1. Nguyên nhân gây đau dạ dày
Đau dạ dày, một tình trạng bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến, xảy ra khi dạ dày bị tổn thương. Khi bị đau dạ dày, người bệnh cảm thấy đau âm ỉ, khó chịu. Ăn quá no hoặc quá đói, làm việc quá sức, căng thẳng... đều có thể bị đau.
Bệnh tác động không nhỏ đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người mắc, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng, đồng thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
Bệnh nhân bị đau dạ dày có các biểu hiện: Đau thượng vị, ăn uống kém hơn, ợ hơi, ợ chua, ợ nóng, cảm giác buồn nôn, nôn, chảy máu tiêu hóa.
Nguyên nhân gây đau dạ dày chủ yếu là do: Việc tăng tiết và dư acid dạ dày, stress, vi khuẩn H.Pylori, thói quen ăn uống không khoa học, do lạm dụng thuốc…
2. Các thuốc trị đau dạ dày
3.1. Thuốc kháng acid (antacid)
Tăng (dư thừa acid dịch vị) là một trong những nguyên nhân đau dạ dày. Thuốc kháng acid có tác dụng trung hòa acid dịch vị, giúp giảm nhanh các triệu chứng do dư thừa acid dạ dày gây ra như: Ợ nóng, trào ngược acid dạ dày, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa,…
Đau dạ dày gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Một số thuốc thuộc nhóm trung hòa acid dịch vị như nhôm hydroxyd, magie hydroxyd, natri bicarbonate, canxi carbonat… Thuốc có tác dụng nhanh và mạnh, tuy nhiên, chỉ giúp giảm các triệu chứng tức thời mà không điều trị tận gốc nguyên nhân của bệnh.
Nhôm hydroxyd có khả năng gây táo bón, ion nhôm kết hợp với phosphate tạo muối theo phân ra ngoài, khi dùng kéo dài gây nguy cơ cạn kiệt phosphate dẫn đến hiện tượng nhuyễn xương.
Magie hydroxyd trung hòa acid tạo muối magie có tính chất hút nước, làm lỏng phân gây tiêu chảy; thuốc được thải qua thận, do vậy khi sử dụng các chế phẩm có magie cần thận trọng với bệnh nhân suy thận.
Natri bicarbonate, canxi carbonate là các antacid có tác dụng nhanh, mạnh, tuy nhiên phản ứng trung hòa tạo khí CO2 gây chướng bụng, ợ hơi. Nếu sử dụng lâu dài có khuynh hướng gây nhiễm kiềm chuyển hóa, tạo muối chứa natri gây phù giữ nước, đồng thời, có thể gây tăng tiết gastrin dẫn đến HCl lại được tiết nhiều hơn trước. Do vậy, ngày nay, các antacid hòa tan này ít còn sử dụng trên lâm sàng.
Lưu ý:
- Uống thuốc lúc bụng đói cho tác dụng trung hòa ngắn (15-20 phút) còn khi dùng 1 giờ sau bữa ăn, tác động của antacid sẽ kéo dài hơn (3-4 giờ).
- Nếu sử dụng dạng thuốc viên, cần nhai thuốc thật kỹ trước khi nuốt để giảm đau nhanh hơn.
- Thuốc dạng hỗn dịch cần lắc đều chai thuốc trước khi dùng.
- Khi sử dụng thuốc dạng dung dịch uống, không nên sử dụng đồng thời với các loại nước ngọt hoặc các đồ uống khác. Tuy nhiên, bạn có thể hòa thuốc với chút nước lọc để dễ uống hơn.
Ngoài ra, antacid còn gây tương tác với nhiều loại thuốc, điển hình là làm giảm hấp thu các tetracyclin, fluroquinolone, digoxin, sắt ở đường tiêu hoá, làm tăng thải trừ salicylat ở thận. Vì vậy, nếu đang dùng các loại thuốc khác, để tránh làm giảm hiệu quả, không nên uống các loại thuốc này trong khoảng 2 - 4 giờ sau khi sử dụng antacid.
Bên cạnh đó, cũng không nên dùng rượu khi uống thuốc antacid vì làm cho dạ dày bị kích ứng và khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
Thuốc kháng acid có tác dụng nhanh và mạnh trong trị bệnh đau dạ dày.
3.2. Thuốc ức chế bơm proton (PPI)
Nhóm thuốc PPI như omeprazole, esomeprazole, rabeprazole, lansoprazole, pantoprazole được sử dụng rộng rãi trong việc điều trị các triệu chứng liên quan đến tăng tiết acid dịch vị. Đây được xem là nhóm thuốc ức chế tiết acid mạnh nhất do tác động lên bơm H+/K+ ATPase tức là con đường cuối cùng bơm acid vào trong lòng dạ dày.
Bản thân thuốc ức chế bơm proton là 1 tiền chất, cần được hoạt hóa trong môi trường acid để tạo thành dạng có hoạt tính, do vậy, không nên dùng cùng lúc với các thuốc kháng tiết acid khác như antacid, thuốc kháng histamin H2, misoprostol hay somatostatin.
Để đảm bảo hiệu quả cao, nên dùng PPI trước bữa ăn đầu tiên trong ngày do bơm proton được huy động nhiều nhất trong tế bào thành sau thời gian nhịn đói kéo dài. Thông thường, bác sĩ kê đơn uống thuốc vào mỗi buổi sáng, 30-60 phút trước khi ăn sáng, để kiểm soát axit dạ dày trong ngày. Nếu dùng liều PPI thứ 2, nên uống thuốc lúc 30-60 phút trước bữa ăn tối.
Một số lưu ý khi sử dụng PPI bao gồm:
- Rà soát việc dùng thuốc PPI kéo dài trên bệnh nhân, cân nhắc có nên tiếp tục sử dụng hay giảm liều PPI không.
- Trao đổi, tư vấn để bệnh nhân nắm được về nguy cơ tăng tiết acid hồi ứng có thể xảy ra sau khi ngừng sử dụng thuốc ức chế bơm proton.
- Sử dụng PPI trong thời gian ngắn nhất đạt hiệu quả.
Việc dùng PPI kéo dài có thể gây các tác dụng không mong muốn như làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường ruột Clostridium difficile, viêm phổi; giảm hấp thu canxi, ức chế hoạt động tạo cốt bào gây loãng xương, gãy xương, giảm hấp thu magia, vitamin B12, sắt…
3.3. Thuốc kháng histamin H2
Thuốc kháng histamin H2 ngăn cản bài tiết dịch vị do bất kỳ nguyên nhân nào làm tăng tiết histamin tại dạ dày (cường phó giao cảm, thức ăn, gastrin, bài tiết cơ sở). Các thuốc kháng histamin H2 phổ biến có thể kể đến như cimetidine, ranitidine, famotidine, nizatidine...
Chú ý, trước khi dùng thuốc kháng histamin H2 trong điều trị đau dạ dày, phải loại trừ khả năng ung thư dạ dày, đặc biệt ở người từ trung niên trở lên vì thuốc có thể che lấp các triệu chứng, làm chậm chẩn đoán ung thư.
Những tác dụng không mong muốn chủ yếu gặp ở cimetidine bao gồm tiêu chảy, buồn nôn, đau cơ, phát ban, chứng vú to ở nam giới, giảm ham muốn tình dục, chảy sữa không do sinh đẻ ở phụ nữ… Hầu hết các thuốc nhóm này (trừ famotidin) gây ra Hội chứng Disulfiram gây nôn, nhức đầu, do đó trong thời gian dùng thuốc không nên uống rượu, bia.
3.4. Các thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày
Thuốc sucralfate: Thuốc tác dụng theo cơ chế tạo hàng rào bảo vệ niêm mạc dạ dày. Trong môi trường acid dịch vị, thuốc chuyển sang dạng phức hợp do đó có khả nặng bám vào niêm mạc vùng bị tổn thương. Thường dùng liều 1-4 lần/ngày, uống thuốc lúc bụng đói ít nhất 1 giờ trước bữa ăn. Tác dụng không mong muốn của sulcralfate bao gồm táo bón, khô miệng...
Bismuth: Thuốc giúp tạo hàng rào bảo vệ niêm mạc dạ dày, kích thích tạo prostaglandin, tăng tiết chất nhầy. Ngoài ra, bismuth còn có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn H.Pylori, do đó, thường được phối hợp trong điều trị viêm loét dạ dày dương tính với H.Pylori.
Misoprostol: Là chất tổng hợp tương tự prostaglandin E1, có tác dụng ức chế tiết acid dạ dày, làm lành vết loét dạ dày. Thuốc được dùng chủ yếu để dự phòng loét dạ dày tá tràng gây ra bởi thuốc chống viêm không steroid.
Tác dụng phụ thường gặp của thuốc bao gồm: Đau bụng, tiêu chảy (30%), gây co bóp tử cung do đó làm trầm trọng hơn tình trạng đau bụng kinh, có thể gây sẩy thai. Chính vì vậy, không dùng thuốc ở phụ nữ có thai.
3.5. Thuốc kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn H.Pylori
Các kháng sinh quan trọng nhất dùng trong điều trị vi khuẩn H.Pylori bao gồm clarithromycin, metronidazol, amoxicillin và levofloxacin. Thông thường, phác đồ diệt H. Pylori phải được phối hợp nhiều nhóm kháng sinh, bệnh nhân cần tuân thủ đúng liều lượng và thời gian điều trị, thường là trong 14 ngày nhằm giảm khả năng tái phát và đề kháng.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Phương pháp loại bỏ căng thẳng trước khi ngủ.