Lưu ý khi dùng thuốc chữa chốc đầu

19-06-2012 11:09 | Thông tin dược học
google news

Chốc đầu là một bệnh rất hay gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi nhất là ở những trẻ vệ sinh kém, thiếu sự quan tâm chăm sóc của người lớn. Thuốc điều trị bệnh này tuy không phức tạp nhưng phải biết cách dùng...

(SKDS) –  Chốc đầu là một bệnh rất hay gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi nhất là ở những trẻ vệ sinh kém, thiếu sự quan tâm chăm sóc của người lớn. Thuốc điều trị bệnh này tuy không phức tạp nhưng phải biết cách dùng...

Chốc đầu là bệnh nhiễm khuẩn ngoài da do liên cầu khuẩn gây nên, hay gặp ở mùa hè và được biểu hiện bằng những mụn nước trên đầu, nước ban đầu trong, sau có thể có mủ. Mụn nước vỡ thì để lộ lớp da tổn thương chợt đỏ ở phía dưới. Dịch chảy ra sẽ dính tóc thành mảng bết lại.
 
Các nốt tổn thương đóng vảy và tạo thành vảy chốc. Chốc đầu không gây nguy hiểm vì chỉ gây tổn thương ở bề mặt. Nhưng khi bị nặng thì nguy cơ bội nhiễm rất cao. Vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu và gây biến chứng ở nhiều cơ quan khác như tim, thận, khớp...

 Liên cầu khuẩn gây bệnh chốc đầu.

Các thuốc điều trị

Dung dịch sát trùng:

 Thông dụng nhất là nước muối 0,9% và dung dịch berberin có khả năng kìm hãm hay tiêu diệt vi khuẩn tại vết thương và xung quanh vết thương.

Nước muối dùng để rửa vết thương, nhưng nó có nhược điểm là độ mạnh diệt khuẩn không cao. Trong những trường hợp nặng thì nên dùng dung dịch kháng sinh nhẹ berberin.

Dung dịch berberin thường sử dụng dung dịch với nồng độ 0,1%. Ngoài tác dụng với vi khuẩn đường ruột, berberin còn có tác dụng kìm và tiêu diệt vi khuẩn ngoài da là tụ cầu khuẩn và liên cầu khuẩn. Khi rửa, chúng ta chỉ việc pha với nước hoặc thấm vào bông và lau vào nốt tổn thương là được.

Thuốc màu:

Có nhiều thuốc màu được sử dụng nhưng có 2 loại phổ thông nhất là dung dịch xanh methylen và dung dịch chứa iốt.

Dung dịch xanh methylen có màu xanh đặc trưng. Thuốc có khả năng gắn kết với các tiểu thể trong vi khuẩn và làm hư hỏng chức năng của các tiểu thể này, làm phá vỡ các phản ứng ôxy hoá trong chuyển hoá dinh dưỡng của vi khuẩn làm vi khuẩn chết. Xanh methylen có bán rộng rãi tại các nhà thuốc. Thuốc được bào chế trong các lọ nhỏ tiện dụng. Chỉ cần lấy tăm bông, thấm ướt xanh metylen và bôi lên nốt tổn thương.

Dung dịch có chứa iốt như cồn iốt, betadin, povidine. Dung dịch có chứa iốt có khả năng sát khuẩn vì iốt phản ứng mạnh theo phản ứng trao đổi iôn với các enzym ôxy hoá khử ở màng tế bào vi khuẩn làm các enzym này mất tính năng. Chuỗi hô hấp tế bào bị phá vỡ và vi khuẩn sẽ không thể thực hiện chuyển hoá. Bên cạnh đó, iốt còn có khả năng làm biến tính các phân tử protein màng và xuyên màng, làm hư hỏng các protein này. Tính ổn định màng không được duy trì và vi khuẩn bị chết do mất màng bảo vệ.

Dùng dung dịch iốt rất đơn giản. Chỉ cần thấm vào tăm bông và chấm lên nốt tổn thương. Tốt nhất là dùng các dung dịch iốt đóng trong chai vì nồng độ iốt không quá cao, tránh gây ngộ độc. Các dung dịch cồn iốt thường có nồng độ iốt rất cao, dễ gây loét thêm và gây quá tải nồng độ iốt cho cơ thể.

Thuốc bột và thuốc mỡ dùng tại chỗ

Thuốc bột và thuốc mỡ bôi chủ yếu các kháng sinh dùng tại chỗ. Có 2 loại thông dụng là bột kháng sinh chlorocid và mỡ tetracyclin.

Bột kháng sinh chlorocid có khả năng kháng khuẩn mạnh, có tác dụng kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn và tiêu diệt vi khuẩn, đồng thời nó còn có chức năng hút dịch, tạo vẩy để che phủ tổn thương chống nhiễm khuẩn bên ngoài. Kháng sinh chlorocid rất nhạy cảm với các vi khuẩn ngoài da và vi khuẩn đường ruột và tốt với các tổn thương dạng loét ngoài da. Chỉ cần rắc lên tổn thương.

Mỡ tetracyclin thường được bào chế dưới dạng týp nồng độ 3%. Đây là mỡ thường được sử dụng để tra mắt. Kháng sinh tetracyclin có khả năng kìm khuẩn do nó gắn vào tiểu phân 30S của ribosom làm rối loạn quá trình sinh tổng hợp protein của vi khuẩn. Vi khuẩn bị kìm hãm sự phát triển dần dần bị tiêu diệt. Kháng sinh tetracyclin cũng là kháng sinh nhạy cảm với vi khuẩn ngoài da như tụ cầu khuẩn và liên cầu khuẩn. Cách dùng mỡ này đơn giản, chỉ cần bôi lên nốt tổn thương trước khi đi ngủ.

 Liên cầu khuẩn gây bệnh chốc đầu.

Và  những chú ý khi sử dụng

 

Việc điều trị tuy đơn giản nhưng chúng ta cần biết áp dụng thuốc đúng cách. Trước hết cần cắt ngắn tóc ở vùng xung quanh để tránh bết tóc. Nếu dính vào nốt tổn thương sẽ là một tác nhân gây viêm và làm cho vết thương rất lâu khỏi.

Với các nốt chưa vỡ, cần rửa sạch bằng dung dịch sát khuẩn. Nhẹ nhàng không để vỡ mụn. Sau đó lấy kim vô khuẩn (kim tiêm chưa sử dụng lần nào) khều nhẹ cho chảy nước. Động tác này làm vỡ mụn nước chủ động, không để dịch chảy lây lan. Thấm khô dịch này bằng bông, sau đó rắc thuốc bột kháng sinh lên miệng nốt mụn để thấm dịch, diệt khuẩn và tạo vảy.

Với các nốt đã đóng vảy, phải rửa sạch sẽ hằng ngày bằng dung dịch sát trùng. Cọ nhẹ nhàng, vảy có thể tự bong ra nhưng tuyệt đối không được cố ý cạy vảy cho chảy máu. Sau đó lấy bông sạch thấm khô. Bước tiếp theo là bôi thuốc màu tại chỗ với các vết tổn thương chưa khô hẳn, còn rớm dịch. Nếu như các vết tổn thương đã khô hơn thì bôi thuốc mỡ. Lúc này thuốc mỡ vừa che tổn thương, vừa giải phóng thuốc kéo dài rất tốt. Không sử dụng thuốc mỡ lúc dịch đang chảy.

Đối với các thuốc màu thì thấm vào tăm bông và bôi lên mụn tổn thương. Có thể bôi rộng ra xung quanh vài milimét để diệt khuẩn xung quanh. Thuốc bột thì chỉ cần rắc lên vết thương còn thuốc mỡ thì bôi lên bề mặt và rộng ra xung quanh. Thuốc mỡ chỉ nên bôi buổi tối. Nếu điều trị và chăm sóc đúng, chỉ 5-7 ngày là khỏi. Công việc cuối cùng là giữ vệ sinh sạch sẽ và nuôi dưỡng đủ sẽ tránh được bệnh nặng, tránh được tái phát sau điều trị.  

BS. Cao Hồng Phúc


Ý kiến của bạn