị ung thư âm hộ phụ thuộc vào giai đoạn bệnh. Tế bào ung thư thường cần được loại bỏ bằng phẫu thuật và người bệnh có thể cần hóa trị, xạ trị.

Với bệnh nhân ung thư âm hộ cần xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp và tập luyện bài tập nhẹ nhàng để cải thiện sức khỏe. Việc tập luyện thể dục đúng cách, đều đặn sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch, cải thiện khả năng chống lại nhiễm trùng và hỗ trợ cơ thể chống lại sự phát triển của tế bào ung thư. Tập luyện có thể giúp cải thiện tiêu hóa, hỗ trợ cơ thể hấp thụ dinh dưỡng tốt hơn, điều này rất quan trọng khi cơ thể cần bổ sung các chất dinh dưỡng để phục hồi tốt hơn.

Nghiên cứu mới đây của Đại học Sydney đã cho thấy mối liên hệ giữa việc tập thể dục trong thời gian ngắn đối với nguy cơ phát triển các bệnh ung thư. Nghiên cứu kết luận rằng, chỉ 4 - 5 phút "hoạt động thể chất theo lối sống gián đoạn" mỗi ngày có thể giảm 31-32% tỷ lệ phát triển ung thư.

Trong quá trình tập luyện làm tăng hormone hạnh phúc (như endorphin, dophamin), giúp giảm căng thẳng, lo âu, và trầm cảm. Điều này đặc biệt quan trọng vì tinh thần lạc quan sẽ giúp quá trình điều trị trở nên hiệu quả hơn. Tập thể dục nhẹ nhàng có thể giúp giảm mệt mỏi, tăng cường năng lượng, cải thiện tâm trạng. Các bài tập như đi bộ, yoga nhẹ, hít thở sâu giúp bệnh nhân cảm thấy khỏe khoắn và sảng khoái hơn.

Ngoài ra, vận động có thể giúp giảm tác dụng phụ của hóa trị và xạ trị, như đau nhức, mất ngủ. Tập luyện còn giúp tăng sức bền, giảm nguy cơ nhiễm trùng, từ đó hỗ trợ bệnh nhân duy trì liệu trình điều trị liên tục và hiệu quả.

Lưu ý khi tập luyện hỗ trợ nâng cao sức khỏe cho người bệnh ung thư âm hộ- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

2. Các bài tập giúp nâng cao sức khỏe với người ung thư âm hộ

Bài tập cho người bệnh ung thư âm hộ có thể giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, hỗ trợ giảm căng thẳng, tăng cường tuần hoàn máu, duy trì sức mạnh cơ bắp. Tuy nhiên, khi thực hiện bài tập, mọi người nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có hiệu quả và an toàn. Trong giai đoạn này cần tập bài tập nhẹ nhàng.

2.1. Bài tập thở sâu

Ngồi hoặc nằm ở tư thế thoải mái, đặt tay lên bụng. Hít vào từ từ qua mũi, để bụng phồng lên, sau đó thở ra chậm qua miệng.

Thực hiện bài tập thở sâu mỗi ngày trong 5–10 phút giúp giảm căng thẳng và cải thiện lưu thông máu.

2.2. Bài tập co giãn cơ sàn chậu (Kegel)

Co cơ sàn chậu (cơ để giữ nước tiểu), giữ trong 3–5 giây rồi thả lỏng. Lặp lại 10–15 lần, 2–3 lần mỗi ngày giúp hỗ trợ cơ sàn chậu, ngăn ngừa suy yếu sau phẫu thuật hoặc xạ trị.

2. 3. Đi bộ nhẹ nhàng

Bài tập này giúp cải thiện lưu thông máu, giảm căng thẳng và duy trì sự dẻo dai. Mỗi ngày thực hiện đi bộ từ 10–20 phút hoặc tùy sức khỏe cá nhân.

2.4. Các bài tập Yoga

Bài tập yoga giúp giải toả căng thẳng, tăng sự dẻo dai của hệ cơ xương. Đồng thời các động tác mềm mại, hít thở sâu giúp tăng cường sức đề kháng, giảm rối loạn phụ khoa, đào thải độc tố nâng cao thể chất toàn thân.

2.5. Giãn cơ nhẹ nhàng

Có thể thực hiện các bài giãn cơ đơn giản như xoay cổ, vai, tay để tránh cứng cơ và giúp thư giãn cơ thể.

Ngoài ra mọi người cần lưu ý tránh những bài tập gây áp lực cho vùng chậu như:

+ Bài tập có trọng lượng hoặc đối kháng nặng như Squats (ngồi xổm) với tạ hay Deadlifts (nâng tạ từ sàn) có thể tạo áp lực lớn lên vùng chậu, không phù hợp cho người bệnh.

+ Bài tập gập bụng hoặc bài tập cơ bụng nặng

•Sit-ups và crunches: Các động tác này dồn lực lên bụng và cơ vùng chậu, không tốt cho người bệnh ung thư âm hộ.

•Leg raises (nâng chân thẳng): Động tác này tạo áp lực lên cơ bụng dưới, có thể ảnh hưởng đến vùng chậu.

+ Chạy bộ cường độ cao hoặc nhảy bật.

•Chạy bộ với tốc độ cao hoặc nhảy bật gây tác động mạnh và tạo áp lực lên vùng chậu.

•Aerobic cường độ cao: Nhảy nhót và di chuyển nhanh không phù hợp, nhất là khi người bệnh vừa trải qua phẫu thuật.

Lưu ý khi tập luyện hỗ trợ nâng cao sức khỏe cho người bệnh ung thư âm hộ- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ.

3. Lưu ý khi tập luyện với người ung thư âm hộ

Tập luyện không chỉ hỗ trợ thể chất mà còn giúp cải thiện tinh thần, giúp bệnh nhân ung thư âm hộ chống lại bệnh tật một cách hiệu quả hơn, làm giảm tác dụng phụ của điều trị và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, người ung thư âm hộ cần lưu ý khi tập luyện:

+ Tham khảo ý kiến bác sĩ: Mỗi bệnh nhân có mức độ sức khỏe khác nhau nên cần thảo luận với bác sĩ để chọn lựa bài tập phù hợp. Nếu thấy đau hoặc khó chịu, nên dừng ngay bài tập và tham khảo ý kiến chuyên gia.

+ Luyện tập theo khả năng cơ thể chứ không nên tập quá sức. Hãy bắt đầu từ cường độ thấp và tăng dần nếu cảm thấy khỏe hơn.

+ Duy trì lịch trình ổn định: Tập luyện đều đặn và kiên trì sẽ giúp tối đa hóa lợi ích, từ đó tăng cường sức khỏe và hỗ trợ quá trình hồi phục tốt hơn.

Bác sĩ phát hoảng vì có “dòi” trong âm hộ bệnh nhân ung thư âm hộBác sĩ phát hoảng vì có “dòi” trong âm hộ bệnh nhân ung thư âm hộ

SKĐS - BS. Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1, BV Ung bướu TP. Hồ Chí Minh cho biết, các bác sĩ của khoa vừa thực hiện ca phẫu thuật khối u âm hộ “có một không hai” đó là khối ung thư âm hộ đã có dòi.


An Khánh
Ý kiến của bạn