Lưu ý khi dùng thuốc điều trị lạc nội mạc tử cung

09-10-2020 12:28 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Lạc nội mạc tử cung là vấn đề sức khỏe sinh sản gặp ở nữ giới. Đến nay vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu bệnh lạc nội mạc tử cung. Chỉ dùng thuốc hoặc ngoại khoa để điều trị khi có triệu chứng đau và nghi ngờ có liên quan gây vô sinh. Việc sử dụng thuốc điều trị triệu chứng cần có những lưu ý về những tác hại không mong muốn.

Lạc nội mạc tử cung được xem là bệnh chủ yếu phụ thuộc vào estrogen. Hiện nay vẫn không có phương pháp nào điều trị đặc hiệu, việc điều trị chỉ khi có triệu chứng đau và nghi ngờ có liên quan gây vô sinh. Bệnh chỉ gây đau nhẹ, không có dự định mang thai hoặc gần tới giai đoạn mãn kinh, có thể không cần điều trị.

Mục tiêu điều trị nội khoa triệu chứng đau cho bệnh nhân thông qua việc làm giảm estrogen trong huyết thanh, từ đó làm cho tổn thương lạc nội mạc tử cung teo đi. Các hormon kháng estrogen để làm teo ổ lạc nội mạc tử cung tạo nên các sẹo xơ như progestin liều cao, danazol, các chất đồng GnRH.

Danazol có một số hiệu quả đối với lạc nội mạc tử cung như: Làm tăng nồng độ testosteron tự do và testosteron - albumin, đây là hai thành phần của hormon sinh dục nam, đã được chứng minh có tác dụng trên lâm sàng, làm giảm nồng độ estradiol trong máu.

Khi dùng danazol theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa phải liên tục trong 6 tháng. Mặc dù sau 3 tháng dùng thuốc, ổ lạc nội mạc tử cung sẽ teo đi nhưng vẫn phải tiếp tục trong 6 tháng để ổ nội mạc tử cung teo triệt để. Tỷ lệ tái phát sau 5 năm điều trị là 37%.

Tuy nhiên khi uống thuốc này, bệnh nhân cần chú ý: Với danazol sẽ gây tăng cholesterol xấu (LDL) và giảm cholesterol tốt (HDL) 4 tuần sau uống. Tác dụng phụ này sẽ hết sau khi ngưng thuốc 8 tuần, do đó không làm tăng nguy cơ xơ cứng động mạch và không là nguyên nhân gây tăng cholesterol xấu. Nhưng trước khi dùng thuốc này, bệnh nhân phải được khám và khai kỹ tiền sử gia đình có bệnh suy mạch vành, có nồng độ HDL-C thấp, LDL-C cao hay không.

lạc nội mạc tử cungHình ảnh lạc nội mạc tử cung.

Ngoài ra thuốc có thể gây rối loạn đông máu, giảm thị lực, thính giác. Thuốc cũng gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi là nữ do tác dụng androgen đôi khi gây lưỡng tính giả.

Một tác dụng phụ khác của thuốc là gây nam hóa khiến da mặt nhờn, trứng cá, mọc râu, tăng cân. Có bệnh nhân có triệu chứng mãn kinh bốc hỏa, giảm ham muốn tình dục, suy nhược thần kinh. Dùng liều cao bị vô kinh, liều thấp gây rong kinh nhẹ.

Progesteron có tác dụng trực tiếp trên buồng trứng hơn là trên tuyến yên, ngăn cản sự phát triển của các nang noãn, ngăn cản sự rụng trứng, gây vô kinh, làm teo ổ lạc nội mạc tử cung. Ức chế sự phát triển của tế bào lympho, ngăn chặn các bạch cầu đơn nhân và yếu tố gây hiện tượng hoại tử các khối u, nên thuốc còn được dùng điều trị bệnh Lupus lan tỏa cấp.

Các chất đồng vận GnRH gây ra tình trạng suy giảm chức năng trục hạ đồi - tuyến yên - buồng trứng, từ đó gây nên tình trạng thiếu hụt estrogen. Tình trạng thiếu hụt estrogen làm nội mạc tử cung bình thường và lạc chỗ bị teo đi, đồng thời cũng gây ra tình trạng giống như mãn kinh: bốc hỏa, mất ngủ, bứt rứt, khô teo âm đạo, đau nhức xương khớp, loãng xương... do đó GnRH không thể được sử dụng kéo dài quá 6 tháng.

Gần đây, để làm giảm tác dụng phụ và kéo dài thời gian sử dụng của GnRH, người ta sử dụng GnRH đồng vận kèm theo các loại hormon như progestin hay tibolone hay progestin bisphosphonate hay viên thuốc ngừa thai phối hợp dạng uống, làm giảm được triệu chứng đau, ít tác dụng không mong muốn và tăng chất lượng cuộc sống. GnRH đồng vận có nhiều đường sử dụng như xịt mũi hay tiêm bắp, tiêm dưới da, có thể tiêm mỗi ngày nhưng thường được tiêm 4 tuần một lần.

Tác dụng phụ thường thấy là cơn nóng mặt, vã mồ hôi, khô teo âm đạo, giảm ham muốn tình dục. Mật độ xương có thể giảm sau điều trị kéo dài 6 tháng, vì vậy có thể phải kết hợp với hormon sinh dục nữ để giảm bớt ảnh hưởng này. Do tăng chuyển hóa canxi, nên khi dùng thuốc nên ăn thức ăn chứa nhiều canxi.

Progestin, viên thuốc tránh thai kết hợp: Khi uống liên tục gây mất kinh. Nếu nếu đang uống thuốc đều đặn mà thấy có kinh nguyệt thì cần báo với bác sĩ để được tăng liều, đến khi hết kinh trở lại liều bình thường.

Lạc nội mạc tử cung gần như là một bệnh bẩm sinh và không có cách nào phòng tránh. Tuy nhiên, khi được chẩn đoán lạc nội mạc tử cung, có nhiều phương pháp điều trị giảm đau và phục hồi khả năng sinh sản. Vì thế người mắc đừng quá lo lắng, vì không phải trường hợp lạc nội mạc tử cung nào cũng gây vô sinh. Đa phần những khó chịu mà lạc nội mạc tử cung mang lại là tình trạng đau đớn mỗi khi hành kinh. Về phương diện này thì có nhiều thuốc giảm đau hỗ trợ để giúp bạn có thể trải qua những ngày này dễ dàng hơn.


DS. Minh Thành
Ý kiến của bạn