1. Nguyên nhân gây dị ứng ở bà bầu
Thường xuyên hắt hơi, chảy nước mũi, ngứa hoặc mề đay... là những triệu chứng của bệnh dị ứng thường thấy ở những phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, có những bà bầu đã từng bị các bệnh dị ứng trước khi mang thai như viêm xoang, viêm mũi, hen suyễn... Khi đó, trong thai kỳ bệnh sẽ có biểu hiện nặng hơn, gây ra nhiều khó chịu. Ngược lại, chứng viêm mũi thai kỳ chỉ xuất hiện khi mang thai, ở 20 - 30% bà bầu.
Thường xuyên hắt hơi, chảy nước mũi, ngứa hoặc mề đay... là những triệu chứng của bệnh dị ứng thường thấy ở những phụ nữ mang thai.
Một số nguyên nhân có thể kể đến là:
- Thay đổi nội tiết tố: Khi mang thai hoặc sau khi sinh, nội tiết tố của phụ nữ có sự thay đổi rõ rệt. Kéo theo đó là nhiều triệu chứng bất thường khác như mất ngủ, cáu gắt và một số vấn đề về da liễu trong đó có viêm da dị ứng.
- Chức năng hệ miễn dịch suy giảm: Khi mang thai, cơ thể phụ nữ trở nên nhạy cảm hơn, sức đề kháng tự nhiên suy yếu. Khi đó hàng rào miễn dịch bảo vệ da cũng suy yếu hơn vì vậy da dễ bị kích ứng bởi các yếu tố bên ngoài.
- Di truyền: Một số bệnh về da liễu trong đó có viêm da dị ứng được xác định có tính chất di truyền. Nếu bố mẹ của thai phụ có tiền sử dị ứng thì thai phụ cũng rất dễ bị nhiễm bệnh.
- Tiền sử mắc các bệnh về da liễu khác: Nếu mẹ bầu đã từng mắc một số bệnh chàm, viêm da tiếp xúc thì rất dễ bị viêm da dị ứng trong giai đoạn thai kỳ.
2. Dị ứng có ảnh hưởng đến thai kỳ và thai nhi không?
Thông thường những biểu hiện dị ứng không gây hại cho thai nhi, nhưng lại khiến cho bà bầu gặp nhiều phiền toái trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Vì thế, các bà bầu có thể nhờ đến các loại thuốc chống dị ứng. Đây là thời điểm nhạy cảm, cần lựa chọn những loại thuốc có tác dụng làm giảm các triệu chứng dị ứng nhưng cần phải đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.
3. Điều trị dị ứng ở bà bầu
3.1. Điều trị không dùng thuốc
- Tránh tiếp xúc với môi trường chứa nhiều vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh dị ứng như ô nhiễm môi trường, nguồn nước bẩn.
- Bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả tươi và uống nhiều nước. Đồng thời nên hạn chế những thực phẩm chứa chất kích thích như cà phê, nước ngọt, rượu bia, thức ăn cay nóng và thức ăn dễ gây dị ứng như tôm, cua, cá….
- Không nên tắm nước quá nóng hoặc quá lạnh, cũng không nên tắm quá lâu vì sẽ khiến cho da bị khô hơn.
- Hạn chế tắm xà bông, gội đầu bằng các loại dầu gội chứa nhiều chất hóa học và chất tạo mùi.
- Hạn chế gãi để tránh cho da bị chày xước, nhiễm khuẩn.
- Khi thời tiết lạnh hoặc ra ngoài thì nên giữ ấm cơ thể để tránh bị ngứa hoặc gia tăng cơn ngứa.
- Mặc quần áo thoáng mát, vải mềm mịn và dễ thấm mồ hôi, vì nếu ra mồ hôi sẽ khiến vùng da dị ứng bị ngứa hơn.
- Trong trường hợp bị nghẹt mũi có thể sử dụng nước muối sinh lý để nhỏ mũi.
- Thay vì mở cửa sổ, có thể sử dụng điều hòa.
- Có thể sử dụng máy tạo độ ẩm với mục đích loại bỏ chất gây dị ứng trong không khí.
Bà bầu nên uống nhiều nước…
3.2. Thuốc chống dị ứng và những lưu ý khi dùng
Thuốc kháng histamin
Thuốc kháng histamin là loại thuốc phổ biến để chữa dị ứng. Một số thuốc kháng histamin an toàn cho bà bầu có thể kể đến như: Loratadin, terfenadin, mizolastine, acrivastin... Đây là các thuốc kháng histamin thế hệ 2, ít gây ra tác dụng phụ hơn so với thuốc kháng histamin thế hệ 1.
Thuốc kháng histamin là loại thuốc phổ biến để chữa dị ứng cho bà bầu.
Thuốc có chứa corticoid
Thuốc chống dị ứng có chứa corticoid là những thuốc cần được bác sĩ chỉ định vì thuốc có khả năng gây tác dụng phụ, đặc biệt thuốc chống dị ứng cho bà bầu càng cần được quan tâm hơn về độ an toàn đối với thai nhi.
Một số loại thuốc chống dị ứng có chứa corticoid dạng uống hoặc tiêm mang lại hiệu quả cao trong điều trị các bệnh dị ứng như viêm xoang, viêm mũi, hen phế quản. Tuy nhiên, độ an toàn của thuốc đối với thai nhi là chưa được xác định rõ. Nếu sử dụng trong thời gian dài còn ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, hoặc gây suy thượng thận ở trẻ sơ sinh trong một số ít trường hợp.
Thuốc corticoid dạng viên, xịt hoặc nhỏ có hiệu quả cao, nhưng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ. Đồng thời, có thể gây một số tác dụng phụ cho mẹ bầu chẳng hạn như chảy máu cam, đau đầu, buồn nôn…
Cho đến nay, nghiên cứu về các loại thuốc xịt có chứa corticoid vẫn còn nhiều hạn chế. Vì thế nên tránh dùng hoặc nếu dùng thì chỉ dùng liều thấp nhất với sự chỉ định của bác sĩ điều trị.
Cần đặc biệt lưu ý trong 3 tháng đầu thai kỳ tránh dùng thuốc dị ứng có chứa corticoid dạng uống hoặc tiêm vì có thể làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, thậm chí có thể gây ra dị tật thai nhi. Nếu dùng, chỉ nên dùng từ sau tháng thứ 4 trở đi và cần phải tuân thủ theo liều dùng mà các bác sĩ chỉ định hoặc khi những phương pháp khác không mang lại hiệu quả.
4. Dùng thuốc sao cho an toàn?
Để dùng thuốc chống dị ứng an toàn, các bà bầu nên:
- Không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc chống dị ứng mà không có chỉ định của bác sĩ.
- Không tự ý tăng, giảm hoặc ngừng dùng thuốc chống dị ứng khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
- Trong trường hợp cơ thể xuất hiện những biểu hiện bất thường nghi ngờ do dị ứng, cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp và kê đơn thuốc phù hợp. Sau khi uống thuốc theo đơn, mẹ bầu cần tuân thủ chỉ định tái khám của bác sĩ.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bệnh Alzheimer trẻ hóa, nhiều người 30 tuổi đã lúc nhớ lúc quên.