Hà Nội

Lưu ý khi dùng thuốc giãn phế quản

08-03-2017 14:16 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Một trong những thuốc giãn phế quản thường dùng hiện nay là nhóm cường beta 2 adrenergic trong đó có salbutamol (thuốc tác dụng ngắn) và salmeterol (thuốc tác dụng chậm, kéo dài).

Một trong những thuốc giãn phế quản thường dùng hiện nay là nhóm cường beta 2 adrenergic trong đó có salbutamol (thuốc tác dụng ngắn) và salmeterol (thuốc tác dụng chậm, kéo dài). Vậy khi dùng hai thuốc này cần chú ý điều gì?

Thuốc tác dụng ngắn salbutamol

Các thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh, ngắn thường được ưu tiên dùng trong các đợt cấp hoặc khi bệnh nhân có cơn khó thở. Salbutamol là thuốc được sản xuất dưới các dạng như bình xịt khí dung, nang bột để hít, dung dịch phun sương… Thuốc có tác dụng chọn lọc kích thích các thụ thể beta2 ở cơ trơn phế quản, nên có tác dụng làm giãn phế quản.

Đối với các dạng hít khí dung, hít bột khô và phun sương đều có tác dụng làm giãn phế quản nhanh nhất và ít tác dụng phụ nhất nếu biết cách dùng đúng.

thuốc giãn phế quản

Dạng khí dung: Phải lắc lọ, lật ngược để đáy lọ lên phía trên, miệng ngậm đầu phun. Hít vào thật sâu đồng thời phun thuốc và phải ngừng thở trong vài giây, điều này khó thực hiện ở trẻ nhỏ. Có thể dùng một túi nhựa (plastic) hoặc một cốc nhựa, đáy đục một lỗ vừa đầu phun, miệng cốc úp kín mũi và miệng trẻ nhỏ, phun 2 liều vào cốc và để trẻ hít vào 5 lần trong cốc đó. Nếu người bệnh có nhiều đờm thì cần phải được điều trị thích hợp trước khi dùng salbutamol dạng khí dung.

Bột khô để hít: Phải có đĩa quay và dụng cụ riêng để chọc thủng nang thuốc ngay trước khi dùng.

Dạng phun sương (dùng máy phun sương), thường dùng cho các trường hợp hen nặng hơn hoặc không đáp ứng.

Thuốc tác dụng chậm, kéo dài salmeterol

Thuốc có tác dụng trong đường hô hấp bằng cách thư giãn các cơ bắp và mở đường dẫn khí để cải thiện hơi thở. Do thuốc tác dụng chậm, kéo dài nên không sử dụng cho các cơn khó thở đột ngột,  màthường được ưu tiên dùng cho các trường hợp bệnh giai đoạn ổn định.

Cách dùng: Hít thuốc bằng miệng, thường là hai lần mỗi ngày vào buổi sáng và buổi tối (cách nhau 12 giờ), hoặc sử dụng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Loại bột hít vào 1 nhát hít (50mcg)/lần. Không thở vào thiết bị. Không rửa miệng ống hay bất kỳ phần nào của thiết bị. Trường hợp người bệnh đang sử dụng thuốc xịt khác cùng một thời gian, chờ ít nhất 1 phút giữa mỗi lần sử dụng các loại thuốc.


DS. Trần Thị An
Ý kiến của bạn