Hà Nội

Lưu ý khi dùng kháng histamin chữa viêm mũi dị ứng

15-06-2017 10:49 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Trong điều trị bệnh viêm mũi dị ứng hiện nay có rất nhiều biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc. Trong các nhóm thuốc dùng điều trị...

Trong điều trị bệnh viêm mũi dị ứng hiện nay có rất nhiều biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc. Trong các nhóm thuốc dùng điều trị, kháng histamin là nhóm thuốc được sử dụng với tần suất cao nhất. Chính vì tần suất sử dụng cao dẫn đến nhiều sai lầm thường gặp trong quá trình dùng thuốc này mà người bệnh cần lưu ý.

Viêm mũi dị ứng là một bệnh dị ứng thường gặp. Tại Mỹ, theo thống kê có từ 20-40 triệu người mắc được chẩn đoán mới trong năm, trong đó 10-30% người lớn và 40% trẻ em. Viêm mũi dị ứng đặc trưng bởi phản ứng viêm quá mức niêm mạc mũi khi tiếp xúc với dị nguyên. Biểu hiện ngạt tắc mũi, hắt hơi, chảy nước mũi và nước mắt, dịch trong viêm xoang thêm triệu chứng đau nhức vùng mặt, cảm giác đầy tức tai do tác động tới vòi nhĩ. Tuy không phải là một bệnh có ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng nhưng lại làm cho chất lượng cuộc sống của người mắc bệnh suy giảm, làm việc không hiệu quả do ngạt mũi làm thiếu ôxy cung cấp cho cơ thể, hắt hơi từng tràng nên giao tiếp khó khăn....

Sự biến đổi niêm mạc mũi trong bệnh viêm mũi dị ứng.

Viêm mũi dị ứng có thể xuất hiện theo mùa hoặc quanh năm, nếu không được điều trị viêm mũi dị ứng thường dẫn đến viêm mũi xoang có polip, hội chứng xoang phế quản, biến chứng mắt do viêm xoang.

Có nhiều phương pháp chữa viêm mũi dị ứng: sử dụng kháng histamin đường uống, corticoid, chống sung huyết, steroid xịt tại niêm mạc mũi, liệu pháp bổ sung vi chất, liệu pháp miễn dịch hoặc kết hợp các phương pháp điều trị với nhau, tuy nhiên chưa có phương pháp nào được coi là ưu việt hoàn toàn. Việc nghiên cứu đáp ứng của người bệnh với các phương pháp điều trị khác nhau có thể đưa ra những khuyến cáo để thầy thuốc lâm sàng cân nhắc dựa vào tình trạng bệnh, khả năng theo dõi và kinh tế của người bệnh....

Tác dụng của thuốc kháng histamin trong bệnh viêm mũi dị ứng

Histamin là một trong những chất trung gian giữ vai trò quan trọng trong sốc phản vệ và phản ứng dị ứng. Histamin được tìm thấy ở khắp các mô trong cơ thể nhưng sự phân bố không đồng đều. Histamin được dự trữ nhiều nhất trong các tế bào mast ở các mô và trong các hạt bài tiết của tế bào ưa kiềm. Khi bị tác động của các yếu tố bên ngoài (lạnh, hóa chất, bụi trong không khí...), các tế bào chứa phức hợp này bị kích thích giải phóng ra histamin dạng tự do. Lượng histamin này vượt ngưỡng cho phép của cơ thể và gắn với những vị trí nhạy cảm gọi là thụ thể histamin tại tế bào đích gây ra phản ứng dị ứng. Histamin H1 tác động trên đường hô hấp: gây sổ mũi, ngạt mũi, liều nhỏ histamin cũng có thể gây co thắt cơ trơn khí phế quản, làm xuất hiện các cơn khó thở giống hen phế quản.

Các thuốc kháng histamin đối kháng cạnh tranh với thụ thể histamin tại tế bào đích, histamin không gắn được với thụ thể nên không có tác dụng trên tế bào. Có rất nhiều chế phẩm đang lưu hành trên thị trường, được chia thành hai nhóm chính, là thuốc kháng histamin H1 thế hệ 1 và thế hệ 2. Thuốc kháng histamin H1 thế hệ 1 phân bố khắp các tổ chức của cơ thể, kể cả hệ thần kinh trung ương, gây ức chế hệ thần kinh trung ương ngay ở liều điều trị, làm chậm chạp, mơ màng, giảm sự tỉnh táo. Nhưng thuốc kháng histamin H1 thế hệ 2 khó qua hàng rào máu - não nên không có tác dụng này.

Một số lưu ý khi sử dụng

Thuốc kháng histamin được dùng điều trị dị ứng, trong đó có viêm mũi dị ứng. Tất cả các thuốc kháng histamin H1 đều có nhiều tác dụng phụ nên phải dùng đúng liều lượng và thời gian, theo chỉ định của bác sĩ, không nên lạm dụng thuốc, đặc biệt chú ý ở các đối tượng phụ nữ mang thai và trẻ em.

Thuốc kháng histamin chỉ giúp điều trị triệu chứng dị ứng (chảy nước mũi...) chứ không điều trị được nguyên nhân nên không giúp bệnh nhân khỏi bệnh được hoàn toàn. Do vậy, điều quan trọng là phải tìm ra và loại trừ các tác nhân gây dị ứng (thuốc, mỹ phẩm, bụi, thời tiết, thức ăn...) mới có thể trị được bệnh. Việc dùng thuốc do đó cũng phải kiên trì, phải dùng nhiều đợt mới hạn chế được tái phát.


TS. Phạm Thị Bích Đào
Ý kiến của bạn