Vì sao mắc bệnh?
Hắc lào (còn gọi là lác) là từ dân gian được sử dụng để chỉ bệnh ngoài da do vi nấm gây nên. Tác nhân gây bệnh thuộc nhóm Dermatophytes và thường gặp nhất là 2 loại: trychophyton và epidermophyton. Đây là một bệnh da phổ biến. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, gặp nhiều ở tuổi thanh thiếu niên và trung niên, nam nhiều hơn nữ.
Nguyên nhân mắc bệnh hắc lào là vệ sinh thân thể kém, ít tắm gội trong khi cơ thể có nhiều mồ hôi, tạo điều kiện cho vi nấm dễ dàng gây bệnh. Bơi lội tại vùng có nước bẩn, là nơi trú ẩn của nhiều loại vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng gây bệnh, qua con đường lây nhiễm từ người này sang người khác (tiếp xúc da - da, mặc chung quần áo, dùng chung đồ sinh hoạt, quan hệ tình dục với người nhiễm)...
Một số biểu hiện của bệnh hắc lào.
Phát hiện bệnh cách nào?
Hai dấu hiệu nổi bật của bệnh hắc lào là ngứa và nổi mẩn đỏ, mụn nước. Ngứa ở vùng có tổn thương da, cả ngày lẫn đêm, tăng nhiều khi ra mồ hôi, trời nóng nực hay về đêm. Nổi mẩn đỏ một vùng có giới hạn rõ, trên bề mặt thường có nổi nhiều mụn nước như phỏng tập trung ở rìa của tổn thương, vết trên da tương tự như đồng tiền (nên còn được gọi là lác đồng tiền). Bệnh thường khởi đầu ở một bên bẹn, sau đó có thể lan sang bên kia và ra sau mông. Ngoài ra, hắc lào còn có thể gặp ở chân, tay, ngực, lưng...
Các thuốc điều trị bệnh
Hắc lào tuy không phải là bệnh nguy hiểm nhưng gây ngứa ngáy, khó chịu, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người bệnh, đặc biệt là vấn đề thẩm mỹ... Vì vậy, cần chữa bệnh hắc lào tận gốc, tránh tái phát và lây nhiễm cho người khác. Việc chữa trị hắc lào không khó nếu người bệnh kiên trì dùng thuốc.
Thuốc cổ điển dùng để trị hắc lào là dung dịch cồn BSI (acid benzoic acid salicylic lod), antimycose (acid benzoic acid salicylic acid boric), dung dịch ASA (acid acetylsalicylic, natri salicylat). Các thuốc này có tác dụng tốt nhưng gây lột da nhiều, đau rát, để lại màu đen trên da như sạm da hoặc gây biến chứng cháy da để lại sẹo mờ.
Hiện nay, có nhiều thuốc dùng tại chỗ (thuốc dạng kem bôi) với các hoạt chất là dẫn chất imidazol rất có hiệu quả như miconazol, ketoconazol, econazol... Những thuốc này có ưu điểm là không có màu, mùi thơm, không gây lột da, không sưng đau nhưng cũng có thể gây ra những dị ứng nhẹ, gây kích ứng tại chỗ... nhưng sẽ hết khi ngừng dùng thuốc.
Khi tổn thương quá rộng, bác sĩ có thể cho bệnh nhân dùng kết hợp cả thuốc điều trị tại chỗ với các thuốc uống để trị vi nấm như griseofulvin, ketoconazol, itraconazole, fluconazole... Tuy nhiên, người bệnh cần thận trọng khi sử dụng thuốc uống chống nấm toàn thân do thuốc có nhiều tác dụng phụ và có những tương tác không tốt, có thể có những biến chứng nặng khi phải dùng đồng thời với thuốc trị bệnh khác (như thuốc hạ mỡ máu...). Thuốc được sử dụng hạn chế ở những người có bệnh gan, thận...
Và những lưu ý khi điều trị
Khi dùng thuốc điều trị hắc lào, bệnh nhân cần tuân thủ các nguyên tắc để tránh sự tái nhiễm và bảo đảm kết quả điều trị như: điều trị liên tục (ngày bôi thuốc 2-3 lần) cho đến khi da lành, sau đó cần tiếp tục thoa thuốc ít nhất 2 tuần nữa để tránh tái phát.
Nếu điều trị sau 4 tuần không có dấu hiệu cải thiện thì nên tái khám bác sĩ. Khi bôi thuốc cũng phải theo hướng dẫn vì nếu bôi thuốc không đúng (bôi thuốc quá mạnh, bôi dây sang da lành hay da non...) có thể làm bệnh càng lây lan hơn hoặc gây ra tình trạng phỏng, chảy nước nhiều, ngứa dữ dội... Trong một số ít trường hợp có thể gây nhiễm khuẩn khiến bệnh trở nên nặng nề khó điều trị hơn.
Để hạn chế bệnh hắc lào tái phát, bên cạnh việc dùng thuốc đúng chỉ định, cần phải diệt nấm ở những vật dụng cá nhân như áo quần, mùng mền, chiếu gối... bằng cách luộc nước sôi 100 độ C trong vòng 15 phút, rắc bột chống nấm. Không mặc chung quần áo với người khác, tránh làm việc ở những nơi ẩm ướt, ra mồ hôi nhiều, vệ sinh thân thể sạch sẽ.