Hà Nội

Lưu ý khi dùng thuốc bôi chữa nấm tai

25-05-2020 17:33 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Tôi năm nay 46 tuổi, bị ngứa, đau tai. Đi khám bác sĩ bảo tôi bị nấm tai và cho tôi dùng nhiều loại thuốc, trong đó có thuốc kem bôi terbinafine. Xin bác sĩ tư vấn cho tôi dùng thuốc này như thế nào, cần chú ý gì khi dùng thuốc. Vì lúc đi khám bệnh nhân đông nên tôi chưa kịp hỏi bác sĩ cụ thể. Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ!

Vũ Ngân Hà (TP. Hồ Chí Minh)

Nấm ống tai ngoài là hiện tượng da ống tai ngoài bị viêm mà nguyên nhân do nấm. Bệnh nấm ống tai ngoài chiếm 10% các nguyên nhân gây viêm ống tai ngoài cấp tính và có tỷ lệ cao hơn trong các viêm ống tai ngoài mạn tính.

Terbinafine mà bạn dùng là thuốc chính trong điều trị nấm ống tai, có tác dụng kháng nấm và diệt khuẩn. Terbinafine là một allylamine có hoạt tính kháng nấm rộng.

Lạm dụng tăm bông làm sạch tai tạo điều kiện cho vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào tai.

Tuy nhiên thuốc không dùng trong hai trường hợp sau: Người dị ứng với thành phần thuốc và bệnh nhân có vùng da dưới tổn thương nấm bị nhiễm trùng nghiêm trọng (ví dụ viêm ống tai ngoài ác tính).

Cách sử dụng terbinafine: Bôi một lớp mỏng lên da ống tai, ngày 02 lần, hoặc thay đổi tùy tình trạng nấm do chỉ định của bác sĩ kê đơn. Tuyệt đối không để thuốc dính vào vùng niêm mạc như niêm mạc mắt, niêm mạc hòm tai (trường hợp thủng màng nhĩ nên để bác sĩ thực hiện việc bôi thuốc này).

Thuốc có thể gây ra một số phản ứng phụ như ngứa bỏng rát vùng da bôi thuốc, ban đỏ… trong những trường hợp này phải ngừng thuốc và thông báo với bác sĩ.

Để phòng tránh nấm ống tai cần sử dụng dụng cụ làm sạch tai đảm bảo vệ sinh. Sử dụng tai nghe khi nghe nhạc, học ngoại ngữ đúng cách: Lau sạch trước và sau khi sử dụng tai nghe, thời gian sử dụng luôn dưới 2 giờ.

Không tự ngoáy tai hay lấy ráy tai ở những người không phải bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng. Lưu ý sau khi bơi không nên ngoáy tai vì động tác này rất dễ nhiễm nấm.

Nếu nhiều ráy tai quá mức cũng có thể gây bít tắc tạo điều kiện thuận lợi cho nấm và vi khuẩn phát triển vậy nên lấy ráy tai 3-6 tháng/lần tại cơ sở khám chữa bệnh tai mũi họng.

Khi có dấu hiệu của triệu chứng nấm ống tai nên tới thăm khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ tai mũi họng.


PGS.TS.BS. Phạm Thị Bích Đào
Ý kiến của bạn