Hà Nội

Lưu ý khi dùng thuốc trị nấm âm đạo

24-02-2020 10:00 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Khí hậu ẩm ướt kéo dài đã tạo điều kiện thuận lợi để một số bệnh phát triển, trong đó có bệnh nấm âm đạo thường xảy ra ở phụ nữ mọi lứa tuổi.

Khi có biểu hiện nghi ngờ, nên đi khám để có chỉ định điều trị bằng thuốc phù hợp, không để bệnh kéo dài gây biến chứng hoặc dùng thuốc theo quảng cáo hay mách bảo của người khác.

Nấm âm đạo gây bệnh chủ yếu là Candida albican với tỷ lệ 80 - 92%. Tuy vậy, bệnh cũng có thể do các loại nấm khác như Candida glabrata hoặc Candida krusei. Bệnh nấm âm đạo thường chỉ xảy ra ở âm đạo nhưng nếu không phát hiện, điều trị kịp thời sẽ có thể lây lan ra các khu vực lân cận, thậm chí có khả năng gây bệnh nấm toàn thân. Triệu chứng đặc trưng thường gặp là tăng dịch tiết ở âm hộ, âm đạo; âm hộ và âm đạo đỏ, sưng phù, đau rát khó chịu, ngứa dữ dội, đau khi đi tiểu và khi giao hợp... Nếu phát hiện các triệu chứng, nên đi khám để chẩn đoán xác định nhằm có biện pháp điều trị phù hợp, không nên để kéo dài gây nhiều biến chứng.

Các loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh nấm âm đạo là thuốc chống nấm dưới dạng thuốc dùng tại chỗ đường âm đạo hoặc bằng đường uống tùy theo từng trường hợp. Trong điều trị bệnh nấm âm đạo, không những chỉ chữa trị cho người bệnh bị nhiễm nấm mà còn phải chữa trị cho cả bạn tình. Một số thuốc sau có thể dùng:

Clotrimazole

Sử dụng có hiệu quả để điều trị bệnh nấm âm đạo do Candida gây ra dưới dạng kem và viên nén. Kem sản xuất với nồng độ 2% dùng để bôi vào âm đạo mỗi buổi tối 1 lần trước khi đi ngủ trong 3 ngày liên tiếp, tuy nhiên, nếu cần thiết có thể kéo dài thời gian sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Viên nén dùng mỗi ngày 1 viên đưa vào âm đạo buổi tối trước khi đi ngủ trong 3 ngày liên tiếp. Ngoài dạng kem và viên nén, thuốc còn được sản xuất dưới dạng thuốc đặt âm đạo dùng trước khi đi ngủ trong 3 ngày liên tiếp. Các tác dụng phụ có thể gặp là buồn nôn hoặc khó chịu ở dạ dày, nôn mửa, ngứa, cảm giác khó chịu trong miệng.

Nấm Candida albican gây bệnh nấm âm đạo.

Nấm Candida albican gây bệnh nấm âm đạo.

Econazole

Được sử dụng rộng rãi trong điều trị bệnh nấm âm đạo dưới dạng thuốc đặt âm đạo hàm lượng 150mg, kem nồng độ 1% và thuốc rửa nồng độ 0,1%. Thuốc đặt âm đạo dùng mỗi ngày 1 viên vào buổi tối trước khi đi ngủ trong thời gian 3 ngày. Kem bôi vào âm đạo mỗi ngày 1 lần buổi tối trước khi đi ngủ trong thời gian khoảng 2 tuần. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định kéo dài thêm thời gian. Thuốc rửa không nên sử dụng điều trị đơn thuần mà nên xem là biện pháp hỗ trợ điều trị nấm âm đạo bằng đường uống. Tác dụng phụ thường gặp là bị nóng rát, đau nhức, sưng, ngứa, mẩn đỏ, nổi u như mụn, đau hoặc bong da... Thuốc có thể gây tương tác với một số loại thực phẩm, đồ uống, thuốc khác làm tăng nguy cơ gây tác dụng phụ; vì vậy, nên báo với bác sĩ các loại thuốc đang dùng để ngăn ngừa.

Miconazole

Đây là thuốc chữa trị nấm âm đạo khá hiệu quả, đặc biệt đối với các trường hợp nhiễm nấm Candida. Thuốc được sản xuất dưới dạng thuốc đặt âm đạo viên trứng, viên nang mềm, kem và dung dịch. Tùy theo tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ kê dùng dạng thuốc nào hoặc phối hợp giữa các dạng dùng. Dung dịch được sử dụng như một biện pháp hỗ trợ điều trị, không nên dùng đơn thuần. Tác dụng phụ có thể gặp như phát ban, khó thở; sưng mặt, môi, lưỡi hoặc họng... phản ứng có thể nặng hơn; cũng có thể giảm vị giác, ho, khô miệng, đau và khó chịu ở miệng và lưỡi, đau đầu, mệt mỏi... Thuốc có khả năng tương tác với nhiều loại thuốc khác nên cần có chỉ định của bác sĩ điều trị.

Itraconazole

Thường điều trị nấm âm đạo dưới dạng thuốc uống và thuốc tiêm. Nếu sử dụng thuốc uống, uống 3 ngày liên tiếp; cũng có thể dùng hàm lượng lớn hơn uống trong 1 ngày duy nhất. Để bảo đảm liều lượng chính xác, cần có chỉ định của bác sĩ cho từng bệnh nhân. Tác dụng phụ thường gặp là tiêu chảy, táo bón, đầy hơi, buồn nôn nhẹ; mùi vị khó chịu trong miệng; ngứa nhẹ hoặc da nổi đỏ; đau khớp, đau cơ hay yếu cơ; đau đầu, chóng mặt; chảy nước mũi hoặc triệu chứng cảm lạnh...

Tóm lại, khi phát hiện có những biểu hiện nghi ngờ về bệnh nấm âm đạo, cần đi khám bác sĩ để có chỉ định điều trị bằng thuốc phù hợp. Lưu ý thuốc không được sử dụng trong các trường hợp đang mang thai hoặc đang có kinh nguyệt, không quan hệ tình dục sau khi đặt thuốc, không thụt rửa âm đạo tùy tiện, không sử dụng thuốc ngừa thai hay nạo phá thai khi điều trị, nên mặc quần lót thoáng mát và thay quần lót thường xuyên, vệ sinh sinh dục thật tốt...


BS. NGUYỄN TRÂM ANH
Ý kiến của bạn