Hà Nội

Lưu ý khi dùng thuốc điều trị táo bón ở trẻ

01-08-2021 13:54 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Hiện nay, rất nhiều phụ huynh phàn nàn rằng con họ bị táo bón nhưng điều trị bằng thuốc không khỏi. Tuy nhiên, nguyên nhân phần nhiều là do đa số các bậc phụ huynh đều thiếu hiểu biết và thiếu kiên trì trong điều trị bệnh. Trong khi đó, nếu không điều trị dứt điểm táo bón, trẻ có thể gặp nhiều biến chứng nguy hiểm.

Táo bón chức năng hình thành do hệ thống tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện.

Vì sao trẻ bị táo bón?

Phần lớn táo bón ở trẻ em là táo bón chức năng (90-95%). Táo bón chức năng (hay còn gọi là táo bón vô căn mạn tính) thường gặp ở trẻ em từ 2-6 tuổi. Táo bón chức năng hình thành do hệ thống tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện. Bệnh cũng có thể liên quan đến yếu tố tâm lý hoặc một vài biểu hiện thần kinh khác.

photo-1627789848997

Táo bón chức năng hình thành do hệ thống tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện.

Trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 1 tuổi bú sữa mẹ hoàn toàn bị táo bón khi không đi tiêu trong 1 tuần, còn ở trẻ bú bình không đi tiêu trong 3 ngày. Trẻ thường xuyên căng thẳng và quấy khóc mỗi khi đi tiêu. Phân đi ngoài thường khô và cứng.

Trẻ từ 1 tuổi - 2 tuổi, ngoài những triệu chứng của hội chứng kích thích ruột, trẻ bị táo bón chức năng đi tiêu dưới 3 lần trong một tuần. Trẻ hơn 2 tuổi đi tiêu dưới 2 lần trong tuần. Trẻ thường có biểu hiện đau nhức khi đi tiêu do phân khô và rắn. Xuất hiện máu hoặc chất nhầy trộn lẫn trong phân.

Lưu ý khi dùng thuốc điều trị táo bón

Phải điều trị dứt điểm

Mặc dù bệnh không gây nguy hiểm nhưng nếu không tiến hành chữa trị sớm, về lâu dài có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như hình thành trĩ, nứt kẽ hậu môn, mất phản xạ buồn đi ngoài, suy dinh dưỡng, trẻ biếng ăn, lâu dần có thể suy dinh dưỡng... Thậm trí bệnh có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành và tăng nguy cơ bị ung thư đại trực tràng.

photo-1627789850639

Phải điều trị dứt điểm táo bón cho trẻ.

Việc điều trị táo bón chức năng ở trẻ không dứt điểm nguyên nhân phần nhiều là do chính các bậc phụ huynh. Khi trẻ bị táo bón, các bậc phụ huynh thường chủ quan trong việc dùng thuốc cho trẻ. Lo sợ trẻ dùng thuốc bị ảnh hưởng nên nhiều người thấy con có thể đi ngoài bình thường là lập tức dừng thuốc. Việc tự ý dừng thuốc đã khiến cho bệnh táo bón của trẻ lại quay lại ngay lập tức. Điều này khiến nhiều người cho rằng việc dùng thuốc không có tác dụng trong việc chữa táo bón cho trẻ. Tuy nhiên, đây là một sai lầm. 

Để điều trị táo bón chức năng ở trẻ em cần sự tuân thủ tuyệt đối các chỉ định dùng thuốc của thầy thuốc. Táo bón chức năng để càng lâu càng khó chữa. Việc điều trị táo bón chức năng lại cần kiên trì, lâu dài trong nhiều tháng.

Các biện pháp điều trị

Điều trị táo bón không phải cứ uống thuốc là xong. Mà cần phải thực hiện đồng bộ 3 vấn đề đó là: dùng thuốc, tập luyện đi ngoài, điều chỉnh chế độ ăn. Thiếu 1 trong 3 yếu tố đó đều thất bại.

Trong lần đầu tiên khám, bác sĩ thường kê thuốc thụt hậu môn (như microlax) hoặc nhuận tràng liều cao để giải quyết phân còn ứ đọng trong trực tràng 2-3 ngày và kết hợp thuốc làm mềm phân uống kéo dài. Thuốc làm mềm phân uống kéo dài (có thể nhiều tháng, hàng năm liên tục, ngày nào cũng uống)/. Mục đích làm phân trẻ mềm, không còn đau khi đi ngoài, lâu dần làm trẻ không còn cảm giác sợ đi ngoài nữa để hình thành thói quen mới.

Tuy nhiên, dùng thuốc còn cần tùy thuộc vào từng bé và từng giai đoạn cụ thể. Cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định của bác sĩ, tránh bỏ liều giữa chừng. Lưu ý, không dừng thuốc đột ngột mà cần giảm dần. Cần tái khám mỗi tháng trong 3 tháng đầu để được tư vấn dùng thuốc tiếp. Hiện nay, có nhiều người cho rằng bổ sung men vi sinh có thể giúp trẻ thoát khỏi bệnh táo bón nhưng thực tế, việc bổ sung men vi sinh không có tác dụng trong điều trị bệnh này mà "tiền mất, tật mang".

photo-1627789851412

Tập cho bé ăn đủ rau, quả hàng ngày, uống đủ nước để ngừa táo bón.

Ngoài việc uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, các bậc phụ huynh và người chăm sóc trẻ cần tập cho trẻ đi ngoài hằng ngày vào 1 giờ cố định (nên vào buổi tối sau bữa tối), mỗi lần 5-10 phút. Điều đó lâu dần sẽ thành phản xạ đi ngoài đúng giờ. Bên cạnh đó cần điều chỉnh chế độ ăn phù hợp: Tập cho bé ăn đủ rau, quả hàng ngày, uống đủ nước. Hạn chế sữa công thức không quá 500 ml/ ngày. Nên ướng nước ép trái cây vì bổ sung nhiều vitamin.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Bản tin COVID-19 247 ngày 30/07: Hà Nội cho phép hơn 14.000 shipper hoạt động trở lại.

BS. Nguyễn Hữu Thảo
Ý kiến của bạn