Lưu ý khi dùng thuốc chống viêm không steroid trong trị bệnh về mắt

26-05-2023 09:15 | An toàn dùng thuốc

SKĐS – Thuốc chống viêm không steroid là một trong những nhóm thuốc được sử dụng trị một số bệnh về mắt. Vậy thuốc được dùng khi nào, và cần lưu ý gì khi sử dụng?

Các thuốc thường dùng trong điều trị các bệnh về mắtCác thuốc thường dùng trong điều trị các bệnh về mắt

SKĐS - Thời tiết thay đổi liên tục kèm theo nắng nóng kéo dài gây nên nhiều bệnh về mắt như đau mắt đỏ, viêm kết mạc, khô mắt… Việc sử dụng thuốc trị bệnh về mắt có thể giúp giảm nhanh các triệu chứng, giảm nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng.

1. Vai trò của thuốc chống viêm không steroid trong điều trị bệnh về mắt

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có tác dụng chống lại một hoặc nhiều chất trung gian gây viêm và giảm kích ứng, đau hay sưng tấy ở mắt.

NSAID không hiệu quả trong việc kiểm soát tình trạng viêm bằng với corticosteroid, nhưng chúng có tác dụng giảm đau hiệu quả, ít tác dụng phụ nghiêm trọng hơn steroid và không làm tổn hại đến hệ thống miễn dịch.

Khi điều trị các bệnh tại mắt, NSAID thường dùng dạng dung dịch hoặc hỗn dịch, trong các trường hợp:

- Sử dụng trong điều trị viêm sau phẫu thuật đục thủy tinh thể và các thủ thuật khúc xạ khác nhau.

- Phòng ngừa và điều trị phù hoàng điểm dạng nang.

- Điều trị viêm kết mạc dị ứng...

Lưu ý khi dùng thuốc chống viêm không steroid trong trị bệnh về mắt - Ảnh 2.

Việc sử dụng các thuốc chống viêm không steroid trị một số bệnh về mắt ít tác dụng phụ nghiêm trọng và không làm tổn hại đến hệ thống miễn dịch…

Một số thuốc NSAID thường dùng như: Ketorolac tromethamine, natri bromfenac, diclofenac natri (ít được sử dụng vì nguy cơ tác dụng phụ cao), nepafenac hay phối hợp NSAID và thuốc giãn đồng tử như ketorolac tromethamine/phenylephrine hydrochloride...

2. Cảnh giác với các tác dụng phụ của thuốc

Một số tác dụng phụ phổ biến khi dùng thuốc bao gồm: Kích ứng bề mặt, nóng rát và châm chích thoáng qua, ngứa và mẩn đỏ, chảy nước mắt, sưng mí mắt, thậm chí phù giác mạc, chậm lành vết thương giác mạc, hình thành mô sẹo (xơ hóa).

Viêm giác mạc và loét mà không mất mô, thủng giác mạc và củng mạc là một trong những biến chứng nghiêm trọng hơn liên quan đến việc sử dụng NSAID tại chỗ.

Cần cảnh giác với nguy cơ phơi nhiễm toàn thân và xuất hiện các tác dụng phụ toàn thân do sự hấp thu các NSAID nhỏ mắt tại chỗ qua niêm mạc mũi. Người bệnh có thể bị trầm trọng thêm bệnh hen phế quản, đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, sốt, buồn nôn, nôn...

Lưu ý khi dùng thuốc chống viêm không steroid trong trị bệnh về mắt - Ảnh 3.

Thuốc chống viêm không steroid có thể gây một số tác dụng phụ.

3. Lưu ý khi sử dụng các thuốc NSAID trị bệnh ở mắt

Để sử dụng các thuốc NSAID an toàn, hiệu quả, người bệnh cần lưu ý:

- Không tự ý sử dụng thuốc để điều trị các bệnh về mắt.

- Cần đi khám để kiểm tra tình trạng bệnh, nhằm đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho từng cá nhân. Ưu tiên dùng thuốc với liều thấp thấp nhất, thời gian điều trị ngắn nhất có thể.

- Những bệnh nhân gặp biến cố bất lợi nghiêm trọng, người có tiền sử bệnh đái tháo đường, người có khiếm khuyết giác mạc, trầy xước giác mạc hoặc các phẫu thuật mắt trước đó, cần thận trọng với hầu hết mọi loại thuốc nhỏ mắt.

- Nhìn chung, NSAID trong nhãn khoa có thể được sử dụng an toàn với các thuốc nhãn khoa khác. Tuy nhiên, việc sử dụng đồng thời một số thuốc có ảnh hưởng xấu đến biểu mô giác mạc, chẳng hạn như gentamicin, có thể dẫn đến tăng khả năng thâm nhập giác mạc của NSAID, gây quá liều.

NSAID có thể tương tác với các loại thuốc kháng sinh như ciprofloxacin hay các fluoroquinolones khác. Việc sử dụng đồng thời NSAID với corticosteroid tại chỗ, khi có tình trạng viêm giác mạc có thể làm chậm hoặc trì hoãn quá trình lành vết thương và nhiều biến chứng khác. Do đó, cần dùng thuốc một cách thận trọng

- Không nên dùng thuốc NSAID liên tục trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần, bởi có thể làm tăng khả năng gặp phải các phản ứng phụ.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Dấu hiệu ung thư xương.

DS. Hoàng Vân
Bệnh viện Trung ương Huế
Ý kiến của bạn