Dùng metformin điều trị đái tháo đường type 2 cần lưu ý gì?

15-12-2022 14:08 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Đái tháo đường và biến chứng tim mạch có mối liên quan mật thiết. Bệnh làm gia tăng gánh nặng cho người bệnh và xã hội bởi chi phí điều trị cũng như giảm năng suất lao động...

1. Đái tháo đường làm tăng gấp đôi biến cố tim mạch

Theo BSCK2. Nguyễn Thị Lựu (Phó Khoa thận - Tiết niệu, BV Nội tiết TW), đái tháo đường (ĐTĐ) làm tăng gấp đôi biến cố tim mạch. Trong đó các biến cố về bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não và các bệnh về mạch máu khác rất thường gặp. Bệnh lý ĐTĐ với biến cố tim mạch làm giảm kỳ vọng sống của bệnh nhân, chiếm tới 52% các trường hợp tử vong do ĐTĐ type 2.

Việc phát hiện và điều trị sớm với thuốc metformin đã được chứng minh có hiệu quả giảm đường huyết cao trong nhóm uống thuốc. Đồng thời, thuốc cũng mang lại lợi ích trên tim mạch ở bệnh nhân ĐTĐ, giúp giảm biến chứng và tăng tỉ lệ sống còn.

Tác dụng của metformin điều trị đái tháo đường type 2 - Ảnh 1.

Kiểm soát tốt đường huyết để tránh các biến chứng nguy hiểm ở bệnh nhân đái tháo đường.

2. Vai trò của metformin trong điều trị đái tháo đường type 2

Metformin là một thuốc trong nhóm biguanide để điều trị ĐTĐ type 2 khi không thể kiểm soát đường huyết chỉ bằng chế độ ăn và tập thể dục. Metformin hoạt động thông qua việc giảm sản xuất glucose ở gan, giảm đề kháng insulin và giảm lượng đường hấp thu qua ruột. Thuốc có thể sử dụng đơn trị liệu hoặc phối hợp với các nhóm thuốc điều trị ĐTĐ khác.

Thuốc giúp kiểm soát đường huyết tốt và không gây tăng cân, được chỉ định cho các trường hợp thừa cân, béo phì. Thuốc cũng có hiệu quả hạ đường huyết tương đương ở các trường hợp không béo phì.

Hiện nay, metformin được sản xuất và lưu hành dưới các dạng:

- Viên nén giải phóng tức thì: Được chỉ định khởi trị với liều thấp dùng 1 hoặc 2 lần/ngày tùy chỉ định của bác sĩ. Sau đó tăng dần liều đến khi thuốc đạt hiệu quả kiểm soát đường huyết tối đa (không quá 2500mg/ngày) mà ít gây tác dụng phụ nhất. Nên uống thuốc nguyên viên, không nghiền, không nhai, sau bữa ăn sáng và tối.

- Viên nén phóng thích kéo dài: Khởi trị với liều từ 500-1000mg 1 lần/ngày. Sau đó tăng dần liều đến khi thuốc đạt hiệu quả kiểm soát đường huyết tốt nhất. Liều tối đa không quá 2500mg/ngày.

Lưu ý: Nếu sử dụng dạng phóng thích kéo dài nhưng không đạt được mức đường huyết mong muốn, cần xem xét việc chia liều. Nếu cần dùng mức liều cao hơn, nên phối hợp với dạng giải phóng tức thời hoặc dùng phối hợp với thuốc hạ đường huyết khác.

Ngoài dạng viên nén, thuốc còn được bào chế dưới dạng gói bột uống, dung dịch uống nhằm phù hợp cho từng trường hợp.

Ngoài tác dụng giúp ổn định đường huyết, metformin còn có tác dụng giảm biến cố mạch máu, giảm mỡ máu.

Tác dụng của metformin điều trị đái tháo đường type 2 - Ảnh 2.

Thuốc phải uống nguyên viên với nước lọc, không nghiền hoặc nhai nát thuốc.

3. Vai trò của metformin trong phòng ngừa biến cố tim mạch

Trong các nghiên cứu của Hiệp hội nghiên cứu về ĐTĐ châu Âu (EASD), Hiệp hội đái tháo đường Vương quốc Anh (DUK), theo dõi bệnh nhân sử dụng metformin trong 10 năm trở lên đã cho kết quả:

  • Cải thiện sống còn không biến cố ở bệnh nhân ĐTĐ can thiệp mạch vành.
  • Giảm tử vong ở bệnh nhân ĐTĐ type 2 có biến cố tim mạch.
  • Giảm tử vong ở bệnh nhân ĐTĐ type 2 mới chẩn đoán suy tim.
  • Cải thiện biến cố tim mạch ở bệnh nhân ĐTĐ có suy thận mạn.
  • Ngoài ra, metformin có thể làm giảm nồng độ triglyceride, LDL-cholesterol trong máu.

Do đó, dù là thuốc ra đời và được sử dụng khá lâu, đến nay cũng có nhiều loại thuốc hạ đường huyết mới ra đời, nhưng metformin vẫn là một nhóm thuốc lựa chọn đầu tay điều trị ĐTĐ type 2 được Hiệp hội ĐTĐ Hoa Kỳ (ADA) và Hiệp hội nghiên cứu về Đái tháo đường châu Âu (EASD) đồng thuận năm 2022, BSCK2. Nguyễn Thị Lựu cho biết.

4. Lưu ý khi sử dụng metformin

Khi được chẩn đoán ĐTĐ type 2 và kê thuốc metformin, cần sử dụng đúng hướng dẫn của bác sĩ. Nếu không may quên 1 liều, nên dùng liều tiếp theo vào thời gian thông thường. Tuyệt đối không uống dồn hai liều cùng một lúc để bù thuốc cho liều quên. Nếu quá liều thuốc, có thể dẫn đến việc hạ đường huyết nghiêm trọng hoặc nhiễm acid lactic. Do vậy khi không may uống quá liều, hãy gọi cấp cứu hoặc nhanh chóng đến ngay cơ sở y tế để được theo dõi.

Cách tốt nhất là hẹn giờ uống thuốc, chia thuốc đều vào các hộp có ghi chú ngày, thứ… để tránh việc quên uống thuốc hoặc uống lặp lại liều trong ngày.

Tác dụng phụ phổ biến nhất của metformin là ảnh hưởng trên đường tiêu hóa với các rối loạn: Buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy. Các triệu chứng này liên quan đến liều dùng và thường xuất hiện lúc mới bắt đầu sử dụng thuốc. Do đó, thuốc được khởi đầu với liều thấp và tăng liều từ từ; nên uống cùng lúc với bữa ăn để giảm các tác dụng phụ này.

Do metformin ức chế sự hấp thu vitamin B12, do đó, sử dụng metformin thời gian dài có thể gây thiếu vitamin B12. Nên bổ sung vitamin B12 để cơ thể không thiếu chất này, dẫn đến thiếu máu, mệt mỏi và rối loạn cảm xúc

Tình trạng toan chuyển hóa tăng acid lactic (hiếm gặp) và hạ đường huyết (rất thấp và thường khi quá liều thuốc) là hai tình huống cấp cứu có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Do đó, hãy chú ý các dấu hiệu cảnh báo sau đây.

Các dấu hiệu cảnh báo bị nhiễm acid lactic:

  • Đau bụng, nôn.
  • Đau cơ bất thường
  • Cảm thấy lạnh.
  • Choáng váng, chóng mặt, mệt mỏi.
  • Nhịp tim không đều.
  • Khó thở.

Cần gọi cấp cứu ngay nếu gặp 1 trong các triệu chứng trên sau khi sử dụng metformin.

Các dấu hiệu cảnh báo hạ đường huyết:

  • Cảm thấy rất đói.
  • Chóng mặt.
  • Lo lắng.
  • Run
  • Vã mồ hôi.

Tác dụng phụ gây hạ đường huyết của metformin là rất thấp, có thể gặp khi kết hợp với insulin hoặc sulfonylureas. Nếu gặp một trong các triệu chứng trên, cần ăn hoặc uống ngay thức ăn chứa đường có tác dụng nhanh như: Kẹo, nước đường, nước hoa quả, bánh quy…

Mời độc giả xem thêm video:

Sốt xuất huyết - Những sai lầm khiến bệnh chuyển nặng

Nguyễn Hà
Ý kiến của bạn