Hà Nội

Lưu ý khi sử dụng thuốc người tái nhiễm COVID-19

19-03-2022 09:14 |
google news

SKĐS - Tình trạng tái nhiễm COVID-19 hiện nay không còn hiếm gặp. Vậy F0 tái nhiễm cần phải lưu ý những gì trong việc dùng thuốc để bệnh không chuyển nặng?

Theo thống kê của Bộ Y tế, tính từ đầu dịch tới ngày 18/3/2022, Việt Nam ghi nhận hơn 7.559.801 ca nhiễm COVID-19 trong đó có hàng triệu người được chữa khỏi và ra viện. Tuy nhiên khỏi bệnh không đồng nghĩa với việc không bị tái nhiễm bệnh trong tương lai. Thực tế cho thấy nguy cơ tái nhiễm COVID-19 tương đối cao, từ 20-50% trên tổng số ca nhiễm.

Các nguyên nhân gây tái nhiễm

Các chuyên gia y tế cho biết, nguyên nhân chính khiến chúng ta gặp phải tình trạng tái nhiễm COVID-19 đó chính là sự xuất hiện của các biến chủng mới. Delta, Alpha, Beta, Omicron,...được coi là những biến chủng được tìm thấy nhiều nhất và phổ biến nhất hiện nay. Thông thường khi người bệnh bị nhiễm một biến thể của SARS-CoV-2 thì sau khi khỏi bệnh, cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể tự nhiên và chỉ có thể chống lại chính loại virus của biến thể đó.

Vậy nên, việc tái nhiễm trên cùng một biến chủng là rất hiếm, nhưng tái nhiễm do một biến chủng mới của COVID-19 lại phổ biến. Để hạn chế nguy cơ tái nhiễm người dân nên thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K để tránh tiếp xúc với các biến chủng mới nguy hiểm.

Nguyên nhân thứ hai đó chính là bệnh nhân chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ. Những trường hợp chưa được tiêm vaccine có nguy cơ tái nhiễm và di chứng cao hơn rất nhiều so với người đã được trang bị đủ các mũi vaccine.

Lưu ý khi sử dụng thuốc cho F0 tái nhiễm - Ảnh 1.

Những người chưa tiêm vaccine có nguy cơ tái nhiễm và di chứng cao hơn so với người đã tiêm đủ các mũi vaccine. Ảnh minh họa

Lưu ý khi sử dụng thuốc cho F0 tái nhiễm

Trong lần nhiễm bệnh đầu tiên, chúng ta sẽ thực hiện điều trị theo phác đồ được các bác sĩ chỉ định và kê đơn dựa vào tình trạng sức khỏe của mỗi F0. Nhưng trong lần điều trị tái nhiễm, chúng ta có được phép tự ý sử dụng đơn thuốc cũ hay không?

Trao đổi với PV Sức khỏe và Đời sống, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y dược TP.HCM cho biết, quá trình điều trị F0 lần đầu và tái nhiễm không liên quan nhiều với nhau. Mỗi lần điều trị sẽ được coi là một lần mắc bệnh mới. Việc điều trị và sử dụng thuốc như thế nào còn tùy thuộc vào tình trạng thực tế của từng ca bệnh. Vậy nên khi bị tái nhiễm chúng ta không nên sử dụng lại đơn thuốc cũ.

Thông thường những trường hợp đã tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ nhưng tái nhiễm thì nguy cơ chuyển nặng thấp hơn rất nhiều so với người chưa được tiêm vaccine và nhiễm lần đầu.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ thêm nếu như tái nhiễm thì chúng ta nên điều trị theo nguy cơ của người nhiễm. Theo đó, có thể điều trị bằng thuốc đặc trị Molnupiravir và điều trị theo triệu chứng. Nếu như ho thì có thể dùng thuốc ho, sốt thì  dùng thuốc hạ sốt.

Để tình trạng bệnh nhân nhiễm bệnh không chuyển biến xấu thì chúng ta không nên nghe theo những hướng dẫn điều trị từ bên ngoài, lời truyền tai hay mạng xã hội,... Người bệnh nên nghỉ ngơi đầy đủ, vận động nhẹ nhàng, uống nhiều nước, có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và phù hợp, nếu cần thiết cũng có thể bổ sung thêm các loại vitamin. Nếu bệnh chuyển nặng, F0 cần liên hệ y tế ngay để được điều trị kịp thời.

Ai có nguy cơ tái nhiễm COVID-19 cao hơn?Ai có nguy cơ tái nhiễm COVID-19 cao hơn?

SKĐS - Ngoài việc đã có những người lần 1 nhiễm biến chủng Delta, lần 2 nhiễm Omicron, trên thực tế đã có những báo cáo y khoa ghi nhận các trường hợp lần trước nhiễm biến chủng Omicron BA.1 sau đó vẫn tái nhiễm với biến chủng BA.2.


Phạm Hương
Ý kiến của bạn