Hà Nội

Lưu ý khi sử dụng bàn chải và kem đánh răng

15-08-2019 16:36 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Bàn chải và kem đánh răng là vật dụng cần thiết để vệ sinh răng miệng hàng ngày cho cả người lớn và trẻ em. Việc này được xem là một thói quen không thể thiếu trong bảo vệ sức khỏe răng miệng. Tuy vậy, bạn cần lưu ý khi sử dụng để mang lại hiệu quả tốt.

Miệng con người có hàng trăm loại vi khuẩn có lợi lẫn có hại ẩn núp, đặc biệt là phần sau lưỡi. Các vi khuẩn này sống nhờ vào các thức ăn còn mắc kẹt, sót lại ở răng miệng; đồng thời tạo ra một vài loại acid và mùi hôi. Acid ăn mòn răng làm sâu răng và rụng răng, mùi hôi của sulfur làm bốc hơi khó chịu khi thở và nói... Để khắc phục vấn đề này, việc sử dụng bàn chải và kem đánh răng hàng ngày là biện pháp cần thiết giúp cho răng trắng, sạch, loại bỏ được các vi khuẩn có hại, bảo đảm vệ sinh răng miệng tốt.

Sử dụng bàn chải đánh răng đúng cách

Bàn chải đánh răng xuất hiện khá lâu ở Trung Quốc vào năm 1498 với hình thức rất đơn giản lúc đầu. Sau đó theo thời gian, bàn chải được phát triển qua nhiều giai đoạn lịch sử, đến nay chúng được sản xuất dưới nhiều hình dáng, kích thước, màu sắc khác nhau nhưng cơ bản vẫn là cán và bàn chải bằng sợi nhựa tổng hợp; sợi nhựa có thể cứng, cứng vừa hoặc mềm, đầu bàn chải thẳng hoặc hơi cong để có thể tác động đến các vùng xa bên trong hốc răng miệng.

Dùng bất cứ loại bàn chải nào với sợi nhựa tổng hợp mềm cũng đều có tác dụng loại bỏ những mảnh vụn thức ăn bám kẹt lại trong răng miệng nếu dùng đúng cách để phòng tránh sâu răng, viêm lợi răng và xương hàm; đây là một trong ba nguyên nhân gây rụng răng ở người trưởng thành. Tuy vậy, bàn chải thường chỉ loại bỏ được khoảng 70 đến 80% thức ăn và chất bẩn bám trên răng, phần còn lại bị mắc kẹt ở các khe nhỏ giữa hai răng phải nhờ đến sự can thiệp của chỉ nha khoa để loại bỏ. Chỉ nha khoa là một loại chỉ tơ mềm thay thế cho việc dùng tăm tre cổ truyền, nếu sử dụng tăm tre không đúng cách có thể gây ảnh hưởng xấu cho lợi răng; đôi khi các nhà sản xuất thường tẩm vào chỉ nha khoa kháng sinh, fluoride và chất tạo mùi thơm.

Lưu ý khi sử dụng bàn chải và kem đánh răngTám bước chải răng đúng cách.

Về cách sử dụng, trước khi đánh răng nên súc miệng với một vài ngụm nước để loại bỏ mảnh vụn thức ăn còn đọng lại ở răng miệng và vi khuẩn. Nhiều người dùng chỉ nha khoa để lấy thức ăn còn kẹt ở giữa khe răng rồi mới đánh răng. Nặn kem đánh răng lên bàn chải và đánh răng nhẹ nhàng, chà mặt trước và mặt sau của lợi răng, đánh răng theo chiều lên xuống hoặc xoay vòng để có thể lấy hết mảnh vụn thức ăn và chất bẩn bám ở khe răng. Khi chà mặt sau răng, nên nghiêng bàn chải 45 độ về phía lợi răng nơi có nhiểu chất vôi và vi khuẩn bám vào làm hư chân răng. Cần chải các răng kể cả lợi răng ở góc sâu bên trong hốc miệng, nơi có nhiều mảnh vụn thức ăn và vi khuẩn ẩn núp ít khi được chú ý.

Sau khi vệ sinh mặt ngoài và mặt trong của răng, phải chải cả mặt nhai của răng nữa. Sau đó tiếp tục dùng bàn chải nhẹ nhàng chải lưỡi để loại bỏ vi khuẩn bám trên đó thường gây ra mùi hôi miệng. Cuối cùng súc miệng nhiều lần với nước cho sạch miệng. Thời gian cho mỗi lần đánh răng nên thực hiện khoảng 2 đến 3 phút và nên thay bàn chải đánh răng mới cứ mỗi 3 hoặc 4 tháng một lần vì nếu dùng bàn chải quá cũ, các sợi nhựa tổng hợp bị xơ làm cho khả năng chải sạch mảnh vụn thức ăn và vi khuẩn bị hạn chế, đồng thời có thể gây tổn thương cho lợi răng.

Một điều cũng cần lưu ý là sau thời gian bị mắc bệnh, nên thay bàn chải mới để tránh nhiễm mầm bệnh còn ẩn núp, dính lại trong các sợi nhựa của bàn chải; không nên dùng bàn chải đánh răng chung với người khác để tránh nhiễm vi khuẩn gây bệnh và nước miếng có hại. Việc dùng bàn chải kết hợp với kem đánh răng được khẳng định là một biện pháp tốt để bảo vệ sức khỏe răng miệng, nên đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày, tốt nhất là sau mỗi bữa ăn như một thói quen sinh hoạt.

Lựa chọn kem đánh răng phù hợp

Cùng với bàn chải, kem đánh răng cũng đã xuất hiện rất sớm và được sản xuất từ nhiều nguồn nguyên liệu thô khác nhau lúc đầu, sau đó chúng phát triển theo thời gian để có loại kem đánh răng như ngày nay chúng ta đang sử dụng. Hiện nay mỗi nhà sản xuất có một công thức riêng cho sản phẩm kem đánh răng để cung cấp trên thị trường nhưng chúng đều có chung một số chất liệu chính là fluoride, chất mài cọ và chất tẩy với tác dụng khác nhau.

Fluoride là chất quan trọng nhất vì chúng có tác dụng lên men răng, giúp men răng chống lại sự ăn mòn của chất chua trong thức ăn hoặc do các vi khuẩn sinh ra. Chất mài cọ như calcium phosphate, calcium carbonate và silica có tác dụng đánh tan vết ố màu và mảnh vôi bám ở trên răng, giúp cho răng sạch bóng hơn, hàm lượng của chất mài cọ chỉ vừa phải để tránh men răng bị mòn quá mức. Chất tẩy như sodium lauryl sulfate làm cho kem có dạng bọt, giữ được kem ở trong hốc miệng không chảy ra khỏi bàn chải; tuy vậy trong một số ít trường hợp người có nhạy cảm với hóa chất này thì có thể gây loét niêm mạc miệng nhẹ. Ngoài ra, còn có các chất giữ độ ẩm cho kem, làm kem cô đặc; chất bảo quản, tạo mùi thơm, tạo vị ngọt, tạo màu...

Khi mua kem đánh răng cần chọn loại kem có fluoride, ít chất gây loét miệng và làm mòn men răng. Mỗi lần đánh răng chỉ nên nặn một ít kem trên bàn chải là đủ, riêng trẻ em cần dùng kem đánh răng dành cho trẻ em, giúp trẻ vừa dễ đánh răng lại không gây hại cho trẻ, dùng lượng kem vừa đủ cho trẻ làm sạch răng miệng.

Tóm lại, để vệ sinh răng miệng, chúng ta cần có thói quen sử dụng bàn chải và kem đánh răng một cách khoa học để có răng miệng chắc khỏe, sáng đẹp, góp phần hiệu quả cho việc tiêu hóa thức ăn, bảo đảm hấp thu dinh dưỡng; đồng thời cũng mang lại tính thẩm mỹ khi ăn, khi nói, khi cười với hàm răng trắng đẹp, xinh tươi.


BS. Nguyễn Trâm Anh
Ý kiến của bạn