Lưu ý khi sử dụng thuốc trì hoãn kinh nguyệt

27-06-2022 14:21 | An toàn dùng thuốc

SKĐS – Bạn đang chuẩn bị đi du lịch hoặc có sự kiện đặc biệt. Tuy nhiên, kỳ kinh nguyệt lại đang đến gần? Làm thế nào để trì hoãn?

Dùng thuốc trì hoãn kinh nguyệt: Cần lưu ý điều gì?Dùng thuốc trì hoãn kinh nguyệt: Cần lưu ý điều gì?

SKĐS - Nhiều chị em để chuẩn bị cho những sự kiện quan trọng như biểu diễn, du lịch... đã sử dụng thuốc trì hoãn kinh nguyệt.

1. Thuốc viên trì hoãn kinh nguyệt là gì?

Trong nhiều năm qua, các bác sĩ đã kê toa thuốc viên nội tiết tố để trì hoãn kinh nguyệt. Thuốc chứa một loại hormone nhân tạo, tương tự như progesterone của cơ thể, giúp trì hoãn sự kết thúc của một chu kỳ tự nhiên - cuối cùng là trì hoãn một kỳ kinh. Thuốc này chỉ được sử dụng cho những phụ nữ chưa sử dụng viên uống tránh thai kết hợp.

Lưu ý khi sử dụng thuốc trì hoãn kinh nguyệt - Ảnh 2.

Thông thường, viên uống hoãn kinh là lựa chọn tiện lợi cho nhiều người.

2. Sự xuất hiện kinh nguyệt diễn ra như thế nào

Thời gian của kỳ kinh được kiểm soát bởi những thay đổi nội tiết tố diễn ra hàng tháng. Hormone estrogen do buồng trứng sản xuất ra làm cho niêm mạc tử cung dày lên trong 2 tuần đầu mỗi tháng. Sau khi rụng trứng, progesterone (một loại hormone khác) sẽ duy trì niêm mạc tử cung đó trong 2 tuần tiếp theo để chuẩn bị cho sự xuất hiện của trứng đã thụ tinh. Nhưng nếu không có thai, nồng độ progesterone giảm mạnh - khiến tử cung bong ra và bắt đầu có kinh.

3. Thuốc trì hoãn kinh nguyệt hoạt động thế nào?

Thuốc hoãn kinh nguyệt có chứa norethisterone, một chất nhân tạo của progesterone. Thuốc hoạt động bằng cách giữ cho mức progesterone trong cơ thể cao hơn với thời gian lâu hơn, cuối cùng là trì hoãn sự xuất hiện của kỳ kinh. Thông thường chỉ có thể trì hoãn kinh nguyệt khi sử dụng những viên thuốc này trong khoảng 2 tuần sau khi niêm mạc tử cung dày lên.

4. Cách sử dụng thuốc

Dùng thuốc khoảng ba ngày trước khi đến hạn kinh nguyệt. Uống ba lần một ngày và tiếp tục uống cho đến ngày muốn trì hoãn kinh (tối đa là 17 ngày dùng thuốc). Thời gian trì hoãn sẽ đến khoảng 2 hoặc 3 ngày sau khi ngừng sử dụng viên norethisterone. Tuy nhiên, cơ địa mỗi phụ nữ khác nhau nên hiệu quả và thời gian chậm kinh có thể khác nhau.

5. Thuốc trì hoãn kinh nguyệt không phải là biện pháp tránh thai

Mặc dù thuốc có thể làm chậm kinh tạm thời nhưng thuốc không phải là một biện pháp tránh thai và do đó, không thể được sử dụng để tránh thai. Những phụ nữ không sử dụng biện pháp tránh thai hoặc sử dụng biện pháp tránh thai không chứa nội tiết tố (như vòng tránh thai bằng đồng) sẽ cần tiếp tục thực hiện các biện pháp tránh thai trong khi sử dụng viên thuốc làm chậm kinh nếu không muốn có thai.

Phụ nữ sử dụng viên uống tránh thai kết hợp không nên sử dụng norethisterone để làm chậm kinh. Nếu muốn trì hoãn kinh nguyệt, có thể bỏ qua thời gian nghỉ không dùng thuốc và bắt đầu vỉ tiếp theo. Điều này không có hại và không ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của viên thuốc tránh thai.

Một số tác dụng phụ của thuốc trì hoãn kinh nguyệt phổ biến nhất là mụn trứng cá, kinh nguyệt ra ít, thay đổi tâm trạng, giảm ham muốn tình dục, đau vú hoặc buồn nôn…

6. Những ai không nên sử dụng thuốc trì hoãn kinh nguyệt?

Một số phụ nữ không nên sử dụng norethisterone để trì hoãn kinh nguyệt:

  • Phụ nữ đang hoặc có thể mang thai
  • Phụ nữ mới sinh con và đang cho con bú
  • Phụ nữ bị u gan, ung thư vú và một số bệnh lý không phổ biến khác.

Cách thức mà norethisterone được chuyển hóa trong cơ thể cũng có thể làm tăng khả năng hình thành cục máu đông. Vì vậy, những phụ nữ đã từng bị đông máu trước đó hoặc có nguy cơ đông máu cao hơn nên tránh sử dụng viên thuốc trì hoãn kinh nguyệt.

Vì lý do tương tự, điều quan trọng đối với bất kỳ phụ nữ nào dùng thuốc viên trì hoãn kinh nguyệt là phải cung cấp đủ nước và di chuyển thường xuyên, đặc biệt là trên các chuyến bay dài.

Norethisterone cũng có thể tương tác với một số loại thuốc được kê đơn (chẳng hạn như thuốc chống động kinh hoặc chống lao), do đó khi dùng thuốc làm chậm kinh cần lưu ý phòng tránh sự tương tác bất lợi này.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Hậu covid- Phục hồi chức năng cho người mắc COVID-19 nhẹ và không triệu chứng

DS. Hoàng Vân
(Theo medicalxpress.com, 15/6/2022)
Ý kiến của bạn