Lưu ý khi sử dụng thuốc long đờm trong điều trị viêm phế quản

09-06-2023 14:30 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Trong điều trị viêm phế quản, thuốc long đờm đóng vai trò khá quan trọng để giúp tống chất nhầy ra khỏi đường hô hấp. Điều quan trọng là phải biết dùng thuốc đúng cách.

Viêm phế quản mùa nắng nóng: Nguyên nhân, triệu chứng và thuốc điều trịViêm phế quản mùa nắng nóng: Nguyên nhân, triệu chứng và thuốc điều trị

SKĐS - Thời tiết nắng nóng khắc nghiệt có thể trực tiếp hoặc gián tiếp tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh viêm đường hô hấp phát triển mạnh, trong đó có viêm phế quản.

1. Tại sao cần dùng thuốc long đờm trong trị viêm phế quản?

Viêm phế quản thường gây tiết nhiều đờm, khi khạc nhổ đờm có thể có màu trắng trong, vàng, xanh hoặc đục như mủ. Đờm là chất nhầy được tiết ra từ tế bào đường hô hấp dưới, thành phần bao gồm bạch cầu mủ, hồng cầu, tế bào miễn dịch, có thể chứa những chất được hít vào phổi.

Các thuốc long đờm có tác dụng làm chất nhầy ra khỏi đường hô hấp dễ dàng hơn.

photo-1686149151813

Viêm phế quản khiến người bệnh ho, khò khè, khó thở…

2. Các loại thuốc long đờm thường dùng

2.1. Thuốc làm tăng dịch tiết

Các thuốc này có tác dụng làm tăng tiết dịch trên đường hô hấp, làm tăng thể tích và giảm độ nhớt của các chất tiết. Đồng thời, làm tăng hoạt động của hệ thống lông mao tạo điều kiện cho việc đẩy nhanh các chất nhầy ra khỏi đường hô hấp.

Thuốc có 2 cơ chế tác dụng:

- Kích thích các receptor tăng bài tiết dịch ở đường hô hấp, nhưng đồng thời cũng gây tăng tiết dịch vị ở dạ dày do đó gây ra đau dạ dày, nôn... chính vì vậy, cần thận trọng ở những người có tiền sử loét dạ dày - tá tràng.

Một số thuốc long đờm thường dùng là natri iodid và kali iodid... Khi dùng kéo dài các thuốc này có thể gây tích lũy iod nên không dùng làm thuốc ho cho trẻ em, phụ nữ có thai và người bị bướu giáp.

- Kích thích trực tiếp các tế bào xuất tiết: Thường dùng các tinh dầu bay hơi như terpin, gaicol, eucallyptol... Những tinh dầu này còn có tác dụng sát khuẩn. Không dùng gaicol cho trẻ em dưới 30 tháng tuổi.

photo-1686149161465

Các thuốc long đờm có tác dụng làm chất nhầy ra khỏi đường hô hấp dễ dàng hơn.

2.2. Thuốc làm tiêu chất nhày

Các thuốc này làm thay đổi cấu trúc, dẫn đến giảm độ nhớt của chất nhầy, vì vậy các "nút" nhầy có thể dễ dàng di chuyển ra khỏi đường hô hấp nhờ hệ thống lông chuyển hoặc sự khạc đờm. Những thuốc có nhóm thiol tự do (như acetylcystein) có tác dụng cắt đứt các cầu nối disulfit –S –S – của các sợi mucopolysaccharid, nên làm lỏng dịch tiết của niêm mạc phế quản.

Tuy nhiên, các thuốc tiêu chất nhầy có thể phá vỡ hàng rào chất nhầy bảo vệ ở dạ dày, do đó, phải thận trọng ở những người có tiền sử loét dạ dày - tá tràng.

Một số thuốc tiêu chất nhầy thường dùng:

- N-acetylcystein: Thuốc có tác dụng tiêu đờm tốt, tác dụng lên chất nhầy thông qua việc cắt đứt cầu nối disulfit của các glycoprotein cao phân tử, từ đó làm giảm độ nhớt, loãng chất nhầy và thông thoáng đường thở. Lưu ý, không dùng ở người có tiền sử hen do nguy cơ phản ứng co thắt phế quản.

Một số tác dụng không mong muốn thường gặp của thuốc long đờm bao gồm: Buồn nôn, nôn, buồn ngủ, nhức đầu, phản ứng dị ứng. Không dùng đồng thời với các thuốc chống ho hoặc các thuốc làm giảm bài tiết dịch phế quản.

- Bromhexin: Thuốc này giúp làm tăng sự xâm nhập của một số loại kháng sinh vào dịch bài tiết phế quản, tăng khả năng đáp ứng tốt với kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn.

Tuy nhiên, khi dùng cần thận trọng ở người có tiền sử loét dạ dày - tá tràng, bệnh hen, suy gan hoặc suy thận nặng. Các tác dụng không mong muốn của thuốc như rối loạn tiêu hóa, tăng nhẹ enzym gan, chóng mặt, nhức đầu, phát ban ở da.

- Ambroxol: Về mặt tiền lâm sàng thì thuốc được chứng minh làm tăng bài tiết đường hô hấp nhờ tăng sản xuất chất có hoạt tính bề mặt ở phổi đồng thời kích thích hoạt động của các vi nhung mao. Từ đó giúp cải thiện lưu lượng cũng như sự vận chuyển của đờm nhầy. Sự tăng tiết dịch cùng với tác dụng thanh thải của chất nhầy bằng nhung mao tạo điều kiện ho và tống đờm ra ngoài.

3. Cần lưu ý gì khi dùng thuốc long đờm?

Để sử dụng thuốc long đờm hiệu quả, an toàn, người bệnh cần lưu ý:

- Các thuốc long đờm chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị ho có đờm trong viêm phế quản, do đó, cần tránh lạm dụng hay sử dụng bừa bãi. Thời gian dùng thường từ 8-10 ngày, tránh dùng kéo dài.

- Không nên dùng đồng thời thuốc long đờm với thuốc chống ho, giảm bài tiết dịch phế quản vì khiến đờm sẽ tiết nhiều hơn và không khạc ra được, làm tăng nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn, gây xẹp phế nang.

- Khi sử dụng các thuốc long đờm, cần phối hợp vỗ rung hoặc hút đờm (nếu cần thiết) để đờm có thể thoát ra ngoài dễ dàng hơn. Không dùng cho những bệnh nhân suy nhược, quá yếu hoặc không thể khạc đờm vì sẽ càng tăng ứ đờm trong đường hô hấp khiến bệnh nặng thêm.

- Người bệnh có tiền sử một số bệnh lý cần thận trọng khi sử dụng thuốc: Bệnh hen do thuốc có thể khởi phát cơn co thắt phế quản, bệnh lý dạ dày do thuốc có thể làm tăng tiết dịch vị dạ dày...

Xem thêm video đang được quan tâm:

Những lưu ý cho người viêm da cơ địa mùa nắng nóng.

DS. Phạm Quỳnh Như
Bệnh viện Trung ương Huế
Ý kiến của bạn