Các acid này sẽ lắng đọng trong khớp, gây viêm, sưng đỏ, đau. Thuốc có thể giúp khống chế các cơn gút cấp và phòng ngừa tái phát. Tuy nhiên người bệnh cần phải dùng đúng cách để đạt hiệu quả điều trị và an toàn...
Các thuốc điều trị
Khi được bác sĩ chẩn đoán mắc gút, một số thuốc sau có thể được sử dụng trong điều trị:
Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID): Thường dùng như indomethacin, naproxen. Hai thuốc này được dùng trị cơn gút cấp, có tác dụng giảm đau khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện.
Ở những người có tiền sử mẫn cảm với một trong hai thuốc này và các thuốc chống viêm không sterroid khác; những người có tiền sử viêm mũi dị ứng; hen phế quản; nổi mày đay khi dùng aspirrin hay các thuốc chống viêm không steroid khác; người bệnh loét dạ dày tá tràng; suy gan, suy thận nặng... không được dùng hai thuốc này. Ngoài ra, người bệnh nên đọc kỹ hưỡng dẫn sử dụng để biết thêm những trường hợp không được dùng trong từng thuốc cụ thể.
Không dùng dạng đạn trực tràng cho người bị viêm hậu môn hoặc chảy máu hậu môn. Do thuốc có tác dụng không mong muốn trên đường tiêu hóa (một số bất lợi thường gặp như nôn, buồn nôn, đau vùng thượng vị, trướng bụng, chảy máu đường tiêu hóa) nên trong quá trình điều trị cần theo dõi các triệu chứng bất thường ở đường tiêu hóa, nhất là với những người bệnh đang dùng thuốc chống đông máu. Khi có triệu chứng chảy máu đường tiêu hóa phải ngừng thuốc ngay. Thuốc có thể làm giảm sự tập trung, chú ý nên cần thận trọng dùng với người điều khiển máy móc, lái xe. Có thể giảm thiểu tác dụng có hại đường tiêu hóa của thuốc bằng cách uống thuốc ngay sau bữa ăn (khi no) hoặc uống với chất kháng acid.
Thuốc corticoid: Loại corticosteroid phổ biến nhất dùng trong trường hợp này là prednisone. Tuy nhiên, đối với người bệnh loãng xương, rối loạn tâm thần, loét dạ dày, loét tá tràng, đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tim... cần dùng thuốc một cách thận trọng, bởi thuốc có thể làm trầm trọng thêm các bệnh này. Vì vậy, khi dùng thuốc, người bệnh cần phối hợp chặt chẽ với bác sĩ điều trị để theo dõi các triệu chứng bất thường có thể xảy ra, theo dõi diễn tiến của các bệnh này, nếu thấy các triệu chứng xấu đi phải báo ngay cho bác sĩ biết, để được xử lý kịp thời, thích hợp. Đối với những người phải điều trị dài hạn với prednisone, thậm chí phải bổ sung canxi để dự phòng loãng xương (theo chỉ định của bác sĩ). Ngoài ra cũng cần lưu ý, prednisolon có thể gây viêm loét dạ dày, nên khi dùng thuốc nên uống sau bữa ăn hoặc dùng cùng thuốc kháng acid để khắc phục hoặc hạn chế bất lợi này.
Thuốc colchicin: Thuốc này dùng trong trường hợp các NSAID và corticoid không có tác dụng. Colchicin còn được dùng để chẩn đoán viêm khớp do gút (nếu có đáp ứng với trị liệu bằng colchicin thì chứng tỏ là có tinh thể urat vì tinh thể này khó bị phát hiện, nhất là khi chỉ bị ở các khớp nhỏ). Tuy nhiên, thuốc có thể gây buồn nôn, nôn, đau bụng. Khi dùng liều cao có thể gây tiêu chảy nặng, chảy máu dạ dày - ruột, nổi ban, tổn thương thận. Cần ngừng dùng colchicin nếu có các triệu chứng rối loạn tiêu hóa trên vì đó là các dấu hiệu báo động sớm về khả năng có thể sẽ bị ngộ độc nặng hơn. Trị liệu chỉ được tiếp tục khi hết các triệu chứng trên và thường sau 24 - 48 giờ. Có thể dùng các thuốc chống tiêu chảy hay thuốc làm chậm nhu động ruột để điều trị tiêu chảy do colchicin gây ra.
Trong điều trị gút cấp, người bệnh cần tuân thủ về liều lượng và thời gian dùng của thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Đau và sưng khớp thường giảm sau 12 giờ và thường hết hẳn sau khi dùng thuốc 48 - 72 giờ. Nếu uống lại thì đợt uống mới phải cách lần uống cũ 2 - 3 ngày.
Thuốc ngăn ngừa tái phát: Các thuốc như allopurinol, probenecid... có tác dụng làm giảm nồng độ acid uric trong máu, nên được dùng để ngăn ngừa tái phát gút hoặc cơn đau do gút gây ra. Tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh bác sĩ sẽ kê liều thích hợp (liều khởi đầu, liều duy trì) với mỗi bệnh nhân. Nên uống thuốc cùng thức ăn hoặc ngay sau bữa ăn và uống với nhiều nước để giảm kích ứng dạ dày và nên dùng thuốc thường xuyên tại cùng thời điểm mỗi ngày để màn lại hiệu quả cao nhất.
Người bệnh cần tuân thủ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Những lưu ý khi dùng thuốc
Tùy thuộc vào mức độ bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc (có thể một thuốc hoặc phối hợp nhiều thuốc) cho phù hợp. Người bệnh cần tuân thủ các chỉ định của thầy thuốc về liều dùng, thời gian dùng... Nếu người bệnh không tuân thủ điều trị, sẽ làm cho các triệu chứng của bệnh nghiêm trọng hơn, gây nhiều biến chứng như: Tổn thương khớp, sỏi thận, u cục tophi...
Trước khi dùng thuốc, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng đi kèm sản phẩm, để hiểu thêm về thuốc mình đang sử dụng, nhất là những nguy cơ có thể xảy ra để biết cách phòng tránh hoặc cùng với bác sĩ xử lý kịp thời, thích hợp (nếu xảy ra); tái khám đúng hẹn mới đánh giá được hiệu quả của điều trị.
Trong điều trị gút, ngoài dùng thuốc người bệnh cần thay đổi chế độ ăn uống để giúp kiểm soát bệnh: Tránh ăn nội tạng động vật (thận, tim, gan) và các thực phẩm từ nội tạng động vật (patê gan, xúc xích,...); ngừng uống rượu, hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa nhiều purine (chim cút, thịt thú rừng, trứng cá tuyết, trứng cá muối, sò điệp, cá cơm, cá mòi...); uống nhiều nước và tập thể dục hàng ngày...