1. Ngày càng có nhiều phụ nữ mang thai lạm dụng thuốc
Phụ nữ mang thai luôn được khuyến cáo hạn chế sử dụng thuốc. Tuy nhiên trên thực tế lâm sàng, có rất nhiều phụ nữ lạm dụng thuốc không kê đơn, thuốc kê đơn và thực phẩm chức năng.
Trong một số nghiên cứu lớn nhất nước Mỹ do nhóm chuyên gia của Đại học Washington và bệnh viện nhi Seattle đã phát hiện ra rằng, hơn 70% phụ nữ dùng ít nhất 1 loại thuốc không kê đơn (OTC) hoặc kê đơn trong 3 tháng đầu của thai kỳ. 60% phụ nữ dùng từ 3-4 loại thuốc trong thời kỳ mang thai.
Tại một số nghiên cứu ở nhiều quốc gia khác nhau, thuốc cũng được sử dung ở hơn 50% phụ nữ mang thai và tỉ lệ này ngày càng gia tăng.
Theo đó các thuốc được sử dụng phổ biến nhất, bao gồm: Thuốc chống nôn, thuốc chống acid, thuốc giảm đau, thuốc kháng histamine, kháng sinh, thuốc lợi tiểu, thuốc ngủ, thuốc an thần... chưa kể có khá nhiều trường hợp có sử dụng các loại thuốc bất hợp pháp.
2. Ảnh hưởng của thuốc ở phụ nữ mang thai
Một số thuốc đi qua nhau thai, có thể gây độc và ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi:
- Gây sảy thai, thai lưu, dị tật bẩm sinh.
- Có thể tác động lên tử cung, gây co bóp, từ đó dẫn đến sự phát triển của thai hoặc gây sinh non.
Cụ thể tùy theo tuổi thai nhi, thuốc có thể gây ảnh hưởng như sau:
+ Trong 3 tháng đầu thuốc có thể gây dị tật bẩm sinh. Nguy cơ dị tật bẩm sinh lớn nhất từ tuần thứ 3 đến tuần thứ 11 của thai kỳ.
+ Trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối, một số loại thuốc có thể gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển chức năng của bào thai hoặc gây nhiễm độc mô thai.
+ Một số dùng ngay trước hoặc trong khi sinh có thể gây tác dụng có hại cho việc sinh hoặc cho trẻ sau khi sinh.
Một số thuốc có thể không đi qua nhau thai, nhưng vẫn có thể gây hại cho bào thai bằng cách:
- Tích tụ trong mạch máu bánh nhau, từ đó làm thay đổi chức năng của bánh nhau, làm giảm nguồn cung cấp oxygen và chất dinh dưỡng cho thai dẫn đến thai kém phát triển.
- Gây tăng trương lực tử cung trầm trọng dẫn đến tổn thương không gây độc.
- Thuốc có thể gây ra những thay đổi trên cơ thể người mẹ và gián tiếp ảnh hưởng tới thai.
3. Sử dụng thuốc thế nào cho an toàn ở phụ nữ mang thai?
Trước đây Cơ quan quản lý Thuốc và Thực phẩm Mỹ (FDA) đã có phân loại thuốc kê theo toa thành 5 loại, cho phép sử dụng trong thời kỳ mang thai (A, B, C, D, X). Tuy nhiên, hầu hết các thông tin về an toàn sử dụng thuốc trong thai kỳ đều bắt nguồn từ các nghiên cứu trên động vật; các nghiên cứu không đối chứng và theo dõi sau khi đưa ra thị trường.
Do đó, năm 2014, FDA đã yêu cầu loại bỏ các nhóm A, B, C, D, X khi mang thai khỏi nhãn của tất cả các loại thuốc. Và thay vì phân loại, FDA yêu cầu trên các nhãn thuốc cung cấp thông tin về thuốc cụ thể:
- Mang thai: Cung cấp thông tin liên quan đến việc sử dụng thuốc ở phụ nữ có thai (liều dùng, nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi)…
- Tiết sữa: Thông tin về việc sử dụng thuốc khi cho con bú sữa mẹ (lượng thuốc trong sữa mẹ, những ảnh hưởng tiềm ẩn đối với trẻ bú mẹ).
- Nữ giới và nam giới trong giai đoạn sinh sản: Thông tin về thử thai, tránh thai và vô sinh do liên quan đến thuốc.
Do đó trước khi sử dụng bất kỳ một loại thuốc nào, kể cả thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn và thực phẩm chức năng, phụ nữ mang thai cần đọc kỹ các thông tin trên có trên tờ hướng dẫn sử dụng thuốc.
Lưu ý, mặc dù các thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đều được kiểm tra về độ an toàn trước khi được phê chuẩn bởi FDA, nhưng hầu hết các thử nghiệm thuốc đều không tiến hành trên phụ nữ có thai (trừ các thuốc sử dụng đặc hiệu cho phụ nữ mang thai).
Các loại thuốc dù được tiến hành thử nghiệm trên động vật có thai, nhưng kết quả có thể không đại diện đầy đủ cho quá trình và sự phát triển thai nhi của con người. Bởi vậy, thông tin liên quan đến sự an toàn của thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn đối thai nhi đang rất hạn chế, đặc biệt đối với các loại thuốc mới xuất hiện trên thị trường. Chính vì thế, để an toàn cho mẹ và thai nhi, cần:
- Tránh dùng tất cả các loại thuốc (nếu có thể) trong 3 tháng đầu mang thai.
- Nên dùng các loại thuốc được phép sử dụng rộng rãi trong thai kỳ và đã được chứng minh có hiệu quả an toàn sau khi đưa ra thị trường. Không dùng những loại thuốc mới và chưa qua dùng thử nghiệm.
- Nên dùng với liều thấp nhất có tác dụng.
- Thận trọng khi dùng: Kháng sinh quinolon, co-trimoxazol, tetracyclin, chloramphenicol, thuốc chống ung thư, thuốc chẹn bêta, chống viêm không steroid, nicotin, nhóm statin...
- Với các thực phẩm chức năng, dữ liệu an toàn trên lâm sàng thậm chí còn hạn chế hơn so với thuốc. Do vậy, nếu quyết định sử dụng cho phụ nữ mang thai còn phải thận trọng hơn rất nhiều.
Đối với phụ nữ mang thai có một số rối loạn nhất định, cần phải đi khám bác sĩ chuyên khoa sản, kết hợp cùng bác sĩ chuyên khoa bệnh đang mắc... để được tư vấn dùng thuốc thích hợp, an toàn.
Mời độc giả xem thêm video:
Cúm A: Cảnh báo biến chứng mới gây nguy hiểm, ai cũng cần biết.