Sắc thuốc
• Khi sắc cần cho thuốc vào trước, rồi sau đó cho nước vào ngập thuốc, ngâm khoảng một tiếng (nên dùng nước lạnh), để nước ngấm vào thuốc mới có thể sắc kiệt ra được những hoạt chất.
• Sau khi sắc xong, nên để lại một bát nhỏ khoảng 200 - 300ml thuốc là vừa.
• Sắc thuốc bổ cần đun lửa nhỏ, để thuốc chịu nhiệt từ từ thì các hoạt chất mới dễ được sắc ra. Sau khi đun sôi nước thuốc, cần đun nhỏ lửa tiếp khoảng 30-45 phút, tắt lửa xong để ủ 5-10 phút rồi mới chắt nước thuốc. Nếu dùng lửa to đun sôi, thuốc dễ trào ra ngoài gây lãng phí và các hoạt chất cũng có thể bị phân hủy làm giảm tác dụng của thuốc.
• Những loại thuốc bổ như nhân sâm, linh chi thì nên dùng cách hãm uống như uống trà; đông trùng hạ thảo, tam thất, kỷ tử, đảng sâm, đương quy nên nấu cùng thực phẩm bổ như chim cút, chim sẻ, gà ác, chim câu.
• Lượng thuốc sắc mỗi thang đủ uống trong một ngày, không nên sắc nhiều để qua ngày hôm sau, vì hoạt chất của thuốc biến mất, làm giảm hiệu quả, có thể gây đau bụng, tiêu chảy.
• Nên dùng nồi đất để đun sắc, không nên sử dụng đồ kim loại, có thể dùng nồi men sứ.
Uống thuốc
• Thông thường mỗi thang thuốc nên uống vào ba buổi trong ngày. Thời gian uống thuốc tốt nhất là vào lúc nửa đói nửa no (giữa buổi sáng và buổi chiều) và tối trước khi đi ngủ. Trước và sau khi uống thuốc nửa giờ không nên ăn uống gì.
• Những món ăn cần kiêng ngoài các món cụ thể đối với từng bệnh, nên kiêng chất chua, đậu xanh, giá sống, rau muống.
• Không nên uống thuốc với đường, sữa: Nếu cho thêm đường vào, các vị đắng, cay của thuốc sẽ bị khống chế làm mất tác dụng. Ngoài ra, đường sẽ làm giảm tác dụng của tính hàn, mát, hạ thấp hiệu quả điều trị đi nhiều lần. Còn nếu thuốc đông y hòa với sữa dễ dẫn đến hiện tượng kết tủa, vừa mất tác dụng điều trị của thuốc lại vừa khó tiêu.
• Với thuốc bổ:
Cần chú ý vấn đề kiêng kỵ: Ví dụ như khi uống nhân sâm nên kiêng ăn củ cải và uống nước chè.
Tránh ăn các loại hải sản tươi sống vốn có nhiều histamin dễ dẫn đến những phản ứng, dị ứng.
Thuốc bổ nên uống nóng, không nên uống lạnh.
Cữ uống sáng cần uống lúc đói bụng, nửa giờ sau mới ăn sáng để thuốc dễ hấp thụ; tối uống sau bữa ăn hai giờ; còn buổi trưa uống 0,5-1 giờ trước khi ăn.
Xử trí sự cố
• Chuyển thuốc: Sau khi uống thuốc một vài giờ, thấy chân tay run rẩy, hoặc toát mồ hôi, hoặc đau mỏi toàn thân... là phản ứng tự nhiên với thuốc của một cơ thể đang có bệnh. Khi thấy những hiện tượng như thế, cần bình tĩnh, nghỉ ngơi vài giờ, nếu không thấy diễn biến xấu hơn, chứng tỏ cơ thể đã thích hợp với thuốc vừa uống.
• Nôn mửa: Do người đang yếu mà thuốc thì quá mạnh hoặc quá đắng nên uống vào hay bị nôn ra. Chỉ cần nhai một miếng gừng, nếu là trẻ nhỏ hoặc người yếu răng thì giã gừng thật nát, chế vào một muỗng nước, vắt lấy nước cốt cho uống.
• Sôi bụng: Do không nhận định đúng bệnh trước khi dùng thuốc, uống lầm phải thuốc mát, vài giờ sau thấy bụng sôi lục bục hoặc đau lâm râm, nếu vậy chỉ cần nướng một mẩu gừng cho ăn là khỏi.
• Rối loạn tiêu hóa: Cũng tương tự như trường hợp trên, do thuốc mát quá, tỳ vị lạnh yếu không chịu nổi. Sự cố này cũng khắc phục như trên, cho thêm 3-5 lát gừng vào nước sắc. Để cầm tiêu chảy kịp thời, chỉ cần nhai một nắm búp ổi hoặc búp sim, búp chè với vài lát gừng, sẽ vô sự.